Đáng báo động trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội, nhiều dự án có vốn đầu tư lên đến hàng ngàn tỷ đồng rơi vào tình trạng chậm tiến độ, thi công ì ạch gây bức xúc dư luận.
Có những dự án dù được giải ngân bằng ngân sách nhà nước, nhưng đơn vị thực hiện năng lực yếu dẫn đến thi công cầm chừng, không đúng với kế hoạch.
Điều này không chỉ gây bức xúc dư luận, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân nằm trong quy hoạch mà còn làm thiệt hại, gây ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Đồng nghĩa với việc này là làm mất cơ hội cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Nguyên nhân sâu xa của việc dự án ì ạch, doanh nghiệp chây ì một phần do việc đấu thầu, chọn đơn vị thi công có nhiều vấn đề. Thực tế, nhiều doanh nghiệp tham gia đấu thầu, đơn vị thi công do năng lực yếu kém, nhân lực và vật lực không đáp ứng được yêu cầu, nhưng vẫn trúng thầu là nguyên nhân của việc chậm tiến độ trên.
Đến nay đã 7 năm, dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích vẫn đang thi công theo kiểu rùa bò gây bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Ảnh: Hải Yến. |
Mới đây, mgày 17/11, đoàn giám sát của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát hiện trạng, làm việc với lãnh đạo huyện Ba Vì, các xã và sở, ngành liên quan về 3 dự án nghìn tỷ chậm triển khai nhiều năm được cử tri phản ánh.
Theo đó, cả ba dự án “ngàn tỷ đồng” đang bị xem xét thu hồi dự án vì chậm tiến độ, không đạt hiệu quả kinh tế, gây bức xúc dư luận.
Đầu tiên phải kể đến Dự án đầu tư tiếp nước, cải tạo khôi phục sông Tích có có tổng mức đầu tư 6.914 tỷ đồng để xây dựng cống lấy nước, kênh dẫn tại Lương Phú (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì) lấy nước từ sông Đà với lưu lượng 60m3/giây, tạo nguồn tiếp nước cho sông Tích.
Theo đó, dự án này được đầu tư sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ và ngân sách thành phố, công trình trọng điểm giai đoạn 2011-2015 và 2016-2020 của Thành phố Hà Nội.
Đơn vị thi công dự án này là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh.
Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn giậm chân tại chỗ thi công theo kiểu rùa bò, và đáng chú ý là một dự án trọng điểm như vậy, nhưng không hiểu sao phía ban quản lý ký hợp đồng với đơn vị là Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh lại thiếu máy móc, thiết bị.
Đáng nói, dự án được khởi công vào tháng 5/2011, thuộc địa bàn 9 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Vì với diện tích gần 286ha. Đến nay, sau 7 năm triển khai mới hoàn thành giải phóng và bàn giao mặt bằng cho 3 xã trên tổng số 9 xã với diện tích hơn 180ha.
Điều bất ngờ, trong 3 dự án mà Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội đang xem xét thu hồi vì dự án chậm tiến độ, thi công cầm chừng có đến 2 dự án do Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh thực hiện.
Dự án thứ hai cần nhắc đến là mở rộng Nghĩa trang Yên Kỳ giai đoạn 1 (tại huyện Ba Vì) có tổng diện tích khoảng 203,18ha, vốn đầu tư xây dựng gần 2.430 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh là nhà đầu tư.
Được biết, đây là dự án xã hội hóa, không dùng tiền ngân sách thành phố, nhưng vấn đề cần phải đặt ra là cho đến nay đơn vị đầu tư không thực hiện đúng cam kết. Vì vậy, Thành phố Hà Nội cần xem xét lại năng lực của chủ đầu tư, tránh tình trạng doanh nghiệp giữ đất quá lâu làm mất cơ hội của các nhà đầu tư khác.
Nhiều năm nay Dự án khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên vẫn chưa hoàn thành, chủ đầu tư của dự án này từng đề nghị Thành phố cho phép dừng đầu tư để chuyển cho chủ đầu tư khác. Ảnh: N.Đ.T |
Dự án thứ ba trong “tầm ngắm” là Dự án Xây dựng khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên thuộc khu du lịch Hồ Suối Hai, được Hà Nội giao đất làm dự án cũng đã chậm tiến độ.
Dự án này được phê duyệt giao cho Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam đầu tư từ năm 2008, với quy mô 1,024.8ha và tổng mức đầu tư là 4,690 tỷ đồng.
