Đổi giờ làm, giờ học: Đảo lộn lớn

01/11/2011 05:20
Bảo Trân/Người lao động

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu ý kiến.

Bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng căn cứ theo pháp lệnh về tình trạng khẩn cấp cho thấy tình trạng ùn tắc, tai nạn giao thông đã đạt đến ngưỡng này.

* Phóng viên: Theo bà, các giải pháp hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông hiện nay đã đủ mạnh?

Đổi giờ làm, giờ học: Đảo lộn lớn ảnh 1

- Bà Lê Thị Nga: Chính phủ đã đặt ra nhiều giải pháp và về cơ bản thì các giải pháp đặt ra trong các nghị quyết của Chính phủ từ năm 2002 đến nay là đúng nhưng vấn đề là thực hiện lại không đúng với mục tiêu. Ví dụ, giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân đã được Chính phủ đặt ra từ năm 2002 nhưng thực tế đến nay vẫn không hạn chế được. Tất nhiên, khi hạn chế phương tiện cá nhân thì phải tổ chức cho người dân có thể đi lại được bình thường bằng các phương tiện công cộng. Nhưng hiện tại cả phương tiện cá nhân lẫn công cộng cùng phát triển, trong khi hạ tầng vẫn như vậy.

* Nhưng có ý kiến cho rằng việc hạn chế phương tiện cá nhân là vi phạm quyền công dân?

- Đúng là người dân có quyền đi lại, có quyền mua tài sản, trong đó có phương tiện giao thông nhưng trong một giai đoạn nào đó, vì lợi ích chung, Nhà nước phải hạn chế. Việc hạn chế như vậy, cần có quyết định của Quốc hội vì liên quan đến các quyền của công dân được luật định.

Đổi giờ làm, giờ học: Đảo lộn lớn ảnh 2
Giao thông thường xuyên ách tắc ở TPHCM

* Bộ GTVT vừa trình Chính phủ phương án đổi giờ làm, giờ học, bà đánh giá giải pháp này sẽ tác động thế nào tới người dân?

- Việc đổi giờ làm việc, giờ học sẽ làm đảo lộn đời sống một bộ phận người dân. Đây là đảo lộn lớn chứ không phải chuyện nhỏ. Mấy chục năm nay, người dân đã sinh hoạt với một khung giờ. Nay thay đổi, sắp xếp lại thì cần tạo sự đồng thuận mạnh mẽ, giải thích tuyên truyền để người dân đồng cảm với Nhà nước. Đương nhiên, ở đây cần rất nhiều giải pháp chứ không thể nói một biện pháp riêng rẽ, cụ thể nào có thể thay đổi được thực trạng giao thông.

* Đại biểu Nguyễn Bá Thanh cho rằng việc thay đổi giờ làm, giờ học ở Hà Nội thực ra cũng chỉ là “giải pháp chắp vá”?

- Tôi cho rằng cần một cuộc giám sát tối cao của Quốc hội để giải quyết tình trạng căng thẳng trong lĩnh vực giao thông hiện nay. Từ năm 2008, đã có một cuộc giám sát khá chi tiết về vấn đề này và đã có kiến nghị những giải pháp trước mắt, lâu dài... Tuy nhiên, kết quả không như mong đợi. Do vậy, cần đánh giá lại vì sao thực hiện chưa tốt giải pháp đề ra, tại sao quá chậm. Chẳng hạn, những nhà cao tầng vẫn mọc lên giữa đô thị, dẫn đến lượng người dồn vào nội thành ngày càng lớn. Hay việc lấn chiếm vỉa hè cũng trở nên phổ biến nhưng không dẹp được.

Xử lý nghiêm cán bộ vi phạm giao thông

* Có nên đề xuất xử lý trách nhiệm cán bộ khi vi phạm luật giao thông đang diễn ra phổ biến, thưa bà?

- Mỗi ngành đều cần có trách nhiệm của mình. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm cá nhân phải làm thật nghiêm túc. Một bộ trưởng có thể bị Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm vì làm không tốt thì đương nhiên các lãnh đạo liên quan cũng vậy. Cần phải có sự ràng buộc, liên quan trong cơ chế trách nhiệm như vậy mới có thể giải quyết rốt ráo vấn đề.

Bảo Trân/Người lao động