Dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa thay thế quy định cũ có điểm gì mới?

23/10/2023 06:46
Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Hội đồng lựa chọn sách của các trường do hiệu trưởng thành lập là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT [1] ngày 26/8/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn.

So sánh quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư mới và Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT

Quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư mới Quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT
1. Hội đồng xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông; phân công nhiệm vụ cho các thành viên Hội đồng. 1. Cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn sách giáo khoa.
- Tổ chuyên môn cho giáo viên nghiên cứu, thảo luận và đánh giá và bỏ phiếu kín lựa chọn ít nhất 01 sách giáo khoa cho mỗi môn học.
- Cơ sở giáo dục phổ thông họp với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn và đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc lựa chọn sách giáo khoa.
2. Căn cứ vào kế hoạch của Hội đồng và tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, tổ trưởng tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch tổ chức lựa chọn sách giáo khoa cho từng môn học được cơ cấu trong tổ chuyên môn, báo cáo người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông trước khi thực hiện. 2. Phòng Giáo dục và Đào tạo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông lựa chọn.
Tổ chức cho toàn bộ giáo viên môn học của cơ sở giáo dục phổ thông tham gia lựa chọn sách giáo khoa của môn học đó.
Chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn, Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức cho giáo viên môn học nghiên cứu các sách giáo khoa của môn học, viết phiếu nhận xét, đánh giá các sách giáo khoa môn học theo các tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa.
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổ chức họp với các giáo viên môn học để thảo luận, bỏ phiếu lựa chọn 01 sách giáo khoa cho môn học đó: Sách giáo khoa được lựa chọn bảo đảm có từ 1/2 (một phần hai) số giáo viên trở lên bỏ phiếu lựa chọn.
Tổ trưởng tổ chuyên môn tổng hợp kết quả, lập danh mục sách giáo khoa do tổ chuyên môn lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và người được phân công lập danh mục lựa chọn sách giáo khoa.
3. Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá việc tổ chức lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; thẩm định biên bản họp của tổ chuyên môn, các phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa của giáo viên; tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn thành biên bản, biên bản có chữ ký của Chủ tịch và Thư kí Hội đồng. 3. Sở Giáo dục và Đào tạo chuyển giao cho Hội đồng danh mục sách giáo khoa được các cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự sách giáo khoa có số cơ sở giáo dục phổ thông đề xuất lựa chọn từ cao xuống thấp.
4. Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông tư này. 4. Hội đồng tổ chức lựa chọn sách giáo khoa:
- Chủ tịch Hội đồng giao các thành viên Hội đồng nghiên cứu, nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí lựa chọn trong thời gian ít nhất là 07 ngày trước phiên họp đầu tiên của Hội đồng.
- Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.
- Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa thành biên bản, có chữ ký của các thành viên Hội đồng dự họp, chuyển giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo.
5. Cơ sở giáo dục phổ thông lập hồ sơ lựa chọn sách giáo khoa gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở), Sở Giáo dục và Đào tạo (đối với cấp trung học phổ thông). 5. Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.
6. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương; chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo danh mục sách giáo khoa được phê duyệt đến các cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương trước ngày 30/4 hàng năm. 6. Căn cứ vào kết quả lựa chọn sách giáo khoa của các Hội đồng do Sở Giáo dục và Đào tạo trình, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.

Một số điểm mới của dự thảo Thông tư lựa chọn sách giáo khoa

Bảng so sánh quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư mới và Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT cho thấy:

Thứ nhất, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của các trường do hiệu trưởng thành lập, mỗi trường là một hội đồng.

Còn Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT quy định "Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa".

Việc để Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tỉnh quyết định chọn sách giáo khoa được dư luận xã hội cho là tạo ra bất cập như có thể tạo thế độc quyền về sách giáo khoa ở địa phương hay người dạy và người học chưa thực sự được chọn sách.

