Tình cờ gặp được em, giáo viên dạy Văn ở một trường trung học tại huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An nghe em kể về những kỉ niệm đi dạy của mình làm tôi cứ xúc động mãi.
Bài văn dài 4 trang của một cô bé lớp 8 đã làm cô giáo choáng váng, bất ngờ (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Tôi cứ thầm nghĩ: “Thật may mắn cho những học trò nào được em dạy dỗ. Bởi với em :dạy học trước hết là dạy người! Làm một nhà giáo, nếu chỉ chăm chăm vào việc truyền thụ kiến thức thôi thì chưa đủ”.
Cô giáo dạy Văn choáng váng khi đọc những lời tâm sự của học sinh
Một lần cô L. ra cho cả lớp bài tập làm văn: "Hãy kể lại một kỷ niệm ấn tượng nhất của em”.
Cô L. nói, thật sự sốc, bủn rủn chân tay khi đọc đến bài của một học sinh tên N.L.
Bài văn gồm 4 trang giấy được em kể rất tỉ mỉ về những chuyện buồn xảy ra với mình trong suốt thời gian qua.
Mở đầu trang viết, em nói: “Cuộc sống của em chẳng có chuyện gì vui, vì bao quanh em chỉ có một màu buồn tủi”.
Và những nội dung các câu chuyện của em kể sau đó đều xoay quanh những mâu thuẫn gia đình. Đặc biệt là giữa em và mẹ.
Em trách mẹ không thấu hiểu tâm lý con gái tuổi dậy thì, mẹ hay cau có, mắng mỏ thường dò xét, bắt bẻ em này nọ...
Nào là chuyện em chơi với ai, đi chung xe với người nào, làm những việc gì ngoài giờ học...
Dù rất giận mẹ, nhưng em cũng biết chỉ vì mẹ quá lo lắng cho em mà sinh ra cáu gắt, cấm cản.
Sự ương bướng, hỗn láo của em khiến mẹ buồn bực, giận dữ và khiến cho những cuộc cãi vã giữa 2 mẹ con không có hồi kết thúc.
Em cứ làm mẹ khóc suốt thôi và hai mẹ con cứ xa nhau dần dần. Em chợt nghĩ, nếu không có em, mẹ sẽ đỡ khổ.
Em chết đi là không còn phải chịu những áp lực của chuyện học hành. Em chết đi là cuộc đời của mẹ em sẽ khác...
Thế là em đã cố làm tất cả mọi việc để tự hủy hoại bản thân. Như lấy dao rạch tay mình chẳng hạn...
Cô L. cho biết: “Đọc đến đây, thấy tim mình như sắp rụng ! Không đủ can đảm để đọc tiếp.
Mình gấp bài lại, lặng lẽ nhìn em đang cắm cúi trên trang vở học trò - gương mặt nghiêng nghiêng đầy vẻ thông minh và cương nghị. Mà sao em lại hành động dại dột như vậy ???”.
Thiếu chút nữa thôi, cô đã bật khóc trên bục giảng...Cô tự trách mình thật nhiều! Là giáo viên dạy Văn của lớp nhưng cô không hề biết học trò mình vừa trải qua những tháng ngày đau buồn như vậy.
Sau phút dây bàng hoàng, cô L. nói mình nén lòng, gạt thầm nước mắt rồi đọc cho hết bài viết của em.
Em kể tiếp: Chỉ từ khi được học truyện "Chiếc lá cuối cùng" của O Hen-ri, em mới hiểu ra rằng: "Muốn chết là một tội"!
Mình nợ cha mẹ sinh mạng này, dẫu có chết đi thì nợ lại chồng lên nợ. Chết cũng không thoát nợ luân hồi. Em thấy mình thật hư! Thấy có lỗi với cha mẹ thật nhiều. Em xin mẹ tha thứ cho em ...
Đọc những dòng cuối cùng này, cô đã rơi nước mắt vì xúc động! Ơn Trời! vì cuối cùng em đã hiểu ra.
Đừng oán trách cha mẹ, cha mẹ ta cũng có lúc sai lầm
Cô L. đã gửi cho cô bé học trò của mình những dòng tâm sự đầy tâm huyết từ câu chuyện của chính cô thời bé cũng như chia sẻ và động viên em hãy thấu hiểu ba, mẹ dù đôi lúc họ có nghiêm khắc với mình.
N.L. yêu quý của cô!
Vì dù bụng có đầy văn thơ và đầu có đựng cả bồ kiến thức 'hàn lâm' toán, lý, hóa... mà ích kỷ, tự cao, ngạo mạn, phóng túng, vô lễ với mẹ cha, coi thường cả sinh mệnh của mình,... thì học giỏi phỏng có ích gì?
Cô nhớ lại thời còn đi học của mình. Tại mình đi học sớm hơn 1 tuổi hay tại mắc phải cái 'nghiệp quả' gì mà sức học của cô rất tệ so với bạn bè cùng lớp. Ai đời đã học hết nửa năm lớp 1 rồi mà chưa viết nổi chữ O?
May bố xin giải ngũ sớm, tận tình kèm cặp và siêng cho ăn đòn mà cô mới qua được năm lớp Một, rồi lớp Hai. Và cứ thế, mỗi năm lên một lớp. Sức học cũng khá dần lên.
Bố mẹ một đời nhọc nhằn, mưu sinh vất vả, đôi khi có nóng nảy, hiểu nhầm, nặng lời trách mắng hoặc đánh đòn oan nhưng cũng không ai dám giận.
Nghĩ mẹ cha ta cũng có lúc sai lầm! Với lại, giận cha mẹ thì ở với ai? Chỉ trách mình không biết đỡ đần nhiều hơn cho mẹ cha đỡ khổ.
Cô tin rồi em sẽ trưởng thành và sẽ hiểu những lời cô nói hôm nay.
“Mẹ đã không cầm được nước mắt khi đọc bài văn của con”
Chị K.T. mẹ của cô bé nói rằng mình đã không cầm được nước mắt khi đọc được bài văn của con.
Và đã gửi đến cô giáo lời cảm ơn chân thành: “Mẹ cháu không biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn cô giáo rất nhiều vì những lời tâm sự tâm huyết của cô”.
Cô L. nói rằng chắc chắn từ nay ba mẹ sẽ hiểu con nhiều hơn và cô bé học trò ấy cũng sẽ thấu hiểu nỗi lòng ba mẹ của mình dù đôi lúc có nghiêm khắc cũng chỉ với mục đích duy nhất luôn mong con được nên người.