Dự báo bão số 2 (có tên quốc tế là Talas) sẽ có mưa lớn ở Bắc Bộ và các tỉnh Bắc Trung Bộ, có khả năng gây ngập úng tại các khu đô thị, các thành phố lớn có nguy cơ xuất hiện như: Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thanh Hóa, Vinh (Nghệ An), Hà Tĩnh.
Theo dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, trong và sau bão số 2, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở vùng trũng có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, đặc biệt một số tỉnh như: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Các thành viên của EVN luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó nhanh nhất với thiên tai. ảnh: evn. |
Thực hiện chỉ đạo trong Công điện số 18/CĐ-TW ngày 14/7/2017 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, tại văn bản số 3197/EVN-AT, ngày 15/7, EVN yêu cầu các đơn vị khẩn trương thực hiện các công việc sau:
1. Thường xuyên theo dõi các thông tin cập nhật của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương (địa chỉ website: www.kttv.gov.vn) để chủ động có các phương án ứng phó kịp thời.
2. Triển khai phương án phòng chống để đối phó với áp thấp nhiệt đới, bão, xử lý kịp thời các tình huống, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn cho nhân dân, chuẩn bị đầy đủ người, phương tiện để khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra.
3. Các đơn vị quản lý lưới điện tăng cường kiểm tra để sớm phát hiện khu vực có khả năng sạt lở đất, ảnh hưởng đến cột, đường dây, trạm điện và có phương án xử lý kịp thời.
4. Các Tổng công ty Điện lực: Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đảm bảo cung cấp điện an toàn và ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra, đảm bảo cấp điện an toàn và nhanh nhất cho các phụ tải quan trọng, các trạm bơm tiêu úng, các công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn;
Phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cung cấp điện dự phòng cho các phụ tải quan trọng khi mất nguồn điện lưới;
Chỉ đạo các Công ty cổ phần thủy điện trực thuộc rà soát kiểm tra công trình, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thuỷ văn, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ, thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa và vùng hạ du.
5. Các công ty thủy điện kiểm tra công trình, hồ, đập, nguồn điện dự phòng, theo dõi sát tình hình thủy văn, mưa lũ, lượng nước về hồ, vận hành hồ chứa theo quy trình, phối hợp chặt chẽ , báo cáo và thông báo kịp thời, đúng quy định cho các địa phương và cơ quan liên quan, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị, công trình, hồ chứa, vùng hạ du.
6. Các công ty nhiệt điện tăng cường kiểm tra hệ thống mái che, hệ thống thoát nước mặt, kho nhiên liệu, bãi thải xỉ đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy, không ảnh hưởng đến môi trường.
7. Các Ban Quản lý dự án kiểm tra công trường, theo dõi sát diễn biến mưa bão, tổ chức phòng, chống, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị và công trình.
8. Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, tăng cường kiểm tra công tác chuẩn bị phòng, chống và xử lý ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ, báo cáo các nội dung liên quan về Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam vào 07h30 và 15h00 hàng ngày (Fax: 04.66946394, email: banantoan@evn.com.vn) và cập nhập báo cáo, số liệu vào Trang thông tin phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn EVN (http://phongchongthientai.evn.com.vn).
Tại các địa phương lúc này, đơn vị thành viên của EVN đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống khi bão số 2 ập về.
Ông Vũ Hữu Phúc – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Trung Sơn (tại tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Theo dự báo, bão số 2 tác động đến khu vực Thủy điện Trung Sơn không nhiều do nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Tuy nhiên, công ty không chủ quan với những diễn biến bất thường của thời tiết.
Bên cạnh việc chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực trên công trình theo tinh thần “4 tại chỗ”, công ty đã phân công cụ thể cho Ban lãnh đạo Công ty ứng trực 24/24h trên công trường từ ngày 15/7; phối hợp và yêu cầu các nhà thầu trên công trường phải đảm bảo an toàn con người, thiết bị, vật tư, máy móc trong đợt bão này.
Ông Phúc cho biết, tính đến 16h ngày 16/7, hồ Thủy điện Trung Sơn đang ở cao trình 154,25 mét và còn khoảng 6 mét nữa đến mực nước dâng bình thường (160 mét).
