CTLKQT của HV Tài chính: Điểm chuẩn thấp, học phí cao gấp nhiều lần hệ đại trà

05/01/2023 06:39
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trong khi các chuyên ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế lấy điểm chuẩn thấp hơn so với chương trình đại trà, học phí lại cao hơn vài lần hệ đại trà.

Cả nước hiện có hơn 300 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài. Người học làm thế nào để đánh giá chính xác chất lượng các chương trình liên kết đào tạo quốc tế hiện nay, trong khi học phí cao ngất ngưởng?

So sánh một số thông tin về tuyển sinh đối với chương trình tiên tiến liên kết quốc tế của Học viện Tài chính, có thể thấy, sinh viên sẽ phải chạy đua theo số tiền học phí cao gấp vài lần so với chương trình chuẩn (hệ đại trà) khi chất lượng chương trình chưa được khẳng định cụ thể.

Điểm trúng tuyển thấp hơn, học phí có ngành cao gấp 8,5 lần

Trong những năm qua, Học viện Tài chính mở rộng hợp tác đào tạo quốc tế với các đối tác là Trường Đại học Toulon (Cộng hòa Pháp) và Trường đại học Greenwich (Vương quốc Anh), nhằm thúc đẩy quá trình hội nhập trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động học thuật khác.

Đây là chương trình hợp tác liên kết đào tạo, mỗi bên cấp 1 bằng đại học (Dual Degree Programme - DDP). Người học sẽ học song song cả 2 trường nhưng vẫn trong khung thời gian đào tạo 4 năm, sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng đại học.

Chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện Tài chính (Viện Đào tạo quốc tế) với Trường Đại học Greenwich theo Quyết định số 2361/QĐ-BGDĐT ngày 08/7/2016 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo và Quyết định gia hạn số 2290/QĐ-BGDĐT ngày 07/7/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chuyên ngành đào tạo: Tài chính - Ngân hàng.

Sinh viên hệ liên kết đào tạo quốc tế của Học viện Tài chính trong một bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Ảnh: Fanpage Học viện Tài chính - Đào tạo quốc tế.

Sinh viên hệ liên kết đào tạo quốc tế của Học viện Tài chính trong một bài kiểm tra tiếng Anh đầu vào. Ảnh: Fanpage Học viện Tài chính - Đào tạo quốc tế.

Chương trình đào tạo bậc đại học liên kết quốc tế (AOF-ITP) giữa Học viện Tài chính và Trường Đại học Toulon gồm: Cử nhân Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính, Chuyên ngành: Quan hệ khách hàng; Cử nhân Kinh tế và Quản lý, Chuyên ngành: Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán.

Theo Đề án tuyển sinh năm 2022, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ đại học chính quy của Học viện Tài chính là 4.000. Ngoài ra, trường tuyển 120 sinh viên ngành Tài chính - Ngân hàng theo chương trình liên kết với Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) và 200 chỉ tiêu ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính, Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán theo chương trình liên kết với Đại học Toulon (Pháp).

So sánh ngưỡng đầu vào, điểm chuẩn trúng tuyển giữa chương trình liên kết quốc tế và chương trình chuẩn.

So sánh ngưỡng đầu vào, điểm chuẩn trúng tuyển giữa chương trình liên kết quốc tế và chương trình chuẩn.

Theo thống kê, điểm trúng tuyển của các chuyên ngành hệ liên kết quốc tế qua các năm gần đây đều thấp hơn so với điểm trúng tuyển cùng chuyên ngành thuộc hệ đại trà.

So sánh chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng - Bảo hiểm (hệ liên kết quốc tế) và chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng (hệ đại trà): Năm 2019, hệ đại trà lấy cao nhất là 22,0 điểm, trong khi đối với hệ liên kết quốc tế ngưỡng chỉ cần từ 15,0-15,5 điểm. Năm 2020, hệ đại trà lấy 25 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế chỉ lấy ngưỡng từ 16,0 điểm. Năm 2021, hệ đại trà lấy cao nhất 26,45 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế lấy từ 24,45 điểm (và hệ chất lượng cao lấy 36,22 điểm -tiếng Anh nhân đôi; hệ liên kết quốc tế tương đương lấy 33,25 điểm - điểm môn tiếng Anh nhân đôi). Năm 2022, đối với phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, hệ đại trà lấy cao nhất là 25,80 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế lấy từ 23,15 (và lấy 29,2 điểm với nhân đôi điểm môn tiếng Anh); đối với phương thức xét học bạ, hệ đại trà lấy cao nhất là 28,7 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế chỉ lấy 24,8 điểm.

