Đối tác liên kết quốc tế mà uy tín, sẽ không có chuyện “thả lỏng” tuyển sinh

10/01/2023 06:36
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các chuyên gia GD cho rằng, Bộ GD&ĐT cần quản lý chặt chẽ hơn, đối tác liên kết quốc tế mà uy tín, sẽ không có chuyện “thả lỏng” tuyển sinh như hiện nay.

Bộ Giáo dục và Đào tạo phải siết quản lý, đảm bảo chất lượng

Trong khi kết quả điểm trúng tuyển đầu vào chương trình liên kết quốc tế thấp hơn nhiều so với các chương trình đào tạo hệ đại trà trong nước ở trình độ đại học cùng ngành, cùng cơ sở giáo dục đại học; số tiền học phí của mỗi sinh viên bỏ ra lại không hề nhỏ. Có trường thậm chí không yêu cầu trình độ ngoại ngữ tại thời điểm nhập học, “bất chấp” quy định về chuẩn ngoại ngữ theo Điều 16 của Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018.

Chính những điều này đang đặt dấu hỏi rất lớn về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết quốc tế.

Các chương trình liên kết quốc tế đang đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Các chương trình liên kết quốc tế đang đặt nhiều dấu hỏi về chất lượng. Ảnh: Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh.

Trước vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng: “Trước hết, phải khẳng định chương trình liên kết quốc tế nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đó là một chủ trương đúng đắn, tạo cơ hội cho sinh viên “du học tại chỗ”. Với những chương trình liên kế quốc tế như vậy, người học cũng phải trả một số tiền lớn, vậy, làm sao để đảm bảo chất lượng tương xứng với số tiền đã bỏ ra?

Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt với các tiêu chí về cơ sở, đội ngũ, nội dung giảng dạy, chất lượng đào tạo... tất cả cần được kiểm soát chặt chẽ. Không thể để các cơ sở giáo dục mở chương trình liên kết quốc tế ra chỉ để thu học phí cao, nhằm mục đích kinh tế. Trường đại học nào hạ chuẩn tuyển sinh với mục đích có sinh viên đóng học phí, thì cần bị xử lý”.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: Mộc Trà.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải có sự quản lý chặt chẽ hơn. Ảnh: Mộc Trà.

“Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những quy định cụ thể hơn trong vấn đề liên kết. Đặc biệt, đối tác liên kết phải được xác định là trường đại học thuộc tầm khúc nào tại quốc gia đó, ít nhất các trường được chọn để liên kết cũng phải có danh tiếng ở một mức độ tương đối nào đó, xếp hạng khá trở lên, chứ không thể có chuyện bất kỳ trường nào cũng có thể liên kết được, rồi một trường kém chất lượng của quốc gia đó mà chúng ta cũng liên kết thì sẽ ảnh hưởng chất lượng.

Nói cách khác, chúng ta phải kiểm soát chất lượng các trường liên kết đầu tiên, những trường chất lượng kém thì không thể cho phép liên kết.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải quản lý chặt chẽ hơn về các tiêu chí tuyển sinh. Chương trình liên kết nhằm đào tạo sinh viên chất lượng với chương trình mà đào tạo trong nước chưa đáp ứng được, thì phải dạy bằng ngoại ngữ, muốn như vậy, phải tối thiểu đáp ứng chuẩn đầu vào tiếng Anh. Vậy mà một số trường lại hạ chuẩn chỉ để tuyển sinh thì không thể chấp nhận được. Với một số trường cho sinh viên “nợ” chuẩn đầu vào tiếng Anh, rồi trực tiếp mở lớp tiếng Anh cho sinh viên, sinh viên còn chưa đạt trình độ tiếng Anh thì vẫn còn tiếp tục học, theo tôi, như vậy, học càng lâu, người học càng tốn tiền, rất lãng phí. Và đó cũng chỉ là một giải pháp thuộc về góc độ kinh tế của nhà trường.

Những cơ sở giáo dục như vậy, theo tôi, bắt buộc phải “thổi còi”, không thể để tự do như vậy được!” - Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ phân tích thêm.

Đối tác liên kết uy tín sẽ không có chuyện “thả lỏng” tuyển sinh

Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng bày tỏ: “Để làm rõ động cơ mở những chương trình như vậy, phải xem xét, về mục đích ban đầu có được đáp ứng hay không? Tức là sẽ có những ngành đào tạo ở một số trường đại học cần chất lượng cao mà đào tạo trong nước chưa đáp ứng được, thì mới cần đến chương trình liên kết quốc tế...

Tôi xin chia sẻ về một trường hợp cụ thể, trước đây, khi trực tiếp tham gia thẩm định chương trình của một trường đại học tại Úc muốn vào đào tạo tại Việt Nam, tôi đã có ý kiến: Mặc dù biết trường đại học đó đã có tên tuổi không chỉ ở nước sở tại mà còn cả trên thế giới, nhưng tôi đề nghị trường đại học đó phải cam kết chất lượng đào tạo của cơ sở tại Việt Nam đảm bảo như đào tạo tại nước sở tại, người học cũng phải được cấp bằng của cơ sở chính ở Úc. Ngoài ra, chương trình đào tạo được kiểm định tại Úc cũng phải tương đương với kết quả kiểm định tại Việt Nam, và phải được công khai.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo). Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Từ câu chuyện trên, tôi muốn nói rằng, các cơ sở giáo dục đại học khi muốn thực hiện chương trình liên kết quốc tế phải có điều kiện đối với các trường liên kết để đảm bảo chất lượng. Phải đảm bảo kết quả kiểm định đối với chương trình đào tạo tại quốc gia đó cũng có kết quả tương đương với chương trình được kiểm định tại Việt Nam, (không thể chấp nhận hạ bớt tiêu chí trong kiểm định ở Việt Nam). Tức là nếu đối tác liên kết mà uy tín thì sẽ không có chuyện “thả lỏng” tuyển sinh như hiện nay”.

“Tuy nhiên, theo tôi, hiện nay, với một số trường là không có điều kiện gì, nhiều khi chỉ là “gắn mác” có liên kết với trường đại học ở nước ngoài để thu học phí cao hơn...

Tôi không dám nghi ngờ 100% các chương trình liên kết quốc tế đều dở, nhưng có lẽ cũng đang có một tỉ lệ không nhỏ các chương trình liên kết hiện nay chưa đảm bảo chất lượng. Biểu hiện nằm ở chính những cơ sở giáo dục hạ chuẩn tuyển sinh như thế, nếu như hạ chuẩn như vậy mà sinh viên sang học tại cơ sở chính của trường thì không thể theo kịp” - nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học nêu quan điểm.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cũng nhấn mạnh thêm: “Ngoài ra, tôi cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quản lý chặt hơn việc này. Nếu đưa ra những yêu cầu cụ thể thì các trường đại học liên kết cũng buộc phải đảm bảo, từ đó, những thí sinh được tuyển và cũng không thể yếu kém, không thể “nợ” chuẩn đầu vào, vì nếu như vậy sẽ không thể theo học được.

Có những trường cho sinh viên “nợ” đầu vào tiếng Anh và dành thời gian để dạy tiếng Anh đến khi đáp ứng chuẩn, tôi lại hồ nghi đó chỉ là cách “lấp liếm”, còn thực tế vẫn châm chước cho vào học, mà như vậy thì sao có thể đạt hiệu quả?.

Mộc Trà