Nắm bắt xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào các nền tảng tài chính, ngành Công nghệ Tài chính (FinTech) là bước đột phá quan trọng của nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.
Năm 2018, Viện Ngân hàng - Tài chính của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh chuyên ngành Công nghệ Tài chính, thuộc ngành Tài chính ngân hàng. Đây là chương trình cử nhân Công nghệ Tài chính đầu tiên tại Việt Nam.
Bắt kịp xu hướng cách mạng công nghệ 4.0
Trao đổi cùng Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Tiến sĩ Hoàng Xuân Quế - Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính là quyết tâm và hành động của nhà trường trong việc hỗ trợ và thúc đẩy cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tại Việt Nam trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, thông qua việc đào tạo đội ngũ nhân trẻ sự có kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực hiện đang còn rất thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.
Viện Ngân hàng - Tài chính hợp tác đào tạo chuyên ngành Công nghệ tài chính với Trường Đại học Á Châu (Đài Loan). Theo báo cáo đánh giá của The World University Ranking, Trường Đại học Á Châu được xếp hạng thứ 842 trên tổng số các trường đại học trên thế giới; xếp hạng thứ 11 trên tổng số các trường đại học tại Đài Loan và xếp thứ 4 trong các trường đại học tư thục.
Công nghệ Tài chính là lĩnh vực tài chính mới liên quan liên quan đến ứng dụng công nghệ để cải thiện việc sử dụng và cung cấp các dịch vụ tài chính. Lĩnh vực này tập trung vào hoạt động cải thiện hoặc tạo mới các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp trong lĩnh vực tài chính nhằm giúp khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính dễ dàng với chi phí rẻ hơn; nâng cao hiệu quả vận hành của các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán…
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông là yếu tố then chốt, nền tảng hình thành nên hệ sinh thái kinh tế số như chính phủ điện tử, thương mại điện tử, kinh doanh điện tử… Các công nghệ kỹ thuật số như điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, big data, internet vạn vật… đã tác động mạnh mẽ và làm thay đổi các hoạt động truyền thống trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng và các hoạt động trong đời sống kinh tế xã hội nói chung.
Công nghệ Tài chính là sự kết hợp giữa Technology (Công nghệ) và Finance (Tài chính), tận dụng sự sáng tạo công nghệ để sử dụng trong mọi hoạt động tài chính và dịch vụ khác. Hàng chục năm qua, hệ thống ngân hàng đã tập trung đầu tư vào công nghệ để cho ra đời nhiều sản phẩm công nghệ trong hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mình như ATM, SWIFT, ngân hàng số, ngân hàng chuỗi khối…
Tuy nhiên, sự phát triển như vũ bão của công nghệ đã đặt các ngân hàng vào tình thế cạnh tranh ngày càng gay gắt, bắt buộc phải cải tiến, đổi mới để phát triển. Hoạt động cung ứng các dịch vụ tín dụng, thanh toán, chuyển tiền giờ không còn là lĩnh vực độc quyền của ngân hàng khi các công ty công nghệ lớn đã và đang cung cấp một loạt dịch vụ tài chính đa dạng và tiện ích cho thị trường.
“Có thể nói, công nghệ tài chính là lĩnh vực mới nhưng đã tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ, sâu rộng đến toàn bộ sự vận hành của hệ thống tài chính và nền kinh tế toàn cầu. Sự gia tăng chóng mặt số lượng các ứng dụng tài chính và các công ty FinTech được thành lập trong những năm gần đây đủ thấy tiềm lực mạnh mẽ của lĩnh vực này” - thầy Quế cho biết.
Theo Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, toàn bộ chương trình đào tạo Công nghệ Tài chính của Viện Ngân hàng - Tài chính được thực hiện bằng tiếng Anh theo chuẩn quốc tế.
Do đặc thù của chuyên ngành Công nghệ Tài chính là sự kết hợp giữa Tài chính và Công nghệ, chương trình được thiết kế với một nửa là các môn học cốt lõi về Tài chính, một nửa là các môn học về Công nghệ thông tin, ứng dụng Công nghệ thông tin vào việc phân tích, xử lý dữ liệu trong Tài chính.
Khi hoàn thành chương trình, sinh viên không những được trang bị toàn bộ các kiến thức của một cử nhân Tài chính truyền thống mà còn được sở hữu các kiến thức quan trọng của Công nghệ Tài chính như: quản lý công nghệ tài chính; phân tích dữ liệu tài chính quy mô lớn; quản lý và ứng dụng cơ sở dữ liệu tài chính; sử dụng phần mềm ứng dụng trong tài chính; phân tích đầu tư và ứng dụng công nghệ; đối mới sáng tạo tài chính; thương mại điện tử và marketing tài chính; đổi mới và sáng tạo tài chính và quản trị khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính.
Cơ hội nghề nghiệp trong cả lĩnh vực tài chính và công nghệ
Cử nhân chuyên ngành Công nghệ Tài chính có nhiều cơ hội trở thành chuyên viên hoạch định chiến lược, quản lý và phát triển kinh tế số tại ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan quản lý tài chính Nhà nước, các tổ chức tài chính quốc tế, các tổ chức phát triển công nghệ…
Ngoài ra, sinh viên có thể làm chuyên viên dự án công nghệ, quản lý ứng dụng, hệ thống thông tin, phân tích dữ liệu tại ngân hàng, công ty tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán, các quỹ đầu tư, công ty công nghệ.