Sau đó, quy mô của dự án cũng bị cắt giảm từ 1,024.8ha xuống chỉ còn 183.6 ha; tổng vốn đầu tư giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đơn vị đầu tư cũng không thực hiện được và từng đề nghị với Thành phố Hà Nội cho phép dừng dự án này để chuyển cho chủ đầu tư khác.
Rõ ràng việc các dự án đã được phê duyệt gắn với diện tích đất rất lớn cả trăm héc-ta nhưng thực hiện thì theo kiểu "rùa bò" đang gây thiệt hại khi xét trên nhiều khía cạnh.
Câu chuyện hoàn toàn có thể sẽ còn lặp lại và trở thành “chuyện thường ngày” nếu vẫn còn tình trạng dự án "cha chung không ai khóc". Không biết xử ai, cũng như không ai phải chịu trách nhiệm cho những thất thoát, những thiệt hại này, nhất là khi các doanh nghiệp yếu kém năng lực thì lại đang "găm" đất, làm mất cơ hội đầu tư của doanh nghiệp khác?
FLC Garden City chấp nhận không ép dân nhận nhà |
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thực tế hiện nay có hiện tượng không ít doanh nghiệp năng lực yếu nhưng nhờ “quan hệ” trúng thầu dự án trọng điểm, có vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng.
Doanh nghiệp trúng thầu được thành phố giao đất thực hiện dự án, nhưng cố tình chây ì, đình trệ thực hiện dự án nhằm mục đích chờ đất lên giá rồi bán lại dự án kiếm lời.
Đây thực chất là một kiểu làm ăn “tay không bắt giặc”, không cần nguồn lực chỉ cần trúng thầu dự án, khi được giao đất sẽ tìm cách sử dụng vào mục đích khác hoặc chờ cơ hội sang nhượng kiếm lời. Điều này gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và gây bức xúc dư luận.
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia kinh tế Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong cho biết: “Thực tế, có hiện tượng doanh nghiệp trúng thầu năng lực kém, không thể thực hiện dự án nhưng vẫn trúng thầu các dự án lớn sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Rõ ràng sự lỏng lẻo của đơn vị tổ chức thầu đã lộ rõ khi không quy định cụ thể điều kiện năng lực thực tế, khả năng tài chính, cũng như đặt cọc hoàn trả của đơn vị tham gia đấu thầu. Trong trường hợp doanh nghiệp trúng thầu mà không thực hiện, thực hiện chậm, hoặc sang nhượng dự án phải có chế tài xử lý như thế nào?
Đó là hiện tượng doanh nghiệp “tay không bắt giặc” không chỉ trước đây mới có mà giờ vẫn tồn tại. Đó là lỗi về mặt quản lý nhà nước. Điều này sẽ gây ra bức xúc dư luận, làm tăng giá chi phí, đội giá, hoặc công trình có thực hiện chất lượng sẽ kém”.
Cũng theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, thực tế cho thấy tình trạng doanh nghiệp trúng thầu, nhưng chậm thi công, cố tình găm đất nhằm cơ hội chuyển nhượng kiếm lợi không chỉ gây thiệt hại cho Nhà nước mà còn làm mất cơ hội cho các doanh nghiệp có khả năng thực hiện dự án.
Hà Nội gây thất thu ngân sách 6.000 tỷ đồng
Vừa qua, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về quản lý đầu tư xây dựng một số dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội giai đoạn 2002-2014. Cụ thể có 38 trong tổng số 204 dự án trên địa bàn Hà Nội đã bị thanh tra.
Kết luận thanh tra chỉ rõ hầu hết các dự án ở giai đoạn này, liên ngành Hà Nội đã trình Ủy ban nhân dân thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, trong đó tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi không đúng quy định của pháp luật như chi phí dự phòng, thuế VAT, chi phí giải phóng mặt bằng...
Điều này dẫn đến việc chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nước bị thất thu số tiền lớn, ước khoảng trên 6.000 tỷ đồng.
Trong khuôn khổ cuộc thanh tra nêu trên, cơ quan chức năng đã phát hiện một số sai phạm về tài chính đất đai, với tổng số tiền khoảng 1.562 tỷ đồng.
Trong đó, có dự án áp sai mức giá quy định trong bảng giá đất ban hành hàng năm do xác định không đúng vị trí; thậm chí có dự án đã được giao đất trong thời gian dài, nhưng sở ngành không tham mưu trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất, và dự án vẫn được đầu tư xây dựng kinh doanh, bán căn hộ cho khách hàng.