Được truyền cảm hứng từ chiếc khăn Piêu, cô gái Sơn La giành học bổng du học Mỹ

08/01/2023 06:34
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Lò Thảo Vi xuất sắc giành được học bổng Global UGRAD, du học ngành Social Science (Khoa học Xã hội) tại University of North Carolina Wilmington (Mỹ)

Lò Thảo Vi (sinh năm 2002) là người dân tộc Thái, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Sơn La. Hiện tại, nữ sinh đang theo học năm 3 chuyên ngành Quan hệ Quốc tế tại Học viện Ngoại giao.

Trước đó, tháng 9/2021, Thảo Vi nhận được thư trúng tuyển học bổng Global UGRAD và theo học ngành Social Science (Khoa học Xã hội) tại University of North Carolina Wilmington trong khoảng thời gian một kỳ học (kỳ 2 năm 2).

“Em chưa từng có kinh nghiệm nộp hồ sơ xin học bổng nào trước đây nên trong quá trình chuẩn bị để xin học bổng Global UGRAD, em cảm thấy rất lo lắng. Khi biết mình trúng tuyển, cảm xúc của em là bất ngờ, vui sướng vì mọi sự cố gắng, chuẩn bị của mình đã có trái ngọt”, Thảo Vi chia sẻ.

Thảo Vi là cựu học sinh của Trường Trung học phổ thông Chuyên Sơn La. Kể về dự định du học, nữ sinh cho biết bản thân đã luôn muốn được đặt chân đến quốc gia khác, đặc biệt là nước Mỹ. Ngoài mong ước được tiếp thu nền tri thức mới, cũng như rất nhiều bạn trẻ mộng mơ, Thảo Vi lớn lên với thế giới của Disney Channel nên việc được đến một đất nước xa lạ luôn là mong muốn của em.

Khi Thảo Vi học lớp 12, nữ sinh đã cố gắng học tiếng Anh và giành được điểm IELTS 8.0. Lúc đó, câu chuyện du học hệ đại học với Thảo Vi rất khả quan. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình đã khuyên nữ sinh nên hoàn thành chương trình hệ đại học ở Việt Nam và có thể xin học bổng du học thạc sĩ sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, Thảo Vi đã tạm gác lại suy nghĩ đi du học của mình và chọn nộp hồ sơ xét tuyển đại học trong nước.

Nhưng sự ham học hỏi, ước muốn được tiếp cận với nền tri thức ở một đất nước mới là ngọn lửa chưa bao giờ tắt, vì vậy, khi học năm nhất đại học, Thảo Vi đã tự tìm hiểu thông tin về rất nhiều loại học bổng khác nhau ở trên mạng xã hội. Tình cờ biết được học bổng Global UGRAD đang đài thọ toàn bộ chi phí du học, nữ sinh đã ngay lập tức chuẩn bị hồ sơ ứng tuyển.

Thảo Vi xuất sắc giành được học bổng Global UGRAD, du học ngành Social Science tại University of North Carolina Wilmington (Mỹ). Ảnh: NVCC

Thảo Vi xuất sắc giành được học bổng Global UGRAD, du học ngành Social Science tại University of North Carolina Wilmington (Mỹ). Ảnh: NVCC

Vì xác định được mục tiêu mình hướng tới nên Thảo Vi đã dành khoảng 3 tháng để chuẩn bị các loại giấy tờ, hồ sơ cũng như bài luận và thư giới thiệu. Qua tìm hiểu và nghiên cứu kỹ về học bổng, nữ sinh nhận thấy Global UGRAD có bốn tiêu chí chính. Đó là học thuật, khả năng lãnh đạo, hoạt động xã hội và trao đổi văn hóa.

“Trong đó, em thấy ba tiêu chí đầu tiên là quan trọng nhất và ứng viên cần thể hiện được rõ cả ba tiêu chí ấy trong hồ sơ xin học bổng của mình. Em nhanh chóng liệt kê lại tất cả những điều mình đã làm được, sau đó so sánh với các tiêu chí học bổng, chọn lọc ra những hoạt động hay thành tích tiêu biểu nhất để thể hiện trong hồ sơ.

Em nghĩ khó khăn hơn cả đó là tìm cách kết nối tiêu chí học bổng với hồ sơ cá nhân của mình”, Thảo Vi nói.

Về phần viết luận, Thảo Vi cho biết học bổng yêu cầu hai bài luận khác nhau và việc lựa chọn chủ đề viết khiến nữ sinh mất rất nhiều thời gian. Để cạnh tranh được với các ứng viên khác, bài luận của Thảo Vi phải thực sự khác biệt, ấn tượng.

