Điều động bốn Phó trưởng Ban Kinh tế

20/02/2013 15:14
Hiếu Lam (tổng hợp)
Ngày 19/1, ông Tô Huy Rứa, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đã trao quyết định nhân sự của Bộ Chính trị cho bốn Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Theo đó, các ông Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên; ông Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn; ông Đinh Văn Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, thôi giữ chức Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc và ông Bùi Văn Thạch, thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.

Bốn ông được chuyển công tác về Ban Kinh tế Trung ương và giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Tô Huy Rứa khẳng định: Trưởng Ban Kinh tế Trung ương và bốn Phó trưởng ban được Bộ Chính trị lựa chọn đều đã khẳng định được năng lực và phẩm chất của mình qua một thời gian dài với nhiều vị trí công tác. 
 
Ông Tô Huy Rứa trao quyết định cho 4 đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Ông Tô Huy Rứa trao quyết định cho 4 đồng chí Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Bộ Chính trị luôn tin tưởng và hy vọng tập thể lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương tiếp tục phát huy năng lực và kinh nghiệm của mình trên những cương vị mới.
Trước đó, tại phiên họp ngày 8/01/2013, Ban Bí thư cũng đã quyết định để đồng chí Phạm Anh Tuấn thôi giữ chức Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để giữ chức Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Theo sự phân công của Bộ Chính trị, ngày 28/12/2012, ông Vương Đình Huệ, ủy viên Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng Ban Kinh tế trung ương.
Quyết định của Bộ Chính trị nêu rõ chức năng của Ban Kinh tế Trung ương là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương và các chính sách lớn thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội.
Cùng với Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương chính thức hoạt động từ ngày 1/2 với trụ sở đặt tại 3B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội.
5 nhiệm vụ của Ban Kinh tế Trung ương:
Tổ chức bộ máy của Ban Kinh tế Trung ương gồm 8 đơn vị, trong đó có 6 vụ chức năng, được giao thực hiện 5 nhiệm vụ chính.
Thứ nhất, chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu, đề xuất xây dựng đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội, các nghị quyết, chỉ thị, quyết định về lĩnh vực kinh tế-xã hội của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; các cơ chế, chính sách lớn về kinh tế-xã hội, phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, về các vấn đề xã hội gắn với kinh tế theo phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia ý kiến với các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan về các đề án, dự án kinh tế -xã hội lớn.
Thứ hai, thẩm định các đề án về kinh tế - xã hội trước khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ ba, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương trong thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách về kinh tế-xã hội; chủ trì hoặc tham gia sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quyết định,… của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về kinh tế - xã hội.
Ban Kinh tế Trung ương sẽ giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư nắm tình hình, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, đổi mới, tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nhanh, bền vững theo chương trình, kế hoạch và phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Thứ tư, tham gia ý kiến với các cơ quan có thẩm quyền trong việc bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, ở khối các cơ quan kinh tế - xã hội theo phân công, phân cấp.
Thứ năm, thực hiện những công việc khác do Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao.
Hiếu Lam (tổng hợp)