Theo phản ánh của người dân phường Phú Thượng (Q.Tây Hồ), dự án xây dựng công trình cầu Nhật Tân, Ban quản lý dự án 85 - PMU85 (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải) đã tự điều chỉnh thiết kế đường dẫn để tránh dự án Vườn Đào và một số cao ốc, biệt thự của các đại gia. Trong khi đó nhà ở của nhiều hộ dân khác tại khu vực nút giao Phú Thượng vẫn phải thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB), gây nên sự không công bằng… Cụ thể, nhiều hộ dân tại Tổ 47b,c,d Cụm 7c thuộc phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội cho biết, sau khi ban quản lý dự án tự điều chỉnh phạm vi lấy đất, hàng trăm hộ dân vốn không thuộc diện giải tỏa, bỗng dưng mất nhà vì phải di dời để phục vụ dự án. Nhưng điều họ bức xúc nhất là việc điều chỉnh này không nhằm đảm bảo yếu tố an toàn hay chất lượng cầu… mà chỉ để tránh khu biệt thự cao cấp của những “đại gia” bất động sản.
Dự án cầu Nhật Tân (ảnh: Sỹ Lực - TP) |
Được biết dự án cầu Nhật Tân bắt đầu từ năm 2005, cụ thể ngày 25/8/2005 Bộ GTVT đã có tờ trình số 5251/ TTr - GTVT đề nghị Thủ tướng chính phủ phê duyệt dự án XD Công trình Cầu Nhật Tân và đường 2 đầu cầu. Xét đề nghị của Bộ GTVT, ngày 19/1/2006, tại văn bản 128/TTg - CN Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép đầu tư xây dựng Cầu Nhật Tân ở Hà Nội và giao Bộ GTVT nghiên cứu để hoàn chỉnh dự án, tổ chức thẩm định, quyết định đầu tư. Bộ GTVT cần phối hợp với UBND TP Hà Nội và giới chuyên môn để quyết định phương án kết cấu cầu trên nguyên tắc tiết kiệm đầu tư, đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị.
Dự án được chia làm 2 dự án thành phần: Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, dự án bồi thường GPMB do UBND thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư. Công ty Tư vấn Thiết kế Giao thông vận tải (TEDI) là đơn vị tổ chức tư vấn lập dự án nằm trong tổng thể quy hoạch chung thành phố Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 20/6/1998. Tháng 3/2006 Bộ GTVT đã có quyết định phê duyệt Dự án đầu tư cầu Nhật Tân, trong đó có Nút giao Phú Thượng (Km0 +710). Tuy nhiên, do phạm vi chiếm đất của nút giao Phú Thượng khá lớn, ảnh hưởng nhiều tới các dự án đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt trước đó (gồm khu D1, D3, nay là khu biệt thự Vườn Đào, thuộc phường Phú Thượng và Xuân La) và Khu đất của Cty Xây dựng giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) hiện đang xây dựng công trình văn phòng, dịch vụ công cộng, khách sạn và nhà ở cao tầng. Trước khó khăn về phạm vi chiếm đất của nút giao Phú Thượng, tháng 8/2006 Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Đỗ Hoàng Ân đã ký công văn số 3453/UBND-XDĐT gửi Bộ GTVT đề nghị xem xét chỉ đạo chủ đầu tư và tư vấn dự án điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao với đê Hữu Hồng (đầu phía Nam cầu Nhật Tân - nút giao Phú Thượng). Lý do điều chỉnh phạm vi lấy đất được nêu rõ trong công văn là để không cắt vào các khu đất biệt thự D1, D3 (biệt thự Vườn Đào bán đấu giá) và khu đất của Công ty xây dựng giao thông đô thị (nay là Công ty cổ phần) để xây dựng chung cư cao cấp, văn phòng cho thuê và khách sạn…
Theo dự án cầu Nhật Tân ban đầu được phê duyệt vào tháng 3/2006, thì toàn bộ khu biệt thự Vườn Đào D1- D3 đều nằm trong diện phải trả lại mặt bằng phục vụ dự án. Ảnh: Kiến thức. |
Sau khi có công văn nói trên, TEDI lập tức và trình phương án điều chỉnh thiết kế nút giao Phú Thượng theo đúng đề nghị của TP Hà Nội và nhanh chóng được lãnh đạo Bộ GTVT chấp thuận. UBND thành phố Hà Nội cũng khẩn trương chấp thuận các phương án điều chỉnh, bổ sung chỉ giới đường đỏ bờ phía Nam sông Hồng (phía nút giao Phú Thượng tỷ lệ 1/500) thuộc dự án cầu Nhật Tân. Cũng từ đây cuộc sống của 150 hộ dân phường Phú Thượng vốn đang yên ổn bỗng dưng nằm trong diện phải giải tỏa, thu hồi đất. Những khuất tất trong việc điều chỉnh quy hoạch khiến công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất phục vụ dự án chậm trễ. Vì vậy theo thiết kế ban đầu dự án sẽ hoàn thành từ tháng 10/2010 đúng dịp kỉ niệm 1.00 năm Thăng Long – Hà Nội nhưng phải lùi đến tháng 12/2014. Búc xúc trước việc tự điều chỉnh quy hoạch của ban quản lý dự án, trả lời trên báo điện tử Kiến Thức, ông Nguyễn Văn Doãn, đang sinh sống tại tổ 47d, phường Phú Thượng, Tây Hồ cho biết: “Chính sự mập mờ, vô lý trong việc tư vấn, nắn chỉnh quy hoạch nút giao thông Phú Thượng của Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội mà TEDI là đơn vị trực tiếp điều chỉnh phương án thiết kế đã khiến chúng tôi rơi vào cảnh mất nhà, mất đất”. Trước những bức xúc của người dân, sự chậm trễ của dự án UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng đã có buổi gặp mặt lấy ý kiến và trả lời các chính sách giải phóng mặt bằng dự án cầu Nhật Tân với người dân phường Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), trong buổi gặp mặt đại diện UBND TP Hà Nội, Sở Quy hoạch kiến trúc và UBND quận Tây Hồ công bố những chính sách trong giải phóng mặt bằng của dự án Nhật Tân. Cũng tại cuộc gặp này khi lý giải câu hỏi của người dân về công văn 3453 ngày 8.8.2006 của UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh phạm vi lấy đất của nút giao Phú Thượng, ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội - cho rằng, đề nghị chỉ là ý kiến của TP Hà Nội còn việc chấp thuận hay như thế nào là do Bộ GTVT quyết định. Trong khi đó đại diện ban quản lý dự án ông Nguyễn Lê Minh, Giám đốc dự án xây dựng cầu Nhật Tân (Ban quản lý dự án 85) lại cho rằng: “Giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ của UBND TP Hà Nội. Ban 85 chỉ là đơn vị tiếp nhận mặt bằng sau khi nhận bàn giao từ TP Hà Nội để chuyển giao cho nhà thầu”.
Hồng Minh (Tổng hợp)