Nhân sự kiện Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Chính phủ đề nghị cho phép bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội –TP.Hồ Chí Minh và ngược lại qua không phận Lào, Campuchia, phóng viên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam có cuộc trao đổi với TS Trần Đình Bá – Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.
Bộ trưởng Thăng đang “cởi trói” cho ngành Hàng không
- Thưa ông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa đề nghị Chính phủ cho phép bay thử nghiệm “Đường bay vàng” từng bị bác bỏ năm 2012. Cảm nghĩ của ông thế nào?
TS Trần Đình Bá: Rất hay, đây là chỉ đạo rất quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng để đổi mới Hàng không Việt Nam (HKVN) hiện đang thua lỗ, tụt hậu. Quyết tâm của Bộ trưởng là tuyệt vời vì ông phải đột phá vào một ngành vận tải công nghệ cao mà Việt Nam có thế mạnh cả về trí tuệ, nhân lực, hạ tầng, khí hậu thời tiết, nền hòa bình, xã hội ổn định nhưng lại có một nền hàng không chưa xứng đang với tầm vóc và vị thế trên trường Quốc tế.
Dự án của TS. Trần Đình Bá từng được cho là không khả thi đối với hàng không quốc gia Việt Nam. |
Hơn nữa Bộ trưởng đang tìm cách “cởi trói” tư tưởng bảo thủ theo cơ chế “xin cho” vốn tồn tại 3 thập niên ở của Cục HKVN để “cứu các doanh nghiệp hàng không” như ông đã nói tại cuộc họp 11/7/2014: “Lãnh đạo Cục HK phải bơi cùng doanh nghiệp để biết nguyên nhân thất bại hay thành công của doanh nghiệp”.
“Đường bay vàng”: Vì sao Bộ trưởng "gật" còn Cục trưởng HK lại "lắc"?
(GDVN) - Trong khi vị "tư lệnh" ngành Giao thông vận tải rất sốt sắng triển khai đề án đường bay thẳng thì trước đó Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần bác bỏ...
Vấn nạn chậm chuyến, hủy chuyến hiện nay đang rất nhức nhối, đích thân Bộ trưởng phải xin lỗi nhân dân vì vậy quyết định khai thông “đường bay vàng” cũng là tin vui cho những ai từng tâm huyết, lao động trí tuệ hiến kế cho ngành Hàng không nhưng bị đơn phương phủ nhận và bác bỏ. Mặc khác, đây cũng là tin vui cho nhân dân trước tương lai của nền hàng không nước nhà.
- Nhiều ý kiến cho rằng lẽ ra người tỏ ra quyết liệt xúc tiến đề án “Đường bay vàng” là Cục trưởng HKVN, ông nhận xét thế nào về ý kiến này?
TS Trần Đình Bá: Ngày 11/7/2014, đích thân Bộ trưởng Thăng đã “cầm tay chỉ việc” cho Cục HKVN phải nghiên cứu đường bay thẳng nhưng lãnh đạo Cục HK chỉ hứa trước mặt Bộ trưởng để rồi sau đó lại bội ước, phủ nhận bay thẳng chuyển sang nghiên cứu đường bay song song giống đường sắt cao tốc với những nguyên nhân gây trở ngại như: Đường bay thẳng phải “giao cắt” qua 13 đường bay quốc tế nên không khả thi, phụ thuộc vào “phân chia vùng trời”, “đặt vùng cấm bay”, áp phí quá đắt ….
Nói thế để đấy, Cục HKVN chưa hoàn thành nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ trưởng GTVT giao phó.
Với tôi, việc Bộ trưởng Thăng quyết liệt mở đường bay vàng là bước đột phá quan trọng để hàng không đi đúng quy luật kinh tế hàng không và trật tự của nó, để hàng không tồn tại và phát triển bền vững, xứng tầm quốc gia và khu vực và xứng tầm là một loại phương tiện giao thông hiện đại. Là loại hình giao thông quan trọng trong 5 loại hình vận tải nhưng hiện HKVN lại đang xếp cuối bảng.
