Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngày 6/12 đã chính thức công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và tuyên bố sẽ di dời đại sứ quán Hoa Kỳ từ Tel Aviv đến Jerusalem trong vài năm tới.
Chính sách bị đảo ngược
Quyết định này của Tổng thống Trump đã chấm dứt bảy thập kỷ lưỡng lự của Hoa Kỳ đối với tình trạng của Jerusalem, kể từ khi Israel được thành lập vào năm 1948.
Việc khẳng định sẽ di dời đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem cũng đi ngược lại với cách thức trì hoãn cứ 6 tháng một lần của các đời Tổng thống tiền nhiệm về việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.
Khu vực trung tâm Đông Jerusalem (Ảnh: AP). |
Ông Trump nói rằng, quyết định này đánh dấu sự khởi đầu của một “cách tiếp cận mới” để giải quyết cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
“Đã đến lúc chính thức công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Đây là tiếng nói của sự khoan dung mạnh mẽ để giải quyết sự hận thù”,ông Trump nói. [1]
Tổng thống Hoa Kỳ còn lưu ý thêm:
Động thái này đã không làm thay đổi các cuộc đàm phán hòa bình cuối cùng giữa Israel và Palestine, mà nó chỉ phản ánh thực tế rằng, phía tây Jerusalem sẽ tiếp tục là một phần của Israel dưới bất kỳ thỏa thuận hòa giải nào.
Các quan chức Hoa Kỳ cũng cho biết, Tổng thống Trump sẽ ký vào bản sắc lệnh đặc miễn và yêu cầu Bộ Ngoại giao nước này bắt đầu tiến hành quá trình rời đại sứ quán.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã khen ngợi ông Trump đã đưa ra được “một quyết định lịch sử” và nói rằng, tên của ông Trump sẽ trở thành một phần lịch sử của Jerusalem.
Thổi bùng cơn giận dữ của người Palestine và sự phản đối của thế giới
Quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của Tổng thống Donald Trump đã thổi bùng ngọn lửa giận dữ của người Palestine cũng như sự phản đối của cộng đồng quốc tế; đồng thời, đặt ra những mối lo ngại mới về một cuộc xung đột đẫm máu ở Trung Đông.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ký sắc lệnh công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel (Ảnh: AP). |
Ngay sau quyết định của ông Trump, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã lên tiếng rằng, hành động này của ông Trump khiến Hoa Kỳ không còn giữ được vai trò trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, đồng thời tuyên bố người dân Palestine sẽ có “ba ngày cuồng nộ” để phản đối.
Ngoài ra, ông Jibril Rajoub - một quan chức cấp cao của Palestine nói rằng, người Palestine sẽ không gặp Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence trong chuyến thăm Israel và thành phố Bethlehem của Palestine dự kiến vào cuối tháng này.
Đáp trả quyết định của ông Trump, hàng ngàn người dân Palestine đã xuống đường biểu tình phản đối và ném gạch đá, chai xăng vào các lực lượng an ninh của Israel ở Đông Jerusalem và khu vực Bờ Tây, còn những người biểu tình ở Dải Gaza đã đốt cháy lá cờ Hoa Kỳ và hình ảnh của Tổng thống Donald Trump.
Trong khi, quân đội Israel đã triển khai thêm một tiểu đoàn đến khu vực Bờ Tây để sẵn sàng cho mọi tình huống, còn lực lượng an ninh đã sử dụng hơi cay và đạn cao su bắn vào dòng người biểu tình, khiến hàng chục người Palestine bị thương.
Người dân Palestine biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP). |
Tại Dải Gaza vào ngày 7/12, lãnh đạo tối cao của Hamas, Ismail Haniyeh, đã kêu gọi người dân Palestine khởi động cuộc nổi dậy mới để chống lại quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel của ông Donald Trump.
“Chúng tôi muốn có một cuộc nổi dậy mới và kéo dài, để cho ông Trump và Israel phải hối tiếc về quyết định này”, ông Haniyeh nói. [2]
Sự tức giận đối với quyết định của Tổng thống Donald Trump cũng đã lan ra khắp thế giới Ả-rập.
Liên đoàn Ả-rập đã lên tiếng chỉ trích quyết định này của Hoa Kỳ, khi cho rằng, đó là hành động “vô lý và vô trách nhiệm”.
Ả-rập Xê-út, tuy là đồng minh của Mỹ nhưng cũng đã lên tiếng “rất lấy làm tiếc về quyết định của chính phủ Hoa Kỳ”.
Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tuyên bố, hành động đơn phương này của Hoa Kỳ đã đe dọa triển vọng hòa bình ở Trung Đông, đồng thời khẳng định, không có giải pháp nào khác cho cuộc xung đột ngoài giải pháp thỏa thuận giữa hai nước Israel và Palestine.
Liên minh châu Âu (EU) cũng như Đức đều lên tiếng ủng hộ tuyên bố của Liên Hợp Quốc, trong khi Pháp, Anh, Trung Quốc, Nga đã bày tỏ sự lo ngại cho tiến trình hòa bình ở Trung Đông và kêu gọi người dân Palestine kiềm chế để tránh bạo lực.
Malaysia và Indonesia cũng phản ứng với quyết định của Hoa Kỳ, khi kêu gọi người Hồi giáo trên khắp thế giới đứng lên chống lại quyết định này.
Giới quan sát nhận định rằng, khả năng bạo lực sẽ diễn ra nguy hiểm hơn trong những ngày sắp tới.
