Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang xây dựng Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện và lấy ý kiến đóng góp tổng hợp từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và khách hàng để báo cáo Bộ và Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đề án này sẽ nghiên cứu, cải tiến và đề xuất cơ cấu biểu giá điện mới đồng thời là bước tiếp theo đưa giá điện vận hành theo cơ chế thị trường.
(Ảnh minh họa: Ngọc Hà/TTXVN) |
Trên thực tế, nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện cần phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước là điều hành giá bán điện theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước thực hiện hỗ trợ tiền điện trực tiếp cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội.
Trước mắt, trong ngắn hạn theo EVN cần nghiên cứu cải tiến biểu giá bán lẻ điện cho sinh hoạt trên cơ sở thiết kế các bậc thang nhằm đảm bảo giá bán điện cao hơn giá thành sản xuất kinh doanh điện, đảm bảo thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản trị doanh nghiệp, đảm bảo nâng cao tính công khai, minh bạch trong thực hiện giá điện, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả và công bằng đồng thời giảm bù chéo giữa các đối tượng khách hàng.
Trên cơ sở đó, Đề án đề xuất cải tiến, sắp xếp lại biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án, trong đó, phương án 1 giữ nguyên 6 bậc như hiện hành.
Ưu điểm của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang với sản lượng điện sử dụng càng cao sẽ ứng với mức giá điện càng cao hơn nên khuyến khích các hộ sử dụng điện tiết kiệm, đồng thời đảm bảo hỗ trợ đối với khách hàng là hộ nghèo và hộ thu nhập thấp.
Bên cạnh việc hỗ trợ tiền điện 30.000 đồng/tháng từ ngân sách đối với hộ nghèo, biểu giá điện hiện hành còn bổ sung đối tượng hỗ trợ từ ngân sách đối với hộ chính sách xã hội (không thuộc hộ nghèo) sử dụng không quá 50 kWh/tháng. Hộ chính sách xã hội sử dụng trên 50 kWh/tháng sẽ không được hỗ trợ.
Biểu giá điện hiện hành còn áp dụng giá điện thống nhất toàn quốc cho các nhóm khách hàng sử dụng điện tại nông thôn, miền núi, biên giới hải đảo khu vực chưa nối lưới điện Quốc gia để ổn định cuộc sống của người dân, góp phần bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc.
Tuy nhiên, theo Đề án, biểu giá sinh hoạt có nhiều bậc thang đã gây phức tạp trong thanh toán tiền điện với khách hàng. Tiền điện thanh toán mỗi tháng phụ thuộc vào lượng điện sử dụng của khách hàng.
Cụ thể lượng điện sử dụng càng cao áp ở mức giá cao ngược với logic tiêu dùng hàng hóa thông thường là càng mua nhiều càng rẻ, dễ làm cho khách hàng khó hiểu, khó kiểm tra, theo dõi dẫn đến khó thông cảm.
Cũng do nhiều nấc thang nên việc ghi chỉ số côngtơ nếu không cẩn trọng dễ gây ra sai sót khi thanh toán số lượng tiền điện, tạo dư luận trong xã hội.
Phương án 2 quy định một mức biểu giá điện sinh hoạt (đồng giá) là 1.747 đồng/kWh. Đây là mức giá bán điện bình quân của biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện hành.
Đối với phương án đồng giá, các hộ sử dụng dưới 240kWh/tháng sẽ bị tác động tăng tiền điện phải trả hàng tháng; trong đó, mức tác động thay đổi theo mức dộ sử dụng điện của các hộ, hộ bị tác động cao nhất là hộ sử dụng 100kWh/tháng, sau đó, mức tăng giảm dần và điểm hòa không bị tác động là sử dụng từ 240,3kWh/tháng.
Các hộ sử dụng trên 240kWh/tháng là các hộ được hưởng lợi. Điều này sẽ trở thành nghịch lý với chủ trương của Đảng và Nhà nước khi thực hiện chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, hải đảo, nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân vùng sâu vùng xa.
Chỉ riêng địa bàn 27 tỉnh miền Bắc do Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc quản lý đã có tới 30% hộ sử dụng dưới 240 kWh/tháng. Thực hiện phương án đồng giá tác động nhiều đến tầng lớp người nghèo, người thu nhập thấp do vậy cần tính toán cụ thể. Hơn nữa, áp lực tiết kiệm điện ở phương án đồng giá không cao.
Phương án 3 rút gọn biểu giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc. Phương án này EVN phân thành 5 kịch bản.
Với số kWh ở mỗi bậc thang đều có kịch bản tương ứng. Cụ thể, kịch bản 1 là 50kWh- 250kWh-trên 300kWh; kịch bản 2 là 100kWh-200kWh-trên 300kWh; kịch bản 3 là 150kWh-150kWh-trên 300kWh; kịch bản 4 là 200kWh-200kWh-trên 400kWh và kịch bản 5 là 50kWh-150kWh-200kWh và trên 400kWh. Trong cả 5 kịch bản, đều phải xem xét kỹ lưỡng khi điều chỉnh giá điện đối với nhóm là hộ nghèo.
Ưu điểm của phương án này là khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm. Khách hàng sử dụng càng nhiều điện trong tháng càng thanh toán tiền điện với giá cao hơn. Tuy nhiên việc ghi chỉ số côngtơ tác động đến thanh toán tiền điện với số lượng kWh ở nấc thang cao hoặc vào mùa nắng nóng sử dụng nhiều điện thì tiền điện thanh toán có tốc độ tăng cao hơn lượng điện sử dụng.
Theo EVN, khi rút gọn còn 3 bậc thang hoặc 4 bậc thang thì những tồn tại này vẫn còn hiện hữu trong đó, với phương án rút gọn biểu giá về 3 bậc thang (kịch bản 2), các hộ sử dụng 50kWh và 100kWh/tháng bị tác động không đáng kể.
Thực hiện phương án này, những hộ bị tác động tăng giá điện chủ yếu là những hộ gia đình sử dụng điện trung bình từ 107kWh/tháng đến 233,88kWh/tháng.
Với phương án rút gọn biểu giá về 4 bậc thang (kịch bản 5), các hộ sử dụng đến 50kWh/tháng không bị tác động. Các hộ bị tác động tăng tiền điện sử dụng ở các mức từ trên 50kWh-100kWh và 300kWh/tháng.
Với các phương án rút gọn biểu giá bậc thang chỉ là cách tổng hợp lại các hộ sử dụng điện sinh hoạt bù trừ khoản tăng lên hay giảm đi giữa các hộ nhưng doanh thu của bên bán điện sinh hoạt không thay đổi.
Điện là loại hàng hóa đặc biệt và là một trong số ít sản phẩm đến nay vẫn do Nhà nước định giá. Vì vậy, việc điều chỉnh giá điện phải thực hiện theo cơ cấu biểu giá điện do Thủ tướng Chính phủ quy định.
Cơ cấu biểu giá điện hiện hành được Chính phủ ban hành từ ngày 1/6/2014 tuy phù hợp với thị trường phát điện cạnh tranh nhưng khi thị trường chuyển tiếp sang bán buôn thí điểm cạnh tranh đã xuất hiện một số khiếm khuyết, bất cập cần thiết phải nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.
Vì vậy trong dài hạn, EVN sẽ nghiên cứu cải tiến đồng bộ, toàn diện cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho sản xuất, kinh doanh, hành chính sự nghiệp, sinh hoạt để phù hợp với các bước triển khai thị trường điện bán buôn cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh./.