Yahoo News ngày 23/1 đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã than phiền rằng, một số đồng minh của Hoa Kỳ là thành viên liên minh chống khủng bố IS mà Mỹ dẫn đầu đã "chẳng làm gì cả" để cùng tiêu diệt tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter, ảnh: Times of Israel. |
Bình luận của ông chủ Lầu Năm Góc cho thấy liên minh 65 thành viên mà Mỹ dẫn đầu với khẩu hiệu "một nhiệm vụ, nhiều quốc gia" đã có những chia rẽ. "Nhiều thành viên không tham gia tích cực, thậm chí không làm gì cả", ông Ash Carter nói với đài CNBC bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ.
"Chúng tôi đã có thể làm được rất nhiều bằng sức của chính mình, nhưng chúng tôi đang tìm kiếm vai trò của những thành viên khác để gánh vác phần trách nhiệm của họ", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói, nhưng không chỉ rõ tên bất kỳ quốc gia đồng minh nào.
Khi trả lời phỏng vấn Bloomberg TV, ông Ash Carter thể hiện sự thất vọng và bất mãn của Lầu Năm Góc với một số đối tác, đặc biệt là các nước Ả Rập theo Hồi giáo dòng Sunni khi nhắc đến liên minh chống khủng bố IS ông thêm cụm từ "cái gọi là".
Tuần qua ông Ash Carter công du châu Âu và chủ yếu có mặt ở Paris để tìm cách thuyết phục các đồng minh tăng cường nỗ lực chống lại IS. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gặp gỡ đại diện từ 26 quốc gia đồng minh khác nhau và liên tục nhắc lại yêu cầu này.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cho phép Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik ở phía Nam để tấn công các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria, nhưng ông Carter lưu ý rằng, Ankara cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tuyến biên giới nước này với Syria.
Một số quốc gia đồng minh của Mỹ trong thế giới Ả Rập bao gồm Saudi Arabia, trên danh nghĩa vẫn nằm trong liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu, nhưng giờ đây gần như họ chỉ tập trung vào việc chống lại các lực lượng do Iran hậu thuẫn ở Yemen.
Từ mùa hè năm 2014, Hoa Kỳ đã thực hiện tổng cộng gần 9.800 cuộc không kích các mục tiêu khủng bố ở Iraq và Syria. Sự bực tức của ông Ash Carter có thể phản ánh áp lực từ Washington, nơi các nhà phê bình hiếu chiến đang chỉ trích chính quyền Obama quá chậm trễ trong các nỗ lực đánh bại IS.
Mặc dù đã có hàng ngàn tay súng khủng bố IS bị tiêu diệt bởi các cuộc không kích của Hoa Kỳ và đồng minh, nhưng số còn lại vẫn đang hoạt động và reo rắc nỗi kinh hoàng khắp thế giới, từ Afghanistan đến Paris, rồi Indonesia.