Nếu có ý tưởng sáng tạo, các bạn hoàn toàn có thể làm chủ các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ Tài chính.
Bạn Nguyễn Thiện Đức, cựu sinh viên chuyên ngành Công nghệ Tài chính tâm sự: “Xuất phát từ nền tảng là một học sinh chuyên Tin, tuy nhiên lại cũng có đam mê với tài chính nên cuối những năm cấp 3 em muốn lựa chọn một ngành học đại học giao thoa giữa công nghệ thông tin và tài chính.
Qua tìm hiểu thì em biết đến chuyên ngành Công nghệ Tài chính của Viện Ngân hàng - Tài chính. Em nhận thấy cơ hội “vàng” để gặt hái nhiều cơ hội nghề nghiệp rộng mở khi theo đuổi ngành này”.
Đức đặc biệt yêu thích môn học "Căn bản về FinTech và thực thi" vì nó cung cấp một nền tảng kiến thức toàn diện về lĩnh vực FinTech. Em đã học được cách các công nghệ như blockchain, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn được ứng dụng trong ngành tài chính để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới.
Một trong những phần Đức thích nhất là khi giảng viên chia sẻ về các start-up FinTech thành công và phân tích các chiến lược của họ. Những ví dụ thực tiễn này giúp em hiểu rõ hơn về cách áp dụng kiến thức vào thực tế và cách mà các doanh nghiệp FinTech đang thay đổi ngành tài chính.
Nguyễn Thiện Đức cho biết chuyên ngành đào tạo đem lại cho em kiến thức bao quát về công nghệ thông tin và tài chính, khả năng làm việc với tiếng Anh. Nhờ đó em có thể nắm bắt nhanh được các thuật ngữ chuyên ngành và nghiên cứu tài liệu chuyên môn nghiệp vụ trong và ngoài nước nhanh chóng, qua đó, em có thể thích ứng và đáp ứng được công việc liên quan đến thẩm định các dự án Công nghệ thông tin – công việc yêu cầu lượng kiến thức lớn.
“Ban đầu, em cũng gặp khó khăn trong việc nghe hiểu và theo kịp các bài giảng bằng tiếng Anh, đặc biệt là khi các giảng viên nói nhanh hoặc sử dụng từ vựng chuyên ngành phức tạp. Bên cạnh đó, em cũng gặp nhiều thách thức trong việc đọc hiểu các tài liệu học tập, bài báo khoa học và sách giáo trình do lượng từ vựng mới nhiều và cấu trúc ngữ pháp phức tạp.
Tuy nhiên, các thầy cô luôn sẵn sàng dành thêm thời gian giảng lại bằng tiếng Việt cho chúng em những bài giảng khó. Ngoài ra, em cũng dành thời gian đi học IELTS, học từ vựng chuyên ngành và đọc sách giáo khoa trước mỗi tiết học để có thể dần theo kịp với tốc độ giảng dạy trên lớp của thầy cô” - Đức chia sẻ.
Hiện tại, Nguyễn Thiện Đức đang công tác tại Ban Công nghệ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).
Trần Thị Hòa, thủ khoa đầu ra chuyên ngành Công nghệ Tài chính của Viện Ngân hàng - Tài chính cho biết: “Lý do em chọn FinTech là bởi vì em cảm thấy đây là một ngành học rất thú vị. Em được học các kiến thức về cả tài chính lẫn công nghệ và sự bổ trợ lẫn nhau của hai lĩnh vực này em có thể vừa làm các công việc trong lĩnh vực tài chính, hoặc cũng có cơ hội làm cả trong lĩnh vực công nghệ”.
Trong các kỳ học, Hòa được thầy cô hướng dẫn tham gia các cuộc thi như khởi nghiệp, phân tích tài chính, Olympic Tin học, hay nghiên cứu khoa học nên em có thể áp dụng song song các kiến thức được học vào thực tế.
Hòa từng tham gia Cuộc thi Đổi mới sáng tạo do Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam Toàn cầu (AVSE Global) tổ chức và đạt top 4 với dự án SETS – nền tảng giao dịch tín chỉ carbon thông qua công nghệ blockchain. Hòa cũng giành Giải khuyến khích cuộc thi Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp trong lĩnh vực Công nghệ tài chính - Techfest 2021 với dự án về từ thiện xã hội ứng dụng công nghệ số.
Hòa hiện đang là Product Owner của VNPAY, em chịu trách nhiệm phát triển dịch vụ eKYC, facepay, phát triển các sản phẩm ICI như chatbot, OTT cho các ngân hàng...
“Tất cả các lĩnh vực em làm đều nằm trong kiến thức em được đào tạo khi đi học ở trường. Tuy nhiên kiến thức thực tế còn phụ thuộc vào nghiệp vụ của từng ngân hàng từng đối tác, và cũng phụ thuộc nhiều vào quy định của ngân hàng nhà nước nên em phải cập nhật liên tục các kiến thức và quy định về ngành” - Hòa bày tỏ.