Ngày 28/10/2019, trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết: Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy? của tác giả Cao Nguyên đã nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Ngay sau khi bài viết này được đăng tải thì đã có rất nhiều phản hồi từ độc giả và bài viết này đã có một lượng bạn đọc rất lớn trong mấy ngày qua.
Rất nhiều ý kiến phản hồi, nêu ý kiến của bạn đọc đã được tranh luận. Vậy, nên hiểu như thế nào cho đúng đối với một số chi tiết mà bài viết của tác giả Cao Nguyên đã đề cập?
Đề Văn này đang gây ra nhiều tranh luận của bạn đọc (Ảnh: Cao Nguyên) |
Trong bài viết này, chúng tôi xin mạn phép được trao đổi thêm về một số vấn đề về nội dung đề khảo sát chất lượng 8 tuần học kỳ I ở lớp 9 mà tác giả Cao Nguyên đã dẫn chứng trong bài viết của mình.
Thứ nhất: chúng tôi đồng cảm với tác giả Cao Nguyên về đề khảo sát này còn nhiều sơ suất, cẩu thả và thậm chí sai ở một số chỗ. Đề khảo sát cho học sinh lớp 9 cả thành phố mà như vậy là khó có thể chấp nhận được.
Bởi, có những chi tiết như 6 câu thơ được người ra đề trích từ phần cuối đoạn trích Cảnh ngày xuân của Truyện Kiều nhưng người ra đề lại nói đó là đoạn trích trong đoạn Chị em Thúy Kiều là điều rất đáng tiếc.
Thứ hai: câu 3 của phần đọc hiểu về hình thức thì nó thuộc dạng câu vận dụng thấp (yêu cầu viết 200 chữ) nhưng người ra đề lại vận dụng nội dung ở mức vận dụng cao, yêu cầu học sinh “nêu cảm nhận”.
Giá như, người ra đề thay cụm từ “nêu cảm nhận của em về sáu câu thơ trên” thành cụm từ “ trình bày nội dung chính của sáu câu thơ trên” thì có lẽ đề bài này sẽ phù hợp hơn.
Nếu người ra đề thay cụm từ “nêu cảm nhận…” thì đặt câu 3 trong phần đọc hiểu cũng có thể chấp nhận được bởi vì đề khảo sát chỉ có 90 phút mà đây là dạng đề đại trà, khảo sát chất lượng học sinh thôi.
Dạng đề thi tuyển sinh 10 có thời gian 120 phút, 150 phút thì đặt câu viết 200 từ (vận dụng thấp) ở phần tạo lập văn bản sẽ phù hợp với cấu trúc điểm 3/7 hoặc 4/6 như các địa phương đang vận dụng trong việc kiểm tra và thi môn Ngữ văn cấp Trung học cơ sở.
Tuy nhiên, trong bài viết này có 2 vấn đề mà chúng tôi còn băn khoăn, muốn trao đổi thêm với tác giả Cao Nguyên về nội dung phản biện của tác giả để độc giả có cái nhìn đa chiều hơn.
Thứ nhất: ở câu 2 của phần đọc hiểu, người ra đề đã yêu cầu như sau: “Câu thơ “Nao nao dòng nước uốn quanh” sử dụng biện pháp tu từ nào? Ý nghĩa của việc sử dụng biện pháp tu từ ấy?”.
Tác giả Cao Nguyên cho rằng: “Câu thơ này không hề có biện pháp tu từ nào cả mà chỉ đơn thuần là Nguyễn Du tả cảnh ngụ tình (mượn cảnh vật để diễn tả tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi ngày vui qua mau”. Vậy, câu thơ này có phép tu từ không? Theo chúng tôi, câu thơ này có phép tu từ .
Bởi, từ láy "nao nao" ở đây thực chất là phép tu từ “nhân hóa” đã diễn tả nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật, tâm trạng man mác, bâng khuâng, hẫng hụt của chị em Thúy Kiều khi ra về sau lễ hội.
Thứ hai: tác giả Cao Nguyên cho rằng: “Phần Làm văn, yêu cầu học sinh kể tảo mộ ngày Tết nhưng lời dẫn là tảo mộ trong dịp đầu xuân, vừa nói đầu xuân lại nói trong tiết thanh minh. Tiết thanh minh là đã sang tháng 4 (thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tùy theo năm), còn đầu xuân là tháng 1. Sao người ra đề lại nhầm lẫn như thế?
Ngoài ra, giả sử học sinh chưa bao giờ đi thăm mộ người thân cùng cha mẹ trong dịp Tết thì các em biết kể thế nào”.
Chi tiết này cũng đã nhận được khá nhiều ý kiến tranh luận của bạn đọc. Vậy, hiểu như thế nào cho đúng với ý người ra đề và tiết thanh minh trong đoạn thơ của Nguyễn Du?
Đề Văn không chỉ giải quyết việc thi cử mà còn đặt ra vấn đề nhân sinh |
Đặt trong tổng thể của đoạn trích Cảnh ngày xuân, trích từ tác phẩm Truyện Kiều, chúng ta sẽ thấy cái hay của Nguyễn Du khi ông viết những câu thơ này.
Những học sinh lớp 9 mà được những thầy cô am hiểu về Truyện Kiều giảng dạy thấu đáo thì đề này không có gì là khó khăn cả.
Bởi, mở đầu đoạn trích này, tác giả Nguyễn Du đã viết: “Ngày xuân con én đưa thoi/ Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” để nói về khoảng thời gian của mùa xuân. Vì sao tác giả Nguyễn Du lại viết như vậy?
Bởi, mùa xuân có 90 ngày, mà thời điểm chị em Thúy Kiều đi du xuân là “tiết tháng ba”, là Tết thanh minh. Trong khi đó, Tết thanh minh là ngày mồng 3/3 âm lịch hàng năm.
Điều này đã được mặc định hàng ngàn năm qua cho đến bây giờ thì người Việt chúng ta, cũng như người Trung Quốc vẫn thường cúng Tết thanh minh (mồng 3/3).
Chính vì thế, Nguyễn Du mới viết: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi” có nghĩa là 63 ngày trôi qua của mùa xuân. Hiểu như vậy, ta sẽ thấy câu thơ của Nguyễn Du có lý và hoàn toàn đúng chứ không phải giống như tác giả Cao Nguyên và bạn đọc cho rằng Tiết thanh minh “thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tùy theo năm”.
Chúng ta nên nhớ rằng thời Nguyễn Du viết Truyện Kiều và cách tính mùa trong năm thì người ta vẫn dùng tháng, ngày âm lịch (lịch ta) để tính. Lịch tây (dương lịch) có thể thời Nguyễn Du chưa dùng.
Vì vậy, việc đi tảo mộ (sửa sang lại phần mộ của gia đình) từ xưa đến nay của văn hóa người Việt thì chúng ta vẫn thấy diễn ra vào ngày 30 Tết Nguyên đán và ngày 3/ 3 (âm lịch) hàng năm.
Đôi điều dông dài hầu chuyện cùng tác giả Cao Nguyên và bạn đọc Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông qua bài viết: Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy? bởi chúng tôi thấy còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Hy vọng, chuyện ra đề kiểm tra, đề thi môn Ngữ văn, nội dung của Truyện Kiều sẽ được nhiều người bàn luận, phản biện để việc dạy và học Văn trong nhà trường phổ thông ngày càng được tốt hơn.
Đặc biệt, những thầy cô dạy Văn, nhất là những thầy cô ra đề cho Phòng, Sở cần cẩn thận hơn để tránh sai sót không đáng có như đề thi được lấy làm dẫn chứng trong bài viết của tác giả Cao Nguyên.