40% nhân viên không lưu trình độ trung bình yếu
Sau sự cố mất điện cung cấp cho hệ thống thiết bị điều hành bay dẫn đến việc Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) không thể truyền tín hiệu, dư luận lại bất ngờ trước báo cáo của Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) về trình độ của kiểm soát viên không lưu.
Theo đó VATM cho biết có khoảng 40% nhân viên không lưu hiện có tỷ lệ tay nghề trung bình và yếu, trong đó 8% là năng lực yếu, 31% trình độ tiếng Anh chưa đạt tiêu chuẩn ICAO (mức 4).
Nhiều chuyên gia trong ngành hàng không khi đọc thông tin này đã phải giật mình đánh giá: Đài Kiểm soát không lưu được coi là mắt thần với các chuyến bay nhưng đôi mắt ấy không tinh khi gần một nửa nhân viên có trình độ trung bình và yếu.
Đài kiểm soát không lưu mất tín hiệu gây mất an toàn, an ninh hàng không. |
Trình độ tiếng Anh kém tức là khả năng nghe nói tiếng Anh không thông thạo, do vậy thông tin bằng tiếng Anh phi công tiếp nhận từ nhân viên kiểm soát không lưu sẽ thiếu chính xác. Chỉ cần một hướng dẫn sai, một huấn lệnh không chính xác trong việc cất cánh, hạ cánh... sẽ tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.
Đã có thông tin cho rằng, nhân viên kiểm soát không lưu phần lớn là con cháu lãnh đạo. Dù thông tin này chưa được xác nhận nhưng rõ ràng con số 40% nhân viên trình độ trung bình yếu, kém về tiếng Anh lại có thể đàng hoàng vào làm việc tại Đài kiểm soát không lưu dư luận hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn.
Câu chuyện “con cháu lãnh đạo” được đặc cách vào những vị trí tốt trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp vốn không phài là mới. Tuy nhiên với những vị trí đòi hỏi chuyên môn nghề nghiệp vững vàng, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, không được sai sót dù là nhỏ nhất như tại kiểm soát không lưu thì rõ ràng cơ quan này đang đặt được mạng sống của hàng khách, thương hiệu của hàng không, uy tín của quốc gia...
Đình chỉ lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam: Liệu đã đủ?
Đánh giá cố mất điện, mất tín hiệu tại Trung tâm kiểm soát đường dài Hồ Chí Minh và Cơ quan kiểm soát tiếp cận Tân Sơn Nhất (AACC Hồ Chí Minh) ngày 20/11, trong cuộc họp báo ngày 21/11, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng đây là sự cố sự cố kỹ thuật đặc biệt nghiêm trọng. Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết sẽ yêu cầu Tổng công ty quản lý bay Việt Nam rà soát chặt chẽ lại hệ thống không chỉ về nguồn điện mà cả các thiệt bị liên quan trong hệ thống.
Trả lời trên Người lao động online, ông Đoàn Trí Dũng - Trưởng ban Kỹ thuật VATM, cho biết đã có đủ thông tin xác định nguyên nhân sự cố là do Kíp trưởng thực hiện sai thao tác kỹ thuật. Đáng nói theo ông Dũng một bộ lưu và truyền tải điện (UPS) đã từng bị trục trặc tương tự vào các ngày 13 và 18/11. Tuy nhiên, ngày 20/11, khi kíp trưởng Lê Trí Tình thao tác sai nên đã gây sập hệ thống…
Theo thông tin mới nhất, VATM đã đình chỉ công tác 3 lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam. Dường như quyết định “trảm tướng” của VATM lúc này là cách duy nhất để làm dịu sức nóng của dư luận. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên Công ty Quản lý bay miền Nam phải giải quyết thế nào?
Chia sẻ động thái “trảm tướng” của VATM, độc giả Nguyễn Loan bình luận: “Trảm tướng gần như là biện pháp được ngành giao thông nói chung và giao thông nói riêng sử dụng để chấn chỉnh công tác quản lý. Tuy nhiên chỉ trong một thời gian ngắn để xảy ra việc Đài kiểm soát không lưu mất điện, mất tín hiệu, suýt xảy ra va chạm máy bay dân sự và quân sự đặt ra vấn đề về năng lực quản lý của lãnh đạo Công ty Quản lý bay miền Nam, Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam cao hơn nữa trong công tác quản lý là Cục Hàng không Việt Nam.
Từ chia sẻ trên độc giả Nguyễn Loan cho rằng, vấn đề chính là năng lực quản lý yếu kém của Công ty Quản lý bay miền Nam. Do đó, để nâng cao công tác quản lý của doanh nghiệp này nên chăng cần phải có một cuộc "thay máu" đội ngũ nhân viên, bộ máy lãnh đạo. Cao hơn nữa, có lẽ Bộ Giao thông Vận tải nên tổ chức thi tuyển công khai các chức vụ quản lý tại cơ quan hàng không như Cục Hàng không Việt Nam, VATM, Công ty Quản lý bay miền Nam.