Người dân Palestine đã đốt cờ của Hoa Kỳ và ảnh của Tổng thống Donald Trump (Ảnh: AP). |
Động cơ nào khiến Tổng thống Trump đưa ra quyết định này?
Từ lâu Jerusalem luôn là một trong những vấn đề gai góc và nhạy cảm trong cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Israel luôn muốn Jerusalem trở thành một thủ đô thực tế của nước này và trong bất kỳ cuộc đàm phán về tiến trình hòa bình nào với người Palestine đều phải đi kèm điều kiện công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Trong khi, Palestine luôn khẳng định Đông Jerusalem là Thủ đô tương lai của nước này.
Hoa Kỳ hiểu rằng, sự công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel sẽ gây ra sự phản đối quyết liệt của người Palestine, nhưng Tổng thống Donald Trump vẫn đưa ra quyết định.
Giới phân tích nhận định rằng, việc ông Trump đưa ra quyết định nhạy cảm này đều có hàm ý quan trọng cả về đối nội và đối ngoại liên quan đến lợi ích của Mỹ.
Về đối nội:
Quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đã giúp ông Donald Trump hoàn thành được lời hứa với cử tri trong chiến dịch tranh cử Tổng thống năm ngoái.
Israel hiện đại hóa quân đội như thế nào? |
Mặt khác, quyết định này còn mang một động cơ chính trị khác, đó là nhằm nâng cao sự ủng hộ của người dân Mỹ đối với vị Tổng thống đương nhiệm của họ.
Bởi theo một cuộc khảo sát vào ngày 5/12, tỷ lệ người dân Mỹ ủng hộ ông Trump đã sụt giảm xuống mức thấp kỷ lục, khi chỉ có 35% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Trump.
Do đó, khi ông Trump quyết định về một sự công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, tuy sẽ gây ra những tranh cãi và sự phản đối, thậm chí thúc đẩy xung đột ở Trung Đông, nhưng bù lại ông Trump sẽ làm hài lòng những người bảo thủ của đảng Cộng hòa và các cử tri Do Thái cánh hữu.
Và như vậy sự ủng hộ của người Mỹ đối với ông Trump nhiều khả năng sẽ lại tăng lên đáng kể.
Về đối ngoại:
Quyết định này của ông Donald Trump sẽ làm tăng thêm thiện cảm của Israel đối với Washington và sẽ thắt chặt hơn mối quan hệ đồng minh chiến lược giữa hai nước.
Đồng thời, ông Trump cũng cho thấy một sự ủng hộ và giúp đỡ tuyệt đối của Hoa Kỳ đối với Thủ tướng Israel Netanyahu, khi mà quyền lực của ông Netanyahu đang bị suy giảm do hàng loạt các cuộc điều tra về tham nhũng có dính líu đến ông, cũng như cách hành xử độc đoán của ông này trong vấn đề biên giới giữa Israel và Palestine.
Ngoài ra, động thái này của ông Trump dường như còn là “liều thuốc thử” về mức độ ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực Trung Đông, cũng như thử phản ứng của thế giới Ả-rập sau quá trình Hoa Kỳ thắt chặt mối quan hệ với các nước Ả-rập, đặc biệt với Ả-rập Xê-út và các tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất.
Nhìn xa hơn, tuyên bố của Hoa Kỳ về sự công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel còn đóng vai trò như một đòn bẩy, khẳng định vị trí của Israel tại khu vực và mở đường để Hoa Kỳ triển khai kế hoạch tại Israel và Trung Đông.
Thêm một khả năng nữa trong việc tác động đến chính sách đối ngoại từ quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump, là dường như Hoa Kỳ đang có xu hướng đẩy các đồng minh của họ lâm vào tình trạng nguy hiểm hơn trong quan hệ với các đối thủ.
Bởi Hoa Kỳ cũng đã và đang đẩy Hàn Quốc và Nhật Bản đứng trước mối đe dọa về khả năng nổ ra chiến tranh đối với Triều Tiên, và giờ đây là Israel với mối lo ngại về một cuộc xung đột tại Jerusalem.
Với chính sách này, đương nhiên sẽ khiến cho các đồng minh phải lệ thuộc nhiều hơn vào sự hiện diện của Hoa Kỳ trên đất nước của họ, cũng như sẵn sàng đầu tư nhiều tiền hơn cho việc mua sắp vũ khí để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh, và như vậy Hoa Kỳ sẽ mang về lợi ích nhiều hơn.
Có thể nói rằng, việc Tổng thống Donald Trump công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel đang làm cho tình hình ở khu vực Trung Đông vốn đã phức tạp lại càng trở nên khó lường.
Người dân Palestine bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel (Ảnh: AP). |
Đồng thời cũng cho thấy, Hoa Kỳ đang ngày càng hành động đơn phương hơn trong các vấn đề quốc tế hiện nay, bất chấp những mọi sự cảnh báo.
Hoa Kỳ thừa hiểu rằng, những quyết định nhạy cảm được đưa ra ở bất kỳ khu vực nào cũng đều có thể gây ra những hệ lụy khôn lường, nhưng nước này vẫn thực hiện.
Điều này đã cho thấy, chính sách “nước Mỹ trên hết” mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi đang ngày càng thể hiện rõ ràng hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] http://edition.cnn.com/2017/12/07/middleeast/palestinians-react-trump -jerusalem -intl/index.html
[2] https://www.apnews.com/8ddae4b406ed471c93dd2732b617727b/Palestinians - protest-Trump-move,-more-unrest-feared