Bà Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt ra vấn đề này tại phiên thảo luận về dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) sáng 20/9.
Bà Lê Thị Nga đặt vấn đề: “Luật có giải quyết được thực trạng phạm vi các trường hợp được bồi thường hiện nay?
Hết thời hạn điều tra nhưng không chứng minh được hành động phạm tội mà đã thực hiện biện pháp ngăn chặn rồi thì quy định thế nào?”.
Bà Nga cũng chỉ ra rằng, từ báo cáo giám sát oan sai cho thấy mô hình tổ chức cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường chưa hợp lý, còn phân tán, thiếu khách quan, chậm trễ...
Có trường hợp thời gian dài, làm oan lớn nhưng chỉ xin lỗi công khai trong vài phút khiến dư luận và người dân cho rằng làm hình thức.
Trong khi đó các thủ tục đền bù oan sai lại mất quá nhiều thời gian, thí dụ như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn và Huỳnh Văn Nén.
“Đi tù chừng ấy năm thì việc thăm nuôi lấy đâu ra chứng từ? Luật có giải quyết được không hay cứ khi xảy ra vụ việc lại đòi chứng từ trong khi gia đình người ta khốn đốn thì lấy đâu chứng minh”, bà Nga nói.
Bà Lê Thị Nga yêu cầu sửa đổi luật phải tạo mọi thuận lợi về thủ tục đền bù oan sai. ảnh: Hoài Thu. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, phải xác định mở rộng dần để đảm bảo giữa quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tác động bởi quyết định của Nhà nước. Nếu quy định quá hẹp sẽ ảnh hưởng quyền công dân, nhưng nếu mở quá rộng lại làm chùn tay các cơ quan tố tụng.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đặt ra vấn đề mà dư luận xã hội bức xúc là những khoản tiền rất lớn nhà nước phải đền bù, cần làm rõ trách nhiệm bồi hoàn ra sao.
Đề cập tới vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá từng chỉ rõ những đau khổ mà những người tù oan phải gánh chịu.
Đại biểu Khá nhấn mạnh: “Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại. Và, ai ở trong chăn thì mới biết chăn có rận. Đấy là người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa”.
Bà Khá phân tích, trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những cái mất ấy, người bị oan sai phải trải qua 3 công đoạn đoạn khổ sở: Làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp cái công thứ 2 là công lý.
Sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục đi tìm cái công thứ 3 đó là công bằng.
Chuyện xe công, nhà công vụ vẫn chưa có hồi kết |
“Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ.
Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào.
Trên đời này cũng ít ai muốn xử cái thua thiệt thuộc về mình, dẫu biết cái thua thiệt ấy thuộc về chân lý. Do vậy, tôi đề nghị giám sát vấn đề này để hiến pháp năm 2013 sớm đi vào cuộc sống, đảm bảo quyền con người, quyền của công dân”, Đại biểu Khá nhấn mạnh.
Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, ông Phan Thanh Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đề nghị: “Cần làm rõ những điểm yếu của luật hiện hành, cái khó trong thực hiện bồi thường nằm ở đâu, quy trình hay sự tách bạch người xử lý và người gây thiệt hại?”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thuý Anh – Chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội thì cho rằng, luật quy định bồi thường vật chất, tinh thần và khôi phục danh dự, nhưng thực tế bồi thường nhiều khi không khôi phục được quyền lợi của người bị hại.
Bà Anh chỉ rõ: “Có người không thể khôi phục được quyền lợi như buộc thôi việc cấp Tổng cục trưởng trở xuống, sau đó có quyết định bồi thường, khôi phục lại công việc nhưng họ đã bỏ lỡ cơ hội được cất nhắc, bổ nhiệm. Luật có dự kiến vấn đề này không vì tôi đọc không thấy có”.