Điểm văn đạt 5,5, sao phải viết cam kết nhỉ?

03/11/2019 08:10
SÔNG TRÀ
(GDVN) - Cha mẹ học sinh khá bất ngờ bởi so với thang điểm 10 thì mức này là đạt yêu cầu, học sinh có lỗi lầm gì mà phải viết cam kết?

Ngày 1/11/2019, Báo Người lao động đăng tải bài phản ánh về việc học sinh một lớp tại Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh) phải làm bản cam kết đạt điểm cao hơn sau khi kiểm tra đạt 5,5.

Cha mẹ học sinh khá bất ngờ bởi so với thang điểm 10 thì mức này là đạt yêu cầu, học sinh có lỗi lầm gì mà phải viết cam kết?

Cha mẹ học sinh này cho biết năm nay con học lớp 6/2 Trường Trung học cơ sở Lê Lợi.

Học sinh mới từ bậc tiểu học vào học trung học cơ sở còn nhiều bỡ ngỡ với trường, lớp mới, thầy cô, bạn bè mới và đặc biệt là các con vẫn chưa quen với cách giảng dạy, cách học của bậc trung học cơ sở.

Vì thế, những bài kiểm tra đầu năm đa số các con đều không đạt điểm cao.

Cũng phụ huynh này cho biết cứ em nào bị điểm thấp là phải làm bản cam kết tự nhận lỗi, đồng thời hứa lần kiểm tra sau sẽ đạt điểm cao hơn.

Những học sinh có bài kiểm tra đạt 5 điểm, 6 điểm cũng phải làm bản cam kết như vậy.

Không riêng gì học sinh lớp 6 ở quận 3, học sinh một lớp 8 tại trường trung học cơ sở có tiếng ở quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh cũng bị yêu cầu tương tự.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận 3) trong giờ ra chơi. (Ảnh: Anh Nhàn/Laodong.vn)
Học sinh Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (quận 3) trong giờ ra chơi. (Ảnh: Anh Nhàn/Laodong.vn)

Theo lời kể của phụ huynh, đề kiểm tra cho đoạn văn (trích từ báo), bảo học sinh đọc hiểu rồi viết cảm nhận: đoạn ấy nêu tư tưởng chủ đề gì, gửi gắm thông điệp gì; đâu là suy nghĩ của em? Trước đó, giáo viên bộ môn có hướng dẫn sườn bài, cách làm, cách cảm nhận...

Nhưng cả lớp không ai đạt điểm cao, vì em nào cũng làm khác hướng dẫn của giáo viên bộ môn nên bị phê là "không đúng những nội dung giáo viên đã lưu ý, sửa chữa".

Sau đó, giáo viên bắt học sinh phải viết bản cam kết, trong đó nêu: Lần sau sẽ làm theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn, bài kiểm tra sau sẽ cao điểm hơn lần trước; bắt phụ huynh ký tên vào bản cam kết đó.

Phụ huynh học sinh cũng cho biết giáo viên còn dọa toàn bộ lớp sẽ viết cam kết mãi cho đến khi đạt điểm 10 văn thì thôi.

Thật sự, dù học sinh làm bài có đủ ý đi nữa nhưng nếu viết cảm nhận chệch ý giáo viên thì cũng chỉ được cho 5-6 điểm. [1]

Nhiều thầy cô giáo ở các địa phương khác thường có biện pháp, bắt các học sinh bị điểm dưới trung bình, phải chép phạt ra giấy từ mấy trăm lần đến mấy ngàn lần với dòng chữ: phải học bài khi kiểm tra, thi học kỳ sắp tới….   

Đành rằng, các biện pháp của một số thầy cô giáo đưa ra như yêu cầu học sinh viết bản cam kết: điểm kiểm tra phải cao hơn sau khi đạt đã điểm trung bình; lần sau sẽ làm theo hướng dẫn của giáo viên bộ môn; bắt phụ huynh ký tên vào bản cam kết đó… là xuất pháp từ mục đích, động cơ tốt, với mong muốn để học sinh, nhất là các em lười học, học yếu cần cố gắng, phấn đấu, để các bậc phụ huynh luôn đồng hành, có trách nhiệm quản lý, nhắc nhở con em trong việc học hành khi ở nhà.

Bài văn của học sinh lớp 8 làm cô giáo choáng váng
Bài văn của học sinh lớp 8 làm cô giáo choáng váng

Nhưng vô hình trung, nó sẽ đẩy các em đến chỗ bị áp lực nặng nề về điểm số, về kết quả, thành tích học tập, mỗi ngày đến trường thay vì niềm vui, phấn chấn là nỗi vất vả, căng thẳng cứ vây bủa, ám ảnh.

Là một thầy giáo, tôi cho rằng, các thầy cô giáo không nên áp dụng biện pháp yêu cầu học sinh phải viết cam kết, có chữ ký xác nhận của phụ huynh như thế nữa.

Các thầy cô giáo cần kiên trì với biện pháp động viên, khích lệ, đặc biệt với các em lười học, học còn yếu.

Cái quan trọng hơn, các giáo viên cần nắm bắt, phân loại được năng lực, trình độ học tập của từng em, từng lớp dạy từ đó tự mình thay đổi, cải tiến phương pháp dạy học sao cho phù hợp đối tượng và đạt hiệu quả.

Thầy cô giáo tâm huyết, giảng dạy dễ hiểu thì chắc chắn học sinh sẽ làm được các bài kiểm tra, các em học yếu sẽ tiến bộ.

Nhà trường, giáo viên dành thời gian tổ chức dạy phụ đạo, kèm cặp diện học sinh yếu cũng là biện pháp tốt góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng giáo dục.

Về chấm môn Ngữ văn, tôi đồng tình với ý kiến, nhận xét của Cô Lê Thị Kim Loan, giáo viên môn ngữ văn Trường Phổ thông năng khiếu – Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (trên báo Người lao động): “khi chấm văn của học sinh, giáo viên cần căn cứ theo nhiều yếu tố.

Yêu cầu đầu tiên là học sinh phải biết cấu trúc; nội dung ý tưởng, bài viết có trả lời ý chính, diễn đạt, câu từ…; phần hành văn diễn đạt ý cũng phải có sự trau chuốt chứ không phải là vài câu đơn giản.

Là bài văn nên phải tôn trọng ý cá nhân, sự sáng tạo của học sinh khi thể hiện bài làm.”

Dạy học và chấm văn cứ theo kiểu thuộc lòng, văn mẫu, phải đúng, y chang ý, hướng dẫn, đáp án của giáo viên mới đạt điểm cao đã trở nên lạc hậu lắm rồi, các thầy cô giáo không thể đi theo “lối mòn” ấy mãi được, nhiều học sinh bây giờ chán, sợ học văn trong đó có một phần lỗi của giáo viên dạy văn mà ra.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sao-buoc-tro-viet-cam-ket-dat-diem-cao-20191031214140916.htm

SÔNG TRÀ