Đức Giáo hoàng Tòa thánh Vatican Francis và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. |
Bưu điện Hoa Nam ngày 19/8 đưa tin, Đức Giáo hoàng nói rằng ông muốn tới thăm Trung Quốc càng sớm càng tốt, thể hiện mong muốn của Vatican hàn gắn mối quan hệ với Bắc Kinh đã bị phá vỡ từ hơn nửa thế kỷ trước.
"Tôi muốn đi đến Trung Quốc, tất nhiên ngay cả vào ngày mai", Đức Giáo hoàng Francis nói với một nhóm phóng viên tháp tùng ông tới Hàn Quốc và bay trở lại châu Âu hôm Thứ Hai.
"Tôi đã cầu nguyện rất nhiều cho những người Trung Quốc đẹp đẽ và cao quý. Tôi nghĩ về lịch sử khoa học và trí tuệ, thậm chí chúng tôi có một lịch sử dòng Tên ở đó". Giáo hoàng cho biết.
Đức Giáo hoàng Francis 77 tuổi, là linh mục dòng Tên đầu tiên được bầu vào ngôi vị Giáo hoàng Vatican. Các thành viên của cộng đoàn tôn giáo nổi bật nhất là Matteo Ricci vào thế kỷ 17 đã nhiều năm đóng vai trò quan trọng trong việc truyền bá đức tin Công giáo ở Trung Quốc.
Bắc Kinh đã phá vỡ quan hệ ngoại giao với Vatican vào năm 1951, mặc dù Công giáo là một trong 5 tôn giáo được công nhận ở Trung Quốc. Hiệp hội Công giáo yêu nước Trung Quốc hoạt động độc lập với Tòa thánh và giám mục Trung Quốc không phải do Vatican phong.
Phát biểu của Giáo hoàng là dấu hiệu mới nhất cho thấy cả 2 bên đang nhen nhóm lại quan hệ. Trung Quốc đã chúc mừng Đức Giáo hoàng về việc trúng cử hồi tháng 3 năm ngoái. Đức Giáo hoàng cũng chúc mừng ông Tập Cận Bình sau 1 ngày ông được bầu làm Chủ tịch nước.
Tuần trước Trung Quốc cho phép máy bay chở Giáo hoàng đi qua lãnh thổ của họ trên đường sang Hàn Quốc, không giống như người tiền nhiệm Gioan Phaolo II đã phải tránh Trung Quốc bay vòng quanh nước này trong chuyến đi Philippines vào năm 1995.
Giáo hoàng đã gửi điện cảm ơn và những lời chúc tốt đẹp tới ông Tập Cận Bình khi đi qua không phận Trung Quốc. Trước khi trở lại châu Âu, ông nói với các giám mục của khu vực vào ngày Chủ Nhật rằng giáo hội không nên tìm kiếm chuyện chính trị, mà nên tập trung vào đối thoại anh em trong khu vực.
"Trong tinh thần của sự cởi mở với những người khác, tôi tha thiết hy vọng rằng quốc gia lục địa của các bạn và người của Tòa thánh vẫn chưa tận hưởng được một mối quan hệ đầy đủ có thể không ngần ngại để tiếp tục một cuộc đối thoại vì lợi ích của tất cả", ông nói.