Như phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, nhiều cán bộ quản lý và các bậc phụ huynh tại Hải Phòng tỏ ra lo ngại về chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh khi các doanh nghiệp ký hợp đồng nấu ăn trong trường tiểu học.
Nguyên do, các doanh nghiệp tổ chức nấu ăn trong trường sẽ phải chịu khá nhiều chi phí như: VAT, lợi nhuận, % hoa hồng…, mà những chi phí đó được tính tất cả vào giá thành của mỗi suất ăn.
Trong khi đó, khi các trường tự sản xuất bữa ăn thì không phải đóng thuế VAT, không phải cân đối để có “lãi”, chi phí đầu tư cho thực phẩm, chất lượng bữa ăn sẽ khác.
Chất lượng bữa ăn bán trú của học sinh tiểu học đang là vấn đề đáng lo ngại khi doanh nghiệp tham gia đấu thầu nấu ăn trong trường học. (Ảnh: Diệu Anh) |
Điều đáng nói là, doanh nghiệp ký hợp đồng với nhà trường với nội dung hợp đồng dịch vụ nấu ăn, nhưng bản chất là doanh nghiệp “tận dụng” cơ sở vật chất, con người từ bếp ăn bán trú nhà trường những năm trước đó.
Tại một số trường tiểu học, doanh nghiệp chỉ cần thay đổi cách quản lý, vận hành theo chiến lược đã đề ra, cơ sở vật chất trường sẵn có. Cũng có nơi, doanh nghiệp chỉ đầu tư chút ít kinh phí là có thể kinh doanh có “lãi”.
Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp ký hợp đồng nấu ăn trong trường tiểu học mới được triển khai tại Hải Phòng trong 1-2 năm trở lại đây. Nhiều hiệu trưởng, hiệu phó cũng thẳng thắn trao đổi với phóng viên những e ngại về chất lượng bữa ăn bán trú.
Theo đó, để có bữa ăn bán trú chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, các nhà trường đã phải bố trí phương án: phân công ban giám hiệu, nhân viên tài vụ, y tế thường xuyên xuống bếp kiểm tra, giám sát quy trình nấu ăn của bếp ăn bán trú; đến việc duyệt thực đơn bữa ăn hàng tuần; mời cả đại diện phụ huynh tới kiểm tra, giám sát cùng…
Theo chia sẻ của một số hiệu trưởng trường tiểu học đã và đang ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nấu ăn ngay trong nhà trường, giả sử khi có sự cố mất vệ sinh an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú thì trường sẽ dễ dàng quy trách nhiệm hơn.
Nhưng việc quy trách nhiệm thế nào, ai phải chịu trách nhiệm chính khi để xảy ra sự cố thì lại không được quy định rõ trong bản hợp đồng với doanh nghiệp.
Tại quận Hồng Bàng và quận Lê Chân, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại sản xuất và kinh doanh dịch vụ H.M (gọi tắt là Công ty H.M) ký hợp đồng với các trường tiểu học, trong đó có những điều khoản ràng buộc liên quan tới bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mua bảo hiểm đề phòng rủi ro xảy ra…
Tuy nhiên, trong hợp đồng nhà trường ký kết với công ty chưa nêu rõ trách nhiệm của các bên như thế nào khi bếp ăn bán trú gặp sự cố.
Trong khi đó, ngay từ đầu năm học 2022-2023, Uỷ ban nhân dân quận Hồng Bàng đã ban hành văn bản tạo điều kiện giúp các nhà trường có cơ sở pháp lý để hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn cho học sinh.
Văn bản này thể hiện rõ nội dung “Hiệu trưởng nhà trường phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận về việc tổ chức hoạt động chăm nuôi bán trú trong trường”.
Theo đó, khi bếp ăn bán trú xảy ra sự cố ngoài ý muốn của nhà trường, doanh nghiệp thì người đầu tiên phải chịu trách nhiệm rõ ràng là hiệu trưởng.
Sau đó, các cơ quan chức năng sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá xem vi phạm xuất phát từ đâu để quy trách nhiệm cụ thể.
Khi xảy ra sự cố tại bếp ăn bán trú thì ai chịu trách nhiệm? (Ảnh: Diệu Anh) |
Lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo một quận tại Hải Phòng cho rằng, việc các trường ký hợp đồng với doanh nghiệp tổ chức nấu ăn cho học sinh đang vướng phải “rào cản” bởi, hiện nay, thiếu quy định chi tiết về việc này.
“Tại quận chúng tôi, khi một số trường đề xuất mô hình, Phòng Giáo dục và Đào tạo có báo cáo lãnh đạo Uỷ ban nhân dân quận, song lãnh đạo đã đưa ra 2 lo ngại.
Thứ nhất, việc doanh nghiệp ký hợp đồng với trường được “tận dụng” tài sản công là bếp ăn của trường thì phải tính toán thế nào?
Thứ 2, bản chất là doanh nghiệp kinh doanh phải lấy lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Do đó, bữa ăn có bảo đảm chất lượng dinh dưỡng đủ hay không chính là vấn đề đáng quan tâm nhất”, vị Trưởng phòng Giáo dục này nói.
Cũng theo vị Trưởng phòng Giáo dục này, một số nhà trường đã đưa lý do khi doanh nghiệp đảm nhận việc nấu ăn cho học sinh thì sẽ dễ quy trách nhiệm nếu xảy ra sự cố trong bếp ăn bán trú.
Tuy nhiên, các hiệu trưởng cần phải ý thức được là trách nhiệm chính phải thuộc về mình, sau đó mới đến các bên liên quan.