Du học sinh Việt: Tết đắn đo ở lại hay chắt bóp mua vé về bên gia đình?

17/01/2023 06:34
Hoài Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tết năm nay, du học sinh Việt lại đắn đo giữa hai lựa chọn là về nhà hay tiếp tục ở lại nơi đất khách.

Tết là khi được về với gia đình

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bạn Ngọc Thúy (du học sinh Hàn Quốc) cho biết: “Mình đã đi du học gần 4 năm và năm nay là năm đầu tiên mình trở về nhà đón Tết với gia đình. Những năm trước, mình không về Việt Nam vì nghĩ sẽ còn nhiều cái Tết nữa bên gia đình”.

Cố gắng “nhịn” về nhà để ở lại làm thêm. Không trở về, Thúy tiết kiệm được chi phí vé máy bay đắt đỏ. Những ngày ấy, cô sinh viên cố gắng nhận hai ca làm việc ở cửa hàng tiện lợi để biến mình trở nên thật bận rộn và không cảm thấy tủi thân.

“Rồi đại dịch ập đến, có những người thân mình mãi mãi không thể gặp lại nữa. Mình nghĩ thời gian ăn Tết cùng gia đình không còn nhiều như mình tưởng”.

Vậy nên, năm nay, khi dịch bệnh đã lắng xuống, Thúy quyết định trở về sum họp với gia đình. Hạnh phúc khi được trở về vào đúng thời điểm Tết cổ truyền, Thúy chia sẻ: “Chắc chắn, mấy ngày Tết tới mình sẽ dành thật nhiều thời gian bên gia đình và bạn bè”.

Sau hai năm dịch bệnh phải đón Tết một mình ở một đất nước xa lạ. Năm nay, Hồng Hạnh (du học sinh tại Nhật Bản) gác lại những công việc bộn bề, trở về sum họp với gia đình. Hạnh tâm sự: “Lúc mới đặt chân đến Nhật Bản, mình hụt hẫng lắm vì không có ai ở bên. Tất cả mọi việc đều phải tự lo lắng. Chưa kể đến khi mới sang, mình còn bị “shock” văn hóa, không hợp khí hậu, không quen đồ ăn. Rồi mình phải tập làm quen với văn hóa và con người nơi đây. Nhưng dù thế nào mình vẫn không thể làm quen với việc ăn Tết mà không có gia đình bên cạnh".

Năm nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, vé máy bay không quá đắt đỏ, các thủ tục đi lại, xuất nhập cảnh trở nên dễ dàng hơn. Vì không thể chịu đựng nỗi nhớ nhà, Hồng Hạnh quyết định trở về đón Tết bên gia đình.

Ba năm không gặp bố mẹ, nhớ những bữa cơm rộn rã tiếng nói, tiếng cười, Hạnh chuẩn bị vali đầy những món quà đặc biệt và trở về Việt Nam mà không đắn đo, suy nghĩ. “Bây giờ những món ăn truyền thống của Việt Nam có ở nhiều nơi, lúc nào cũng có thể mua được nhưng không khí ấm cúng của bữa cơm gia đình thì không thể tìm kiếm ở bất kỳ nơi đâu”.

Hồng Hạnh đã trở về Việt Nam được vài ngày và tranh thủ dạo quanh Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hồng Hạnh đã trở về Việt Nam được vài ngày và tranh thủ dạo quanh Hà Nội. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bí mật trở về mà không báo trước, bố mẹ đón Hạnh bằng một tràng mắng yêu. Nhưng sau tất cả những lời nói ấy, Hạnh biết bố mẹ nhớ và mong ngóng mình trở về nhiều ra sao. Hạnh kể: “Có nhiều lần gọi điện, vì nhớ con quá mà bố mẹ cứ ước giờ mình ở nhà, có gia đình ở cạnh. Giờ thì mình đã yên vị ở Việt Nam, vẫn giữ nhiệm vụ là chân sai vặt của mẹ, mệt nhưng còn được làm “cu li”, còn được nghe mẹ mắng thì còn vui”.

Hạnh sẽ dành vài ngày để tranh thủ đi du lịch với gia đình và đi lang thang khắp phố phường cùng bạn bè. Dù đã về Việt Nam được 2 ngày, nhưng cô gái trẻ vẫn đang lâng lâng cảm giác vui sướng. “Tết này sẽ mua thật nhiều quần áo mới, ăn thật nhiều bánh chưng để lấy động lực học sau khi quay lại Nhật Bản”, Hạnh háo hức.

