GS Hoàng Tụy cho biết bản đề cương này đã được ông gửi lên Trung ương. Bản đề cương không trình bày dài dòng nhiều vấn đề khác nhau theo kiểu “đụng vào đâu cũng thấy bất cập” nữa, mà tập trung vào những “vấn đề lớn cần cấp bách giải quyết”.
Bốn vấn đề cấp bách
Trong bốn vấn đề cấp bách mà GS Hoàng Tụy đề xuất phải giải quyết, việc cải thiện chính sách đối với người thầy được ông đặt lên hàng đầu. “Đây là vấn đề quan trọng nhất trong những vấn đề quan trọng. Nếu không làm trước điều này, việc cải thiện tình hình giáo dục sẽ khó có thể thành công” - GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
Từ trái qua: GS Văn Như Cương, ông Mai Liêm Trực, GS Hoàng Tụy. |
GS Hoàng Tụy nêu: “Một chế độ lương biểu thị không khác gì hơn là sự khinh miệt đối với lao động giáo dục và khoa học, trái hẳn với chủ trương tôn vinh nhà giáo. Thật đau xót khi các chức vụ quản lý lớn nhỏ trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm ăn kém hiệu quả, nếu không phải bị thua lỗ triền miên thì các chức vụ đó vẫn được trả lương cao gấp mấy chục lần các giáo sư ĐH. Nhiều tiêu cực giáo dục nảy sinh, gia tăng chóng mặt cũng xuất phát từ việc nhà giáo không được đối xử xứng đáng và công bằng”.
Theo GS Hoàng Tụy, trước mắt tuy chưa thể chữa trị nhanh chóng ung nhọt này nhưng vẫn có thể rà soát cơ chế tài chính, kiên quyết cắt bỏ hay giảm bớt mọi khoản chi tiêu không hiệu quả, trên cơ sở đó tăng lương, đảm bảo cho giáo viên có lương đủ sống, dần dần đó trở thành thu nhập chính của mỗi người.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”
GS Hoàng Xuân Sính: "Nếu không có tiền, 30 năm nữa giáo dục vẫn rối"
Vấn đề thứ hai mà GS Hoàng Tụy nói đến là cải cách hệ thống giáo dục phổ thông và dạy nghề. Theo đó, sau THCS sẽ có hai nhánh rẽ. Khoảng 2/3 số học sinh sẽ vào học trung học hướng nghiệp, 1/3 vào học THPT. Học xong trung học hướng nghiệp có thể tham gia thị trường lao động hoặc có thể học cao lên. Học THPT chủ yếu chuẩn bị cho đầu vào ĐH.
Với việc cấu trúc lại này, GS Hoàng Tụy kiến nghị bãi bỏ chương trình phân ban ở THPT hiện nay để tổ chức việc học như các nước tiên tiến. Đó là mỗi môn học đều có chương trình bình thường và nâng cao, tùy theo mức độ khác nhau. Học sinh có thể tùy chọn cho mình chương trình vừa sức. “Đây mới là cách thực tế và hiệu quả giảm tải ở cấp phổ thông” - GS Hoàng Tụy nhấn mạnh.
Kiến nghị thứ ba của GS Hoàng Tụy là “đổi mới căn bản tư duy thi tốt nghiệp và tuyển sinh”. Theo đó, mỗi môn học, học phần được xem là một môđun, học xong phần nào kiểm tra ngay phần đó. Cuối cấp, học sinh chỉ phải làm tiểu luận hoặc tham gia một kỳ thi nhẹ nhàng, không bắt buộc tất cả đều phải thi. Đó cũng có thể xem là kỳ sơ tuyển ĐH-CĐ. Còn việc tuyển sinh ĐH-CĐ nên trả cho các trường. Chấm dứt cách giáo dục đồng loạt và quá nặng với tất cả học sinh, chấm dứt việc tổ chức thi cử căng thẳng, không cần thiết, tốn kém, theo GS Hoàng Tụy, là giải pháp hữu hiệu để loại bỏ sự gian trá trong thi cử.
Cuối cùng, GS Hoàng Tụy kiến nghị đổi mới giáo dục ĐH theo hướng hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. GS Hoàng Tụy ví việc lao theo chiến lược phát triển, cổ xúy giáo dục là hàng hóa, phát triển mạnh trường tư vị lợi, cổ phần hóa ĐH công trong khi tiền lương, chính sách sử dụng tài năng, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm GS, PGS, vấn đề tự chủ ĐH, môi trường nghiên cứu khoa học... đều cổ hủ lạc hậu thảm hại giống như cảnh “đường sá lầy lội, gồ ghề, đầy ổ trâu, ổ gà nhưng lại chủ trương nhập xe hơi xịn, phóng nhanh cho oai”.
Không nên đổi mới nửa vời
Theo GS Hồ Ngọc Đại, “phần quan trọng phải làm trước là kiến trúc lại hệ thống giáo dục”. Trong đó, bậc phổ thông chỉ nên có chín năm bắt buộc, đặc biệt là đầu tư giáo dục bắt buộc ở sáu năm (tiểu học). Sau đó chỉ nên thêm hai năm để giúp học sinh bổ sung kiến thức cần thiết ra nghề hoặc học tiếp ĐH-CĐ.
“18 tuổi vẫn xin tiền bố mẹ, vẫn ngồi trên ghế trường phổ thông và không đủ kỹ năng để bước ra cuộc sống. Đó chính là sự bất ổn trong cách sắp xếp hệ thống giáo dục phổ thông” - GS Đại nhận xét.
Còn GS Văn Như Cương nêu quan điểm: “Nếu chỉ dạy lấy kiến thức cơ bản thì chỉ cần chín năm là đủ. Với chín năm đó, hãy lược bỏ dần những môn học, lượng kiến thức thừa thãi không cần thiết”. GS Cương cho rằng chỉ nói riêng môn toán ở bậc phổ thông đã có rất nhiều kiến thức “thừa”, những kiến thức mà chỉ những người muốn học chuyên ngành toán ở ĐH mới cần. Nếu làm được vậy, chín năm có thể giải quyết tốt việc cung cấp kiến thức cơ bản cho học sinh.
Tuy nhiên GS Cương cũng cho rằng học sinh phổ thông hiện nay tuy bị dạy thừa nhưng vẫn thiếu một phần quan trọng là “dạy làm người”. Bởi vậy để bổ sung phần thiếu này cần thêm thời gian.
GS Cương đồng ý với GS Hoàng Tụy trong việc “phân nhánh” sau THCS, để chỉ khoảng 30% học THPT vào ĐH. GS Cương băn khoăn: “Việc cấu trúc lại hệ thống giáo dục là vấn đề rất cần làm. Khi chưa ngã ngũ việc này mà đi viết sách, dự thảo đề án đổi mới giáo dục để trình thông qua là sao?”.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông, cho rằng giáo dục phổ thông chỉ nên chín năm, thời gian này ngoài việc dạy kiến thức cơ bản nhất và cần thiết thì tập trung dạy học sinh phương pháp tư duy và giáo dục nhân cách. Còn cứ đi theo con đường cũ thì giáo dục phổ thông có tăng lên 14 năm cũng vẫn quá tải, bất ổn và yếu kém. Ông Mai Liêm Trực và GS Hoàng Tụy đều cho rằng “không thể đổi mới nửa vời, vụn vặt nữa mà cần một cuộc cải cách thật sự”.
ĐIỂM NÓNG |
|
Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trườn
Theo Tuổi trẻ