Động cơ nào khiến TS Trần Đình Bá theo đuổi “Đường bay vàng”
- Động cơ nào giúp ông theo đuổi “đường bay vàng” trong một thời gian dài khi luôn bị phản đối, có lúc nào ông cảm thấy muốn “dừng lại”?
TS Trần Đình Bá: Tôi đớn đau cho sự nghiệp hàng không nước nhà. Biểu tượng quốc gia về chính trị, kinh tế, tiềm lực phòng thủ quốc gia, trình độ khoa học công nghệ mà lại quá bức bối vì bị “trói”. Tôi xót xa vì hàng không liên tục thua lỗ do lãng phí, hành khách đặc biệt là nhân dân hải đảo, vùng miền Trung phải mất quá nhiều tiền nếu muốn đi lại bằng hàng không.
Quy luật kinh tế hàng không thế giới là: “Hàng không hầu hết là đường bay thẳng nối hai điểm vận tải”. Tôi nhận thức được quy luật này từ thập kỷ 80 của thế kỷ trước khi thực tế tại Học Viện Hàng không Riga – Liên Xô (sau này nâng cấp thành Đại học HK), nơi đào tạo hàng trăm chuyên gia hàng không, các tiến sỹ hàng không cho Việt Nam, vậy mà chuyên gia hàng không hiện nay tại Cục HKVN, Vietnam Airlines lại đi ngược lại điều đó khi đưa ra luận thuyết “bay vòng kinh tế hơn bay thẳng”.
Hầu hết 90% các đường bay nội địa Việt Nam đều là đường vòng hình “quả chuối”, tuyến đường bay chủ lực quan trọng nhất lại là đường bay “hình con rắn” kỳ dị nhất trong tất cả các đường bay trên thế giới. Tôi nghiên cứu để mong góp một phần giúp hàng không tháo gỡ khó khăn, tăng thị phần vận tải, giảm thiểu quá tải và tai nạn giao thông trên đường bộ.
Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa có văn bản trình Chính phủ đề nghị cho phép bay thử nghiệm đường bay thẳng Hà Nội –TP.Hồ Chí Minh và ngược lại qua không phận Lào, Campuchia |
Bị phản đối nhưng tôi làm theo lương tâm của một nhà khoa học, không đứng nhìn sự thất bại. Tôi nghiên cứu khoa học nghiêm túc, có trách nhiệm, chịu trách nhiệm. Hãy tin vào khoa học có chân lý, có quy luật. Nạn quá tải và thảm họa giao thông trên đường bộ có nguyên nhân từ thất bại của hàng không (0.3% thị phần).
- Việt Nam sẽ được lợi gì từ việc chuyển đường bay vòng thành đường bay thẳng “nối 2 điểm vận tải” theo quy luật hàng không thế giới mà ông đã nói, thưa ông?
“Bộ GTVT có tới gần 1.000 GS, TS chuyên vận, khoảng 100 TS hàng không vì vậy độ chính xác của bay vòng hay bay thẳng phải được minh chứng thẩm định bằng tư duy khoa học chứ không phải nói theo định tính bằng kiến thức phổ thông. Thành bại của việc thử nghiệm đường bay mang sứ mệnh của các nhà khoa học ngành GTVT” - TS Trần Đình Bá.
TS Trần Đình Bá: Lợi ích mang lại cho các nước là rất lớn phù hợp với Hiệp định Bầu trời mở rộng ASEAN để các nước bắt tay khai thác tài nguyên không gian, phát triển kinh tế hàng không. Các nước thu được lệ phí nhiều triệu USD mỗi năm, giảm được khí thải, cùng nhau khai thác không gian và bảo vệ chủ quyền không gian trên phần lãnh thổ của mình.
- Đường bay thẳng qua không phận Lào và Campuchia có ảnh hưởng gì và sẽ giúp được gì cho các hãng hàng không và hành khách nước ta về giá cả, thời gian, chi phí..., thưa ông?
TS Trần Đình Bá: Có chứ, rất lớn và bền vững. Tôi kết luận nguyên nhân thua lỗ của hàng không nước ta do lãng phí đường bay trên 25% do không theo đúng quy luật kinh tế hàng không thế giới.