Tết xa nhà nhưng không cô đơn

Mỗi mùa Tết đến, dù ở đâu với bộn bề công việc, bất cứ ai cũng đều mong ngóng khoảnh khắc được trở về sum họp với gia đình. Cả nhà quây quần bên mâm cơm cuối năm và nhìn lại một năm đã qua. Bữa cơm đoàn viên với đông đủ con cháu đã trở thành một truyền thống đặc trưng của nhiều gia đình Việt. Nhưng với du học sinh, nhất là những người lần đầu đón Tết Nguyên Đán ở nước ngoài, không thể trở về có lẽ là điều hụt hẫng nhất.

Những ngày đầu đặt chân đến một đất nước xa lạ, ai cũng mang trong mình tâm trạng hồi hộp, lo lắng. Rời khỏi vòng tay bao bọc của gia đình, các bạn sinh viên cảm nhận sự đơn độc, lạc lõng. Tủi thân là điều không thể tránh khỏi. Đặc biệt vào mỗi dịp Tết, vừa đi học, vừa đi làm, tối lại trở về với căn phòng nhỏ, trống vắng và cô đơn có lẽ là điều kinh khủng nhất. Thế nhưng, bản thân mỗi du học sinh lại tìm cho mình một cách tự cân bằng riêng.

Hoàng Trang (du học sinh tại Hàn Quốc) chia sẻ: “Đây là năm đầu tiên mình đi du học và chỉ được nghỉ Tết 4 ngày. Thế nên mình chọn ở lại Hàn Quốc. 24 năm ăn Tết với gia đình, năm nay chắc chắn sẽ là một cái Tết rất đặc biệt. Nói không buồn thì là nói dối, vì Tết với bất kỳ ai đều là khoảnh khắc được bên cạnh người thân. Năm nay, mình sẽ có chuyến du lịch đến Busan cùng 2 người bạn nữa. Mong rằng chuyến đi đầu năm này sẽ giúp mình vơi đi cảm giác nhớ nhà”.

Hoàng Trang sinh viên năm nhất Đại học Konkuk sẽ lần đầu đón Tết xa nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hoàng Trang sinh viên năm nhất Đại học Konkuk sẽ lần đầu đón Tết xa nhà. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đã có nhiều năm kinh nghiệm đón Tết xa quê, Hà Mi (du học sinh tại Singapore) tâm sự: “Khó khăn lớn nhất chắc là phải vượt qua cảm giác cô đơn khi nhìn thấy mọi người quây quần bên mâm cơm mà mình lại vắng mặt. Nhưng mấy năm qua, mình đã tập làm quen với cảm giác cô đơn đó".

Để tạm quên đi nỗi nhớ nhà, Mi thường tổ chức một buổi tất niên nho nhỏ cùng với bạn bè. Tất cả sẽ cùng nhau trang trí nhà cửa, tạo ra một không gian nhỏ để chụp ảnh sống ảo, nấu những món ăn truyền thống. Không có hoa đào, hoa mai, cây quất nhưng chắc chắn sẽ không thể thiếu bánh chưng xanh, câu đối đỏ và những phong bao lì xì. Vì vẫn phải đi học và đi làm nên mọi người thường chọn một ngày cận Tết để gặp mặt. Đây luôn là ngày vui nhất trong năm vì có đông đủ bạn bè.

Bận đi học và vướng công việc làm thêm nên du học sinh Việt thường chọn ở lại đất khách. Thêm nữa, vé máy bay dịp Tết cao hơn các dịp khác nên nhiều bạn trẻ chọn lên kế hoạch về nước vào những kỳ nghỉ dài ngày. Tết cô đơn nơi xứ người sẽ nhớ nhà nhưng chọn đi học xa nghĩa là phải chấp nhận những dịp lễ quan trọng không thể trở về.

Chắc chắn sẽ có những giây phút nhớ nhung, có những nỗi buồn và có cả những mong ngóng được trở về. Thế nhưng, sau tất cả những giây phút ấy, mỗi du học sinh sẽ lựa chọn cho mình những cách đón Tết riêng.

Có người sẽ tụ tập cùng bạn bè, có người sẽ tham gia các hoạt động đón Tết cùng hội sinh viên Việt Nam tại nước ngoài. Có người sẽ gọi điện tâm sự, trò chuyện với người thân. Dù ở bất cứ nơi đâu và bằng cách nào, Tết sẽ thật gần nếu trong lòng chúng ta đều hướng về hai chữ “gia đình”.

Hoài Linh