Ngày 12/7/2018, tại Hà Nội, Cục Trẻ em (Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổ chức ChildFund Việt Nam (ChildFund), Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD), Trung tâm Công nghệ thông tin - Truyền thông Vietnet (Vietnet - ICT) tổ chức Hội thảo "Xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" với sự tài trợ của Microsoft, Quỹ SecDev Foundation và Quỹ UN.
Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, đại diện các tổ chức quốc tế hoạt động về lĩnh vực trẻ em tại Việt Nam.
Theo Báo cáo tình hình trẻ em thế giới năm 2017 của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, internet trở thành người bạn không thể thiếu với cả người lớn và trẻ em, cứ 3 người sử dụng internet trên toàn thế giới thì có một trẻ em.
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, bên cạnh những mặt tích cực mà internet mang lại, trẻ em phải đối mặt với rất nhiều rủi ro trên môi trường mạng.
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh: LC) |
Theo kết quả khảo sát "Những trải nghiệm không mong muốn khi sử dụng Internet" do Trung tâm Sáng kiến Sức khoẻ và Dân số (CCIHP) và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện năm 2014, gần 36,5% số trẻ trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực.
Hơn 13% buộc phải tiếp xúc không mong muốn với tài liệu khiêu dâm. Gần 16% trẻ gặp hành vi dụ dỗ tình dục qua mạng.
Trong khi đó, 2% trẻ em nhận được yêu cầu tiết lộ thông tin cá nhân, hình ảnh không mong muốn.
Phát biểu khai mạc, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em khẳng định cùng với các quyền của trẻ em ngày càng được tôn trọng và cam kết thực hiện, thế giới ngày nay vẫn và sẽ còn những nguy cơ xâm hại trẻ em.
Do đó, các quyền được bảo vệ, được an toàn của trẻ em – cả trên môi trường mạng - cần được quan tâm và bảo đảm hơn nữa vì trẻ em chính là lớp công dân kiến tạo thế giới số.
Mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng chính là môi trường để trách nhiệm và mối quan tâm của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và giới truyền thông được thực hiện rõ rệt và cụ thể hơn.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em phát biểu tại hội thảo (Ảnh: LC) |
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng mạng lưới bảo vệ trẻ em, ông Michael Gray, Giám đốc chương trình quỹ Sec Dev từ Canada chia sẻ:
“Việc kết nối mạng lưới bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là hoạt động rất thức thời và hợp xu hướng từ phía các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Trong thời đại công nghệ số phát triển rộng rãi và len lỏi tới mọi ngóc ngách của cuộc sống, chỉ có cách tiếp cận phối hợp đa bên, đa ngành là phương thức tối ưu để có thể bao phủ giải quyết nhiều vấn đề một lúc liên quan đến bảo vệ trẻ em từ phòng ngừa, can thiệp, tới hỗ trợ”.
Cố vấn xây dựng chuyên môn và kỹ thuật cho mạng lưới, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững cho rằng sáng kiến mạng lưới là một sáng kiến phù hợp xu hướng.
Bà Linh cũng cho rằng việc này sẽ thúc đẩy và tạo điều kiện giúp trẻ em – tương lai của chúng ta có thể thích ứng, được trao quyền để làm chủ công nghệ, là các công dân số có tri thức, kỹ năng và được bảo vệ
Đại diện Cục Trẻ em cũng đề nghị các cơ quan truyền thông quan tâm hơn nữa việc kiểm tra, xác minh thông tin trước khi truyền thông.
Kể cả pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, chúng ta đã có khung pháp lý chặt chẽ để bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em và mục tiêu cuối cùng cần hướng đến là bảo vệ an toàn cho trẻ nhỏ, đảm bảo trẻ lớn lên trong một môi trường lành mạnh, không có bất kỳ nguy cơ hay rủi ro nào.
Theo các chuyên gia, mỗi chủ thể khác nhau có vai trò bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng riêng, song, về cơ bản, cần lưu ý: Đối với trẻ em, cần có kỹ năng để bảo vệ mình trên mạng xã hội như không nên nói chuyện với người lạ trên internet, không nên cung cấp cho người khác thông tin cá nhân, gia đình...
Đối với phụ huynh, nên cài đặt "chế độ trẻ em" trên các thiết bị có truy cập internet; không nên chia sẻ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật gia đình, tình trạng gia đình, con cái, họ tên, các địa chỉ, điện thoại, các mối quan hệ, hoàn cảnh... một cách công khai trên internet.
Hỗ trợ, giám sát việc truy cập internet của con cái tránh khỏi các nguy hiểm do các tương tác trên môi trường mạng mang lại. Đối với các nhà cung cấp dịch vụ, cần tăng cường việc đặt ra các tiêu chuẩn bảo vệ trẻ em tốt hơn.
Các đại biểu thảo luận tại hội thảo (Ảnh: BTC) |
Xác minh độ tuổi truy cập vào các trang dịch vụ chỉ dành cho người lớn. Có những hành động can thiệp kịp thời đối với các hoạt động khiêu dâm trẻ em trên mạng qua các dịch vụ video/hình ảnh trực tuyến.
Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, cần ban hành các hướng dẫn bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em một cách toàn diện hơn, không chỉ là bảo vệ trên mạng.
Trong khuôn khổ hội thảo, Microsoft Việt Nam, ChildFund Việt Nam và Cục Trẻ em ký kết Thỏa thuận hợp tác về bảo vệ trẻ em, trong đó có bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Theo Thỏa thuận hợp tác này, Microsoft sẽ hỗ trợ ChildFund, hợp tác với Cục Trẻ em trong hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em, bảo vệ trẻ em, bảo đảm an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng.