Không mua thuốc, còn lâu mới có kết luận?
Trước phản ánh của bạn đọc về việc bác sỹ tại bệnh viên Quân y 108 “ép” bệnh nhân mua thuốc. Ngày 10/07, nhóm PV báo Giáo dục Việt Nam đã có mặt tại phòng khám số 1( khám sản khoa) để tìm hiểu rõ vấn đề này.
Bệnh viện Quân đội 108 bị "tố" ép bệnh nhân mua thuốc mới trả kết quả khám (ảnh VC) |
Tại đây, trao đổi với PV, chị H.T.H có địa chỉ thường trú tại quận Hai Bà Trưng cho biết: “Kể từ lần đầu tiên cũng như đến các lần khám sau này, không lần nào khi đi khám tại đây tôi dám quên không mang theo tiền để mua thuốc tại bệnh viện…”
Lý giải điều này chị H bức xúc: “Cứ lần nào tôi có ý định không mua thuốc tại bệnh viện, là lần đó khi lên lấy kết luận khám cũng bị bác sĩ “trách” và không cho lấy kết luận của lần khám đó, chỉ khi nào có hóa đơn thu tiền thuốc thì bác sĩ mới trả lại kết luận…”.
Theo như đơn thuốc chị H cung cấp thì thuốc kê trong đơn cho các sản phụ chỉ là các loại thuốc bổ, có thể mua tại bất kỳ các nhà thuốc khác. Tuy nhiên, cũng với loại thuốc đó, khi chị H mua tại bệnh viện 108 lại có giá chênh cao hơn so với một số quầy thuốc bên ngoài thị trường.
Cùng loại thuốc HEMONA ở các nhà thuốc tư nhân, giá chỉ có 325.000 VNĐ/ 100 viên thì khi mua ở bệnh viện 108 là 400.000 VNĐ /100 viên, hay như thuốc Phadogreen trên thị trường có giá 350.000VNĐ/100 viên, thì bệnh viện 108 lại bán với giá là 400.000/ 100 viên.
Một sản phụ có thai 39 tuần sắp đến ngày sinh tên N.T.P, trú tại Quận Long Biên cho biết thêm: “Biết là bị “ép” phải mua thuốc, và bệnh viện bán thuốc đắt hơn rất nhiều nhưng cũng chỉ biết “căn răng chịu”. Trước đây, khi mới khám tôi thắc mắc về việc mua thuốc, thì đợi cả ngày vẫn chưa nhận đươc kết quả đâu trong khi những người đến sau đã có hết”.
Hỏi vài người đi khám cùng thì được biết, để không bị gây khó dễ, sớm được trả kết quả, kết luận thì tốt nhất là phải mua thuốc hoặc chí ít thì bệnh nhân cũng phải “ngậm ngùi” mua ½ đơn thuốc mà bác sĩ tại phòng khám đã đưa .
Bảng hướng dẫn cho người đến khám bệnh qui định "in kết quả khám, nộp tiền thuốc và mua thuốc..." |
Ngay tại cửa vào Khoa Khám bệnh của Bệnh viện 108, phía bên phải, nơi lấy số khám có treo biển Hướng dẫn trình tự khám bệnh của bệnh nhân nhân dân. Nếu đọc kỹ, đến mục thứ 8, người bệnh sẽ thấy có quy định: "Nếu bệnh nhân không phải vào viện điều trị: đến nơi thu tiền thuốc trả kết luận bệnh nhân... để nhận kết quả khám bệnh, đơn thuốc, nộp tiền... và mua thuốc điều trị".
Theo như nhiều bệnh nhân nhận định: Một cách gián tiếp, quy định này đã buộc người bệnh phải đóng tiền mua thuốc mới được nhận đơn. Tuy nhiên, không phải ai vào viện cũng đủ kiên nhẫn đọc hết bảng hướng dẫn, thậm chí hiểu hết nội dung trong đó. Vì thế, nếu lỡ không mang đủ tiền, người bệnh chỉ còn cách lên gặp trưởng khoa, hoặc "viện trưởng" để xin được giải quyết, hoặc phải tái khám.
Trong khi đó theo quy định về quy chế kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú của Bộ Y tế, đơn thuốc có giá trị mua thuốc vòng 5 ngày kể từ ngày kê đơn và được mua ở tất cả cơ sở bán thuốc hợp pháp trong cả nước.
Lãnh đạo bệnh viện thừa nhận là có…
Về phản ánh của bạn đọc, chiều 15/7 trao đổi với phóng viên báo Giáo dục Việt Nam, Đại tá, Bác sỹ chuyên khoa Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thừa nhận những phản ánh trên của PV là có.
Theo ông Hùng, việc một số bác sỹ “ép” bệnh nhân mua thuốc mới trả kết quả đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên do một số cá nhân tự ý làm chứ không phải là chủ trương, qui định của bệnh viện.
Đại tá, Bác sỹ chuyên khoa Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thừa nhận có việc một số bác sỹ "ép" bệnh nhân mua thuốc |
“Chúng tôi đã tiếp nhận phản ánh và sẽ có biện pháp xử lí cụ thể tình trạng trên. Trong tổng hợp báo cáo tuần, tôi sẽ nói rõ về vần đề PV nêu. Bác sỹ nào để xảy ra sai phạm sẽ xem xét để đưa ra hình thức kỷ luật hoặc hạ lương, tùy vào mức độ…” - ông Hùng quả quyết.
Còn về việc bệnh viện bán thuốc bổ, thực phẩm chức năng cao hơn giá thị trường, ông Hùng lí giải: “Việc này không phải chỉ bây giờ chúng tôi mới biết, trước đó nhiều bệnh nhân đã phản ánh. Mới đây giám đốc bệnh viện cũng đã triệu tập tất cả các hãng thuốc để bàn về việc giá thuốc bổ tăng “vô tội vạ”. Nguyên nhân do các hãng thuốc tự tăng, khi giá đầu vào tăng dẫn đến việc giá thuốc nhập vào và bán tại bệnh viện cũng sẽ tăng theo”.
Tuy nhiên, với mức chênh gần 20% đối với một số loại thuốc bổ, thực phẩm chức năng, ông Hùng cho rằng như vậy là…hợp lí, bởi mức chênh nằm trong phạm vi cho phép theo qui định của Bộ Y tế!?