Nikkei Asian Review ngày 12/4 đưa tin, các Ngoại trưởng 7 nước công nghiệp phát triển còn gọi là G-7 nhóm họp tại Hiroshima, Nhật Bản đều phản đối việc Trung Quốc leo thang quân sự hóa Biển Đông. Một số khẳng định rằng Trung Quốc phải chấp nhận bất kỳ phán quyết nào của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ kiện của Philippines.
Các Ngoại trưởng tham dự cuộc họp G-7 tại Hiroshima, Nhật Bản, ảnh: news.usa.extra.hu. |
Nhưng châu Âu không liên quan nhiều đến nguy cơ xung đột ở Biển Đông bởi vấn đề địa lý, địa chiến lược thì dường như không chia sẻ hoàn toàn lo lắng về một cuộc khủng hoảng ở Biển Đông với Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã đến thăm Trung Quốc trước khi đi dự hội nghị Ngoại trưởng G-7 ở Nhật Bản. Ông đã đến trễ vì lý do trục trặc máy bay nên không thể tham gia thảo luận về Biển Đông với các đồng nghiệp G-7 tối Chủ Nhật vừa qua. Nhật Bản và Mỹ dẫn đầu các cuộc thảo luận này.
Bất đồng còn xuất hiện trong nội bộ G-7 xung quanh vấn đề đối thoại với Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Anh Philipp Hammond, Ngoại trưởng Canada Stephane Dion lập luận rằng, Nga phải dùng ảnh hưởng của mình để kiềm chế phe nổi dậy theo Moscow ở miền Đông Ukraine.
Một người đề xuất các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Moscow, Washington đưa ra một đường lối cứng rắn chống lại Nga. Nhưng Berlin và Paris muốn tiếp cận với Nga bằng nhiều cấp độ, do hai nước này gần với Nga và phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga.
Ngoại trưởng Đức và Pháp khẳng định rằng, đối thoại cần phải là một phần của chương trình làm việc với Tổng thống Vladimir Putin.
Ngoại trưởng nước chủ nhà Fumio Kishida thì tự kiềm chế không tham gia vào vấn đề này, nhưng do muốn giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Nga có thể thấy lập trường của Tokyo gần với Berlin và Paris hơn. Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến thăm Nga đầu tháng tới.