Sau khi Báo Giáo dục Việt Nam đăng loạt bài sự thật về gã ăn mày có mức thu nhập khủng ở ngã tư Tôn Đức Thắng – Cát Linh (Hà Nội), đoạn gần cổng Văn Miếu Quốc Tử Giám, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ trước thông tin này đồng thời không giấu nổi sự thất vọng khi lòng tốt của mình bị lợi dụng một cách không thương tiếc.
PGS, TS. Trịnh Hòa Bình (Ảnh: VTC) |
Trao đổi nhanh với Giáo dục Việt Nam, PGS, TS. Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội (Viện Xã hội học) cho rằng: “Không chỉ có một trường hợp như nam thanh niên kia mà còn có rất nhiều người khác đang lợi dụng lòng tốt của mọi người mà giả nghèo khổ, sẵn sàng hạ thấp danh dự của mình đi ăn xin.
Thực ra ở đây, ngoài chuyện liêm sỉ của những kẻ giả dối đó thì đằng sau tất cả đó là một sự lừa dối. Những hành động đó đánh vào lòng thương cảm của mọi người, lừa dối mọi người không cần liêm sỉ để kiếm lợi. Nhiều người giả ăn xin sau khi về nhà đã thầm phán hoặc là cười ha hả rằng hôm nay vớ được “con gà” cho nhiều tiền".
Lý giải nguyên nhân của hành động này, ông Bình nói: “Nhân cách của những người đó xuất phát từ động cơ vị kỷ không muốn lao động mà vẫn muốn thu nhập cao. Hành động đó đã đánh trúng vào lòng trắc ẩn của mọi người. Nhưng thực tế cho thấy không phải người nào cũng bị mủi lòng về chuyện đó.
Gã ăn xin trong bộ quần áo rách rưới và đôi chân bị bỏng, lở loét, bốc mùi... |
Có thể trong cuộc đời những người giả đói khổ, tàn tật để đi ăn xin, họ đã thấy nhiều người giả dối trước đó mà vẫn bình an vô sự, kiếm được nhiều tiền. Trong vấn đề này, nhiều người đổ lỗi cho giáo dục trong gia đình, giáo dục nhân cách nhưng dấu ấn cá nhân về một tinh thần vị kỷ là rất đậm nét”.
Ông Bình đánh giá: “Đó là một hành vi rất xấu, không chỉ là phi chuẩn mực mà nó còn cho thấy một động cơ thấp hèn của những người lười biếng lao động gia nhập một “đội quân lừa dối”.
Một hình ảnh khác của gã ăn xin gần Văn Miếu - Quốc Tử Giám |
Đối với các hành vi lừa dối như vậy thì con đường dẫn đến phạm tội cũng không bao xa bởi lừa dối lớn cũng là một tội ác, hành động không theo chân, thiện, mỹ. Thêm nữa, hành vi của những người như thế này dẫn đến sự vô cảm tràn lan trong xã hội vì nhiều người sợ bị nhầm lẫn”.
Trước hành vi giả tàn tật để đi ăn xin, ông Trịnh Hòa Bình cho biết: “Có thể xử phạt những người như nam thanh niên giả tàn tật để đi ăn xin theo lỗi gây rối trật tự công cộng. Với tác dụng răn đe là như vậy nhưng trong xã hội ta không phải một chốc, một lát là có thể thay đổi được hiện tượng xấu này”.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Tuệ Minh