Nếu được bay thẳng theo đúng quy luật thì các hãng hàng không nước ta tiết kiệm lãng phí do bay vòng, giảm giờ bay, tăng vòng, tăng chuyến để giảm thiểu chậm chuyến hủy chuyến. Nhân dân tiết kiệm thời gian bay để tăng giờ làm việc bổ ích, được giảm giá vé và giá vé minh bạch.
Đường bay thẳng được vận hành theo đúng giáo trình và quy luật kinh tế kàng không mà thế giới tôn trọng sẽ có lợi nhuận cao, tái sản xuất mở rộng và kích thích tăng trưởng!
Rào cản lớn nhất là tư duy bảo thủ
- Thưa ông, khó khăn và vướng mắc nhất khi triển khai đường bay mới này là gì?
TS Trần Đình Bá: Vật cản lớn nhất là tư duy bảo thủ trì trệ, ỷ lại của cơ chế bao cấp, không chịu năng động sáng tạo ngay chính trong Cục HK - cơ quan quản lý Nhà nước về hàng không mà thôi.
Nhưng đến thời điểm này thì không có gì ngăn cản nữa vì Bộ trưởng đã đàm phán, dọn đường bay thẳng, Cục HK phải thi hành triệt để.
Bay thử nghiệm là sáng suốt và cần thiết. Tôi đề nghị Bộ trưởng nên giao công việc này cho các TS Cục HK, Vụ Vận Tải, Vụ KHCN GTVT vạch được sơ đồ bay, phương pháp tính, công thức tính, cơ sở phương pháp luận để có hiệu quả kinh tế bằng định lượng để có cơ sở cho việc đánh giá tính khả thi của dự án, để khi đưa ra nay thử nghiệm là bước “thực tiễn kiểm nghiệm chân lý”.
Làm ăn kinh tế là phải chính xác, đặc biệt là công nghệ Hàng không, cũng như vũ trụ, năng lượng hạt nhân, dầu khí, phải tính toán chính xác bằng “định lượng” để tránh việc bị thua lỗ do ngộ nhận và loại trừ tranh công đổ lỗi cho nhau. Đó là trách nhiệm chính của các TS Vụ Vận tải – KHCN và các Cục, Vụ, Viện của Bộ GTVT.. chứ không phải cứ đừng ngoài cuộc nhìn hàng không thua lỗ.
Cần lập Quy trình thử nghiệm thật khoa học vì còn liên quan đến pháp lý trong kiển toán nhà nước về hạch toán kinh doanh, quyền lợi giữa doanh nghiệp hàng không, hành khách và đóng góp nghĩa vụ cho nhà nước.
Lựa chọn bay thẳng kinh tế hơn hay bay vòng là trách nhiệm chính trị của các Cục, Vụ, Viện trong Bộ GTVT để có cơ sở chính xác cho Chính phủ và Bộ trưởng GTVT quyết định, và các TS ở các cục vụ viện được giao nhiệm vụ lập quy trình phải chịu trách nhiêm trước thành bại của ngành hàng không kể từ bây giờ!
- Nhiều ý kiến lo ngại mình sẽ phải trả phí cao khi bay qua không phận Lào và Campuchia, ông nghĩ sao?
TS Trần Đình Bá: Các doanh nghiệp hàng không cũng như Cục HK nói cái gì, kêu cái gì cũng phải có cơ sở và phải chịu trách nhiệm chứ không thể khó là kêu Bộ trưởng tháo gỡ hết lần này đến lần khác.
Theo tôi, lệ phí bầu trời theo thông lệ quốc tế và thỏa thuận ký kết, sẽ không ai làm khó mình vì tất cả đều có lợi. Vấn đề là phải hạch toán tính toán một cách có cơ sở khoa học. Tôi nhắc lại là phải có cơ sở tính toán bằng định lượng chứ không phải định tính mới đảm bảo thành công…
Bộ GTVT có tới gần 1.000 GS, TS chuyên vận, khoảng 100 TS hàng không vì vậy độ chính xác của bay vòng hay bay thẳng phải được minh chứng thẩm định bằng tư duy khoa học chứ không phải nói theo định tính bằng kiến thức phổ thông. Thành bại của đường bay mang sứ mệnh của các nhà khoa học ngành GTVT.