Lúc đó, nữ sinh đã nhớ về câu nói của mẹ mình: “Mẹ mong một ngày, con mang chiếc áo Cóm (áo truyền thống dân tộc Thái) đi khoe với bạn bè quốc tế”. Chính câu nói đã đã thôi thúc Thảo Vi suy nghĩ đến việc viết bài luận về bản sắc riêng của quê hương Sơn La, của dân tộc mình.

“Em là người dân tộc Thái nên ngay từ nhỏ, em đã rất ấn tượng với những mảng màu sắc sặc sỡ trên bộ váy Cóm mẹ thường hay mặc, hay trên chiếc khăn Piêu đặc trưng của đồng bào dân tộc mình. Chính màu sắc đó đã khơi nguồn cảm hứng bất tận để em đặt bút viết lên bài luận. Có lẽ chính vì dấu ấn "dân tộc" đó mà em đã gây được ấn tượng với các giám khảo.

Hơn nữa, từ trước đến nay việc du học hệ đại học đối với các học sinh Sơn La không phổ biến lắm. Vì vậy, em hy vọng mình sẽ có trải nghiệm để chia sẻ được với các bạn nhiều hơn”, Thảo Vi nói.

Thảo Vi cùng bộ trang phục truyền thống (áo Cóm và khăn Piêu) của dân tộc Thái. Ảnh: NVCC

Thảo Vi cùng bộ trang phục truyền thống (áo Cóm và khăn Piêu) của dân tộc Thái. Ảnh: NVCC

Với bài luận thứ hai về chủ đề lãnh đạo, nữ sinh nhấn mạnh, khả năng lãnh đạo giống như xây một "mái ấm". Khi được giao nhiệm vụ lãnh đạo, chúng ta vừa phải là người xây nền, tạo kế hoạch (giống như người bố là trụ cột gia đình) nhưng cũng có lúc cần nhẹ nhàng, lắng nghe nhiều hơn để kết nối mọi người (giống như người mẹ là chỗ dựa tinh thần).

Sau bài luận, Thảo Vi bước vào vòng phỏng vấn diễn ra tại Đại sứ quán Hoa Kỳ. Dù lo lắng và căng thẳng khi chỉ được thông báo trước 3 ngày nhưng nữ sinh đã lên kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng.

Đầu tiên, Thảo Vi tìm kiếm những câu hỏi khó của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới để tham khảo. Sau đó, nữ sinh đã nhờ những người bạn của mình đóng vai ban giám khảo để hỏi những câu hỏi, còn mình sẽ trả lời để luyện tập phản xạ.

Thảo Vi chia sẻ, sau cả một hành trình từ tìm hiểu, chuẩn bị hồ sơ xin học bổng, phỏng vấn thì chướng ngại lớn nhất của Thảo Vi đó là không có kinh nghiệm. Nữ sinh chưa từng nộp hồ sơ xin học bổng nào trước đó và không có người hướng dẫn nên quá trình tự tìm hiểu đến chuẩn bị mất rất nhiều thời gian và cũng không tránh khỏi cảm giác có chút e dè.

Những lúc như vậy, nữ sinh vẫn luôn tự nhủ: bản thân cần cố gắng để có cơ hội mang bản sắc dân tộc đến với bạn bè quốc tế.

“Trải qua một kỳ du học tại Mỹ, em đã học hỏi và mở mang thêm được nhiều tri thức dưới góc nhìn mới. Khoảng thời gian đó là khoảng thời gian vô cùng tuyệt vời!

Hiện tại, dù đã về Việt Nam để tiếp tục hoàn thành chương trình học đại học. Tuy nhiên, chắc chắn em sẽ xin học bổng du học hệ thạc sĩ tại Mỹ hoặc một quốc gia khác.

Theo như tìm hiểu của em, các học bổng hệ thạc sĩ tập trung vào hai tiêu chí đó là kinh nghiệm làm việc và khả năng nghiên cứu khoa học. Chính vì vậy, em đang cố gắng trau dồi, làm “đầy” các tiêu chí này. Tiếp thu nền tri thức ở một đất nước mới, tuy nhiên khát khao được cống hiến cho quê hương Sơn La chưa bao giờ ngừng chảy trong em. Vì vậy, chắc chắn sau khi hoàn thành các chương trình học, em sẽ trở về góp sức xây dựng quê hương!”, nữ sinh nói.

Anh Trang