Liên quan đến việc chọn sách giáo khoa, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội tại Quốc hội ngày 1/6/2023, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng "có tình trạng thiếu minh bạch, khách quan, thiếu tôn trọng ý kiến của giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh trong việc chọn sách giáo khoa". [2]

Vì vậy, bà đã đề xuất giao cho các nhà trường, giáo viên quyền lựa chọn sách, thay vì Ủy ban nhân dân tỉnh cấp tỉnh.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có văn bản (Công văn số 2706/BGDĐT) trả lời nội dung liên quan của đại biểu quốc hội đã nêu. Trong đó khẳng định, Thông tư 25 bảo đảm công tâm, khách quan, minh bạch, tôn trọng ý kiến đề xuất của các cơ sở giáo dục. [3]

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý tiếp tục phản hồi Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong đó cho rằng về vấn đề lựa chọn sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa giải thích tính hợp lý của quy định tại Thông tư 25:

“Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học. Quy định này sẽ dẫn đến mâu thuẫn giữa các quy định (khoản 1, 2 và 3 Điều 8, cơ sở giáo dục phổ thông phải tổ chức xét chọn rất công phu nhưng toàn bộ kết quả lựa chọn có thể bị một hội đồng chỉ gồm 15 người bác bỏ nếu toàn tỉnh (toàn thành phố) sử dụng một quyển sách giáo khoa cho một môn học thì thuận tiện hơn cho cơ quan chỉ đạo".

Dự thảo Thông tư nêu rõ, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa bao gồm hiệu trưởng, hiệu phó, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên, đại diện ban phụ huynh, theo tôi là hợp lí.

Thứ hai, quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư cho thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cao vai trò của tổ trưởng chuyên môn và giáo viên bộ môn.

Như thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe và tôn trọng ý kiến của giáo viên trong việc lựa chọn sách giáo khoa mới.

Thực tiễn dạy học cũng cho thấy, đặc điểm của học sinh các vùng miền không giống nhau cũng như điều kiện về cơ sở vật chất, điều kiện kinh tế của các địa phương cũng khác nhau.

Hơn ai hết, giáo viên là người nắm bắt rất rõ tâm lý, năng lực của từng học sinh và là người tiếp cận trực tiếp các bộ sách giáo khoa, vì vậy thầy cô sẽ chọn lọc những nội dung kiến thức phù hợp để giảng dạy cho các em.

Có thể khẳng định, giáo viên chính là kênh tham mưu rất tốt cho Sở/Phòng Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đưa ra quyết định lựa chọn sách giáo khoa sáng suốt nhất.

Thứ ba, tôi thấy quy trình lựa chọn sách giáo khoa theo dự thảo Thông tư khá chặt chẽ:

(1) Hội đồng xây dựng kế hoạch; (2) tổ trưởng chuyên môn xây dựng kế hoạch lựa chọn sách giáo khoa; (3) Hội đồng đánh giá việc lựa chọn sách giáo khoa của các tổ chuyên môn; (4) Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa; (5) Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định.

Nội dung dự thảo Thông tư quy định giáo viên có một khoảng thời gian khá dài (chậm nhất 15 ngày trước phiên họp đầu tiên của tổ chuyên môn) để đọc, nghiên cứu, viết phiếu nhận xét, đánh giá sách giáo khoa theo các tiêu chí.

Thứ tư, dự thảo Thông tư bỏ nội dung: "Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá sách giáo khoa; bỏ phiếu kín lựa chọn một hoặc một số sách giáo khoa cho mỗi môn học".

Thay vào đó là nội dung: "Hội đồng đề xuất với người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông danh mục sách giáo khoa đã được các tổ chuyên môn lựa chọn đúng theo quy định tại Thông tư này (dự thảo)".

Thứ năm, theo dự thảo, "Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng danh mục sách giáo khoa được phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương" là điểm mới, nhằm giúp học sinh và phụ huynh chủ động trong việc mua sách giáo khoa vào đầu năm học.

Thứ sáu, trong quá trình sử dụng, nếu có kiến nghị của giáo viên, học sinh và phụ huynh, các trường đề xuất Phòng/Sở Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh, bổ sung danh mục sách - đây cũng là điểm mới của dự thảo Thông tư.

Bạn đọc có thể xem toàn văn dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên TẠI ĐÂY.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-25-2020-tt-bgddt-quy-dinh-lua-chon-sgk-trong-co-so-giao-duc-pho-thong-189806-d1.html

[2] https://tienphong.vn/lo-ngai-ve-quy-trinh-lua-chon-sach-giao-khoa-post1541634.tpo

[3] https://www.sggp.org.vn/tranh-luan-voi-bo-truong-gd-dt-db-nguyen-thi-kim-thuy-kip-in-sach-giao-khoa-truoc-nam-hoc-moi-con-kho-post692605.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Thế Hoài