So với những môn thi khác thì điểm môn Ngữ văn mấy năm nay vẫn là một môn thi có điểm trung bình chấp nhận được và điểm thi vẫn giữ được tính ổn định trong nhiều năm.
Song, kỳ thi năm 2019 này có tới hàng ngàn thí sinh bị điểm liệt, trong đó có nhiều thí sinh bị điểm 0 là điều đáng lo ngại. Vẫn biết, trong số gần 900 ngàn thí sinh dự thi thì chuyện hơn một ngàn thí sinh bị điểm liệt cũng không phải là chuyện quá lớn.
Thế nhưng, đây là chuyện không thể không buồn bởi chỉ mỗi một mình môn Ngữ văn đã “góp phần” làm cho hơn một ngàn thí sinh rớt tốt nghiệp và không có cơ hội xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong năm nay.
Kỳ thi năm 2019 đã có hàng ngàn thí sinh bị điểm liệt môn Văn (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn) |
Theo thống kê, điểm môn Ngữ văn năm nay có điểm trung bình là 5,49 và có 27,84% bài thi có điểm dưới 5. Môn Ngữ văn không có điểm 10 nào và có tới 1.265 bài thi bị điểm liệt (<=1).
Điểm số có nhiều thí sinh đạt được nhất trong năm nay là 6 điểm. Môn Ngữ văn cũng là môn duy nhất không có điểm 10. Số thí sinh đạt từ 9,0 đến 9,5 là 462 em.
Trong 9 môn thi của kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 thì môn Ngữ văn được xếp ở vị trí thứ 5- thua điểm trung bình 4 môn và hơn điểm 4 môn thi.
Điều đáng buồn nhất là cả nước có 3.128 bài thi bị điểm liệt nhưng chỉ mình môn Ngữ văn đã có tới 1.265 em, số lượng này chiếm khoảng 40% số thí sinh bị điểm liệt.
Như vậy, theo cách tính điểm xét tốt nghiệp hiện nay thì môn Ngữ văn đã “loại trực tiếp” 1.265 em không được xét tốt nghiệp và cũng đồng nghĩa không có cơ hội xét tuyển đại học năm 2019, cho dù các môn khác điểm cao.
Điểm Ngữ văn vì đâu nên nỗi?
Sau khi thi môn Ngữ văn năm nay thì đã có nhiều ý kiến của một số chuyên gia, thầy cô giáo và thí sinh cho rằng đề thi năm nay phù hợp, vừa sức.
Tuy nhiên, như một số bài viết trước đây đã được đăng tải trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì đề thi Ngữ văn năm nay có phần khó và không phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh.
Phần ngữ liệu của 2 tác phẩm văn học không hề dễ cảm đối với nhiều thí sinh.
Nhất là ngay cả phần đọc hiểu (phần tránh điểm liệt) cũng đặt ra 4 câu hỏi chưa thật sự phù hợp cho một đề thi mà vừa lấy kết quả xét tốt nghiệp, vừa lấy kết quả xét tuyển đại học.
Ngoài lý do đề thi có phần khó ra thì còn một lý do cơ bản nữa là một số thí sinh đã thiếu trách nhiệm cho bài thi của mình hoặc trong đầu các em không hề có một chút kiến thức cơ bản về môn Ngữ văn. Đề khó là khó để lấy điểm cao chứ việc tránh điểm liệt là điều dễ vô cùng.
Bởi chấm Văn mà lại là “thầy cô nhà” chấm thì chỉ cần các em diễn đạt lại vài ý trong đề bài, hay đếm xem đoạn thơ ngữ liệu mỗi dòng có mấy chữ là ra thể loại thơ.
Câu 2 điểm thì dựa vào đoạn ngữ liệu để viết, câu 5 điểm thì tên tác phẩm có, tên tác giả có, chỉ cần viết mở bài và viết một chút về đoạn ngữ liệu thì thầy cô cũng không nỡ buông bút cho điểm bằng hoặc dưới 1. Vậy mà có tới 1.265 em điểm liệt, trong đó có nhiều em điểm 0 và 0,25 điểm!
Trong khi đó, môn Ngữ văn được chú trọng ngay từ thời tiểu học, lên cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông thì môn Ngữ văn cũng là một trong 2 môn có số tiết nhiều nhất.
Các thí sinh này đã trải qua thi tuyển sinh 10, khi lên đến lớp 12, dù không thích môn Văn thì chắc chắn một điều là các em đều phải đầu tư thời gian, công sức cho môn Văn (cả học chính và học thêm).
Trước khi thi trung học phổ thông quốc gia thì thí sinh nào cũng đã được nhà trường hoặc các trung tâm dạy thêm cho “thi thử” vài lần dù là thí sinh đang học 12 hay thí sinh tự do.
Cuối năm lớp 12, thầy cô tổng kết đủ điểm mới được thi trung học phổ thông quốc gia. Khi thi thì kiến thức của đề thi chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12. Vậy mà 1.265 học sinh lớp 12 bị điểm liệt ở môn Văn thì thật đáng buồn vô cùng!
Bài học nào cần được rút ra?
Thứ nhất là học sinh khi đã xác định thi trung học phổ thông quốc gia thì dù chỉ thi để lấy điểm xét tốt nghiệp cũng cần đầu tư nghiêm túc cho những môn bắt buộc của kỳ thi, trong đó có môn Ngữ văn.
Một khi đã xác định tham dự kỳ thi thì bắt buộc phải học- học cho mình-học vì danh dự bản thân, gia đình và nhà trường.
Bởi, với cách ra đề thi như hiện nay mà để bị điểm liệt thì điều đầu tiên phải trách về thái độ học tập, thái độ tiếp cận đề thi của thí sinh trong suốt thời gian 120 phút làm bài thi.
Thứ hai là cách đánh giá, dạy dỗ của nhà trường hiện nay còn lỏng lẻo, nặng thành tích. Vì thế, suốt cả năm lớp 12 với rất nhiều bài kiểm tra, bài thi thử nhưng thầy cô đều cho qua để các em đủ điều kiện tham gia kỳ thi.
Hàng ngàn điểm liệt này không chỉ là điểm liệt cho trò mà có cả điểm liệt cho thầy cô nữa.
Thứ ba là công tác ra đề thi dù vất vả, căng thẳng và rất nhiều áp lực nhưng những cán bộ ra đề cần lựa chọn những văn bản, câu hỏi phù hợp.
Nếu là đề thi học sinh giỏi Văn thì không nói làm gì nhưng đây là đề thi trung học phổ thông quốc gia cho gần 900 ngàn thí sinh với rất nhiều trình độ khác nhau, mục đích khác nhau.
Hơn một ngàn điểm liệt không đơn thuần chỉ là một nỗi buồn mà đó còn là vấn đề đặt ra cho nhiều người. Đối với những người làm công tác thi năm 2019 thì có thể cũng chỉ là một nỗi buồn thoáng qua, với thầy cô chắc cũng chỉ vậy.
Nhưng, với các thí sinh tham dự kỳ thi mà bị điểm liệt ở một môn bắt buộc thì đó là một nỗi buồn dai dẳng nhiều năm sau nữa! Rớt tốt nghiệp sau 12 năm đi học dù chưa phải là một thảm họa nhưng đương nhiên nó sẽ mất đi cơ hội hoặc cơ hội sẽ bị chững lại với hàng ngàn thí sinh sau kỳ thi này.