So sánh chuyên ngành Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán (hệ liên kết quốc tế) và chuyên ngành Kế toán (hệ đại trà) và chuyên ngành Kiểm toán (hệ đào tạo chất lượng cao): Năm 2019, chuyên ngành Kế toán hệ đại trà lấy từ 23,0-23,3 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế lấy ngưỡng từ 16,5 điểm. Năm 2020, chuyên ngành Kế toán (hệ đại trà) lấy 26,2 điểm và chuyên ngành Kiểm toán (chất lượng cao) lấy 31,0 điểm, trong khi hệ liên kết quốc tế lấy từ ngưỡng 16,5 điểm.

Điều kiện xét tuyển thí sinh đối với chương trình đào tạo liên kết quốc tế năm 2022:

Thí sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và có kết quả học tập trung học phổ thông đạt 1 trong các tiêu chí sau:

Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên cộng điểm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đối tượng, nguyên tắc xét tuyển theo quy định hiện hành của Bộ.

Phương thức 2: Xét tuyển dựa vào chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Có hạnh kiểm 3 năm trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên và điểm trung bình 3 năm [(Lớp 10 + Lớp 11 + Lớp 12)/3] đạt từ 7,0 và có trình độ tiếng Anh đạt chứng chỉ tương đương B2 theo khung năng lực tham chiếu Châu Âu.

Phương thức 3: Xét tuyển dựa vào kết quả học tập bậc trung học phổ thông: Có hạnh kiểm 3 năm trung học phổ thông xếp loại Khá trở lên (không xét thí sinh tốt nghiệp theo hình thức giáo dục thường xuyên) và có điểm trung bình 3 năm đạt từ 7,0 và có điểm trung bình môn tiếng Anh 3 năm trung học phổ thông đạt từ 7,0 trở lên.

Phương thức 4: Xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội năm 2022: Thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 80 điểm trở lên.

Học phí năm học 2022-2023 đối với sinh viên hệ chính quy của Học viện Tài chính như sau:

+ Chương trình chuẩn: 20 triệu đồng/sinh viên/năm (tương đương khoảng 80 triệu đồng/khóa học).

+ Chương trình chất lượng cao: 47,5 triệu đồng/sinh viên.

+ Diện tuyển sinh theo đặt hàng, bộ đội gửi học: 42 triệu đồng/sinh viên.

+ Học phí liên kết đào tạo với các trường đại học ở nước ngoài:

Liên kết với Trường Đại học Greenwich học trong 4 năm:

Học 4 năm trong nước là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm (280 triệu đồng/sinh viên/khóa học). Học phí này gấp 3,5 lần học phí hệ đại trà.

Học 3 năm trong nước + 1 năm tại Trường Đại học Greenwich (Vương quốc Anh) là: 70 triệu đồng/sinh viên/năm (cho 3 năm học trong nước); 470 triệu đồng/sinh viên/năm (cho 1 năm học tại Trường Đại học Greenwich); tổng cộng là: 680 triệu đồng/sinh viên/khóa học. Học phí này gấp 8,5 lần so với học phí hệ đại trà.

Liên kết với Trường Đại học Toulon cấp bằng học trong 3 năm: Học phí sẽ được thanh toán theo từng học kỳ học, với tổng học phí từng chuyên ngành như sau:

Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính: Trung bình khoảng 5,7 triệu đồng/tháng (tương đương 171 triệu đồng/khóa/3 năm học - đã bao gồm kinh phí đào tạo tiếng Anh)

Kế toán - Kiểm soát - Kiểm toán: Trung bình khoảng 6 triệu đồng/tháng (tương đương 180 triệu đồng/khóa/3 năm học - đã bao gồm kinh phí đào tạo tiếng Anh).

Năm thứ nhất và thứ hai, sinh viên nộp học phí theo kỳ, mỗi năm gồm 2 học kỳ chính. Mức thu cụ thể được phân bổ theo từng kỳ. Năm thứ ba, sinh viên nộp học phí cả năm vào đầu năm học.

Ngoài học phí, sinh viên cần phải nộp 1 lần phí ghi danh khi vào năm thứ 3 theo quy định của Bộ Giáo dục (Cộng hòa Pháp) tại thời điểm thu.

Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: hvct.edu.vn.

Sinh viên Học viện Tài chính. Ảnh: hvct.edu.vn.

Theo danh sách các chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn trong nước của Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo (cập nhật đến ngày 30/11/2022): Học viện Tài chính có duy nhất chuyên ngành Kế toán được đánh giá ngoài bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Không thấy dữ liệu về các chuyên ngành liên kết đào tạo quốc tế của Học viện Tài chính. [1]

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/content/tintuc/lists/news/Attachments/8336/3-ds-ctdt-hoan-thanh-tdg-30112022.pdf

Mộc Trà