Như vậy khả năng phòng lũ và cắt lũ vẫn rất lớn, trong khi đó lưu lượng nước về hồ đang là 680 m3/s thấp hơn nhiều so với tuần trước.
Ông Nguyễn Văn Thú – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ (tại tỉnh Nghệ An) cho biết: Công ty đã phân công 1 Phó Giám đốc trực tiếp chỉ huy trên công trường và đội xung kích phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của công ty gồm 70 người có mặt tại công trường sẵn sàng đáp ứng ở mức cao nhất khi có yêu cầu.
Tại khu vực nhà máy các thiết bị vật tư dự phòng, nguồn điện tự dùng được kiểm tra kỹ, máy diesel được chuẩn bị sẵn sàng trong tình huống nguồn điện tự dùng có sự cố sẽ được thay thế ngay. Công ty cũng đã chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nước uống trong 4 ngày để ứng phó với bão lũ.
Theo ông Thú, hiện tại lưu lượng nước về hồ không cao, hiện khoảng 300 m3/s, và theo dự báo trong những ngày bão lưu lượng nước về hồ trung bình 500 m3/s và cao nhất có thể lên tới 700 m3/s.
Trong khi đó mực nước hiện tại của hồ là 170,7 mét và còn hơn 29 mét nữa mới đến mực nước dâng bình thường (200 mét). Như vậy với lưu lượng nước về như trên, gần như Thủy điện Bản Vẽ sẽ không phải xả lũ.
Ông Thú cho biết thêm: “Trên thực tế, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ hơn, tính tới các phương án xả lũ nếu lưu lượng nước về cao để đảm bảo an toàn cho công trình.
Sáng ngày 16/7, công ty đã có buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Tương Dương (Nghệ An) và các xã hạ du của thủy điện nhằm phổ biến kế hoạch vận hành nhà máy cũng như đưa ra phương án tuyên truyền cho bà con hạ du. Với sự chuẩn bị đó, chúng tôi tin tưởng vận hành an toàn nhà máy trong bão số 2”.
Một đơn vị khác cũng nằm trong khu vực bão đi qua là Công ty Truyền tải điện 1, đơn vị quản lý vận hành lưới điện truyền tải từ Hà Tĩnh trở ra cũng đã sẵn sàng cho mọi tình huồng.
Ông Nguyễn Hữu Long – Phó giám đốc phụ trách Công ty truyền tải điện 1 cho biết: Ngay trong sáng 16/7, công ty đã phân công 1 Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật – an toàn trực tiếp vào tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh để trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó.
Công ty và các đơn vị trực thuộc đã lập kế hoạch các công việc cụ thể, lập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phương án thông tin liên lạc trong năm 2017 và trong đợt ứng phó với cơn bão số 2 này. Riêng đối với các đơn vị có các vị trí, có nguy cơ sạt lở, địa chất yếu, cột yếu, vùng có khả năng bị chia cắt…
Ngoài phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chung theo quy định, công ty truyền tải điện 1 còn yêu cầu các đơn vị lập phương án ứng phó đặc thù, phương án ứng phó sự cố lớn riêng tại từng vị trí, trong đó lưu ý các đơn vị bố trí phương tiện dụng cụ chằng néo, con người, lương thực thực phẩm, điều động nhân lực vật tư hỗ trợ giữa các đơn vị… để tăng cường, đáp ứng phương châm 4 tại chỗ trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ông Long cho biết, đối với tất cả những vị trí cột xung yếu, sạt lở do ảnh hưởng của mưa bão năm 2016 đã được công ty củng cố và khắc phục trước mùa mưa bão năm nay.
Những trạm biến áp có nguy cơ ngập úng nếu mưa lớn kéo dài đã được công ty tính toán đến và có phương án chuẩn bị như đào hệ thống kênh rạch, lắp đặt cửa chắn nước, khơi thông cống thoát nước quanh khu vực… để dảm bảo vận hành lưới điện truyền tải được tốt nhất.
Công ty và các đội truyền tải, các trạm biến áp đang ứng trực 24/24h và thường xuyên theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những diễn biến của bão để chủ động, kịp thời phòng chống, đặc biệt là những vùng có ảnh hưởng trực tiếp của bão như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.