Ngày 27/11, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Nghị định sửa đổi của Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ.
Theo đó, Ban soạn thảo Nghị định 38 sửa đổi đã họp để cho ý kiến lần cuối vào bản dự thảo Nghị định 38 trước khi trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Dự kiến, đây sẽ là nghị định để thay thế Nghị định 38 cũ.
Nghị định này được xây dựng trên cơ sở căn cứ vào Luật An toàn thực phẩm chứ không căn cứ vào các Luật chuyên ngành khác.
Theo đó, các quy định trong nghị định sẽ lấy tiêu chí an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe của nhân dân làm tiêu chí chính.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp lấy ý kiến về dự thảo thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ. (Ảnh: Vương Thủy). |
Đơn giản thủ tục hành chính
Điểm sửa đổi đầu tiên là trong nghị định này là doanh nghiệp được tự công bố sản phẩm của mình, thay vì gửi bản hồ sơ công bố này tới các cơ quan nhà nước để xác nhận.
Theo đó, doanh nghiệp phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về sản phẩm đã công bố.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng cường hậu kiểm, kiểm tra, xử lý nếu phát hiện sai phạm, trong đó sẽ mở rộng phạm vi, nâng cao mức độ xử phạt theo quy định pháp luật.
Cùng đó, có một số mặt hàng sẽ được miễn công bố. Ví dụ phụ gia thực phẩm, nguyên liệu nhập vào trong danh mục được miễn công bố.
Đây là sự thay đổi rất lớn trong phương thức quản lý về sản phẩm thực phẩm của các cơ quan quản lý nhà nước.
Những điều kiện, thủ tục công bố cũng thay đổi. Theo dự thảo, sắp tới chỉ còn 3 nhóm mặt hàng lớn phải công bố.
Cục An toàn thực phẩm đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục hành chính |
Thứ nhất là nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe.
Trong nhóm thực phẩm chức năng chỉ chọn ra nhóm phải bảo vệ sức khỏe để yêu cầu phải công bố.
Thứ hai là nhóm sản phẩm dinh dưỡng y học phục vụ cho các đối tượng đặc biệt như dinh dưỡng cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, thức ăn dành cho người ăn xông…
Thứ ba là phụ gia thực phẩm nhưng trong nhóm này cũng chỉ chọn ra phụ gia thực phẩm phối trộn và phụ gia thực phẩm không nằm trong danh mục thì mới phải tiến hành đăng ký công bố.
Như vậy, dự thảo đã thực hiện giảm tối đa các thủ tục công bố.
Tuy nhiên sẽ có thay đổi về phương thức hậu kiểm, trong đó đặt nặng về độ an toàn chứ không đặt nặng về chất lượng như trước.
Ngoài ra, các quy định về các điều kiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm cũng được đổi mới theo hướng tiệm cận với các phương thức quản lý chung trên toàn cầu.
Dự thảo lần này cũng đưa ra quy định mới về điều kiện sản xuất các thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sẽ theo quy định chung của các nước ASEAN là thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được sản xuất tại các nhà máy GMP từ tháng 7/2019.
Tất cả nhằm giảm tối đa thủ tục hành chính. Và vấn đề thực hiện quản lý sẽ được phân cấp triệt để cho chính quyền các địa phương.
Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm
Dự thảo nghị định về việc thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm lần này được đưa ra có sự đổi mới quan trọng từ vấn đề tiền kiểm chuyển sang đặt nặng vấn đề hậu kiểm.
Về kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm, trước đây 100% mặt hàng thực phẩm khi thông qua đều phải kiểm tra chuyên ngành.
Theo dự thảo này, sẽ mở rộng diện không cần kiểm tra: chẳng hạn với các doanh nghiệp sản xuất đã đạt được các tiêu chí, tiêu chuẩn cao, các cửa hàng miễn thuế, hay nhập sử dụng trong nội bộ…
Bộ Y tế siết quản lý thực phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng |
Trong kiểm tra giảm cũng chỉ tiến hành kiểm tra xác suất, cơ quan quản lý chỉ lấy tối đa 5% mẫu để kiểm tra.
Về phương thức kiểm tra thường thì chỉ kiểm tra hồ sơ, không kiểm tra bằng cảm quan, nếu thấy đảm bảo không có gì sai phạm thì cho thông quan ngay để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên cũng cần có những mức kiểm tra để đảm bảo an toàn cho nhân dân.
Về kiểm tra chặt, tức kiểm tra cả hồ sơ kết hợp kiểm tra sản phẩm, chỉ thực hiện khi có cảnh báo của cơ quan quản lý hoặc nước sở tại.
Khi hết cảnh báo hoặc qua kiểm tra chặt 3 lần liên tiếp không phát hiện vi phạm thì chuyển xuống diện kiểm tra thường, nếu kiểm tra thường 3 lần cũng không phát hiện gì thì chuyển xuống kiểm tra giảm.
Nếu làm như dự thảo nghị định này thì khoảng 95% lô hàng không phải kiểm tra chuyên ngành, sẽ tiết kiệm được khoảng 7 triệu ngày công lao động, kinh phí tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề quản lý rủi ro và quản lý nguy cơ trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đó, tất cả mặt hàng nào có nguy cơ, cảnh báo mất an toàn thực phẩm đều sẽ được yêu cầu kiểm tra ngay.
Tuy nhiên, quá trình xét nghiệm, kiểm tra cũng được đơn giản hơn trước rất nhiều với khoảng 5-7 chỉ tiêu.
Về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước, ba bộ (Y tế, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có phân công cụ thể: quản lý theo nhóm ngành hàng, quản lý chuỗi từ đầu đến cuối.
Doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn thực phẩm, liệu có khó khả thi? |
Trong đó, Bộ Y tế chỉ quản lý 8 nhóm mặt hàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản 19 nhóm hàng, Bộ Công Thương 8 nhóm mặt hàng.
Với một số sản phẩm giao thoa trách nhiệm quản lý của các Bộ ngành thì trong Nghị định đã phân công rõ Bộ nào sẽ quản lý.
Ngoài ra, dự thảo cũng cho phép doanh nghiệp được quyền tự chọn cơ quan quản lý nhóm mặt hàng giao thoa của mình.
Ủy ban nhân dân các địa phương sẽ thực hiện quản lý về an toàn thực phẩm trên phạm vi địa phương.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: "So với bản Nghị định trước đây, dự thảo lần này có rất nhiều thay đổi.
Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương thì khi thực hiện Nghị định 38 mới này sẽ tiết kiệm được 12 triệu ngày công và tiết kiệm được khoảng 3.700 tỷ đồng".