Ngày 11/8 trên Báo Tuổi Trẻ đưa tin theo AFP, một chiếc tàu của cảng vụ Papeete và Trung tâm cứu nạn của cảng Papeete (MRCC Papeete) đã cứu được bốn thủy thủ VN nhảy trốn khỏi một chiếc tàu cá Đài Loan.
Lời kể của thuyền viên nhảy tàu bỏ trốn ở Tahiti
Sáng 15.8, thuyền viên Trần Văn Dũng (22 tuổi, ngụ xã Sơn Hải, H.Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã về đến nhà và khẳng định với PV Thanh Niên Online rằng anh và các thuyền viên trên tàu Hsieh Ta bị đánh đập dã man rất nhiều lần.
Anh Dũng cho biết việc anh cùng 3 thuyền viên Việt Nam nhảy khỏi tàu cá Hsieh Ta, Đài Loan để trốn thoát là vì quá sợ sự hành hạ, đánh đập thuyền viên vô cớ của thuyền trưởng, máy trưởng và hai cai tàu.
Anh Dũng kể, tàu cá Hsieh Ta gồm 23 thuyền viên (trong đó có 10 người Việt Nam, 8 người Indonesia, 3 người Philippines, 2 người Myanmar) rời cảng ở Đài Loan vào một ngày đầu tháng 12.2012.
Các thuyền viên đang làm việc trên tàu cá Đài Loan. Ảnh : Người lao động |
Công việc của thuyền viên Dũng là lái tàu. Theo anh, mỗi ngày các thuyền viên trên tàu đều chỉ được ngủ 5 tiếng đồng hồ, thời gian còn lại đều phải làm việc liên tục, trừ những lúc nghỉ ăn cơm. Mặc dù công việc vất vả nhưng các thuyền viên lại bị đối xử rất tệ bạc.
Anh Dũng cho biết suốt hơn 8 tháng ở trên tàu, anh cùng một số thuyền viên người Việt khác bị chủ tàu đánh nhiều lần. Bị đánh nhưng không ai dám phản ứng vì họ dọa nếu chống cự sẽ ném xuống biển.
“Tôi bị thuyền trưởng và máy trưởng đánh rất nhiều lần. Có ngày họ đánh đến hai, ba lần. Tôi bị đánh đau nhất là lần bị thuyền trưởng và máy trưởng dẫm đạp lên người, đánh cho hộc máu mũi, ngất xỉu. Chúng tôi rất bất bình vì bị hành hạ vô cớ nhưng phải cắn răng chịu vì sợ phản ứng sẽ bị họ ném xuống biển”, anh Dũng kể.
Anh Dũng cho biết trong quá trình đánh cá trên tàu, các anh không thể liên lạc với gia đình vì chủ tàu cấm, ngoài ra muốn lén gọi điện thoại cũng không được vì trên tàu không có sóng.
Do bị hành hạ nên đến đêm ngày 8-8, khi tàu vào khu vực gần đảo Tahiti, 4 thuyền viên người Việt đã nhảy xuống biển bơi vào bờ bỏ trốn. “Khi thuyền đậu cách bờ khoảng 4 hải lý, 4 anh em đã đồng loạt nhảy xuống biển. Bơi trên biển khoảng 2 tiếng đồng hồ thì 4 người được ca nô của cảnh sát vớt và chở về đồn. Họ giữ lại 3 ngày sau đó mua vé máy bay cho về nước” – anh Dũng cho biết
Khoảng hai giờ sau, cảnh sát phát hiện và đưa ca nô ra đưa họ lên. Các thuyền viên này đề nghị được ứng cứu và cơ quan chức năng ở đây đã đưa làm các thủ tục cho họ về nước.
Khi được hỏi vì sao 6 thuyền viên Việt Nam khác lại không nhảy xuống biển để trốn khỏi tàu như đã thống nhất với nhau từ trước, anh Dũng nói do bị thuyền trưởng và hai người cai tàu phát hiện nên đã ngăn lại không cho họ nhảy xuống.
7 tháng 19 ngày tù ngục
Trao đổi với tờ Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Lebrun - giáo viên tiếng Anh Trường Samuel Raapot ở đảo Tahiti, đảo lớn nhất của Polynésie thuộc Pháp ở phía nam Thái Bình Dương - kể rõ chi tiết từ lúc Trung tâm Cứu nạn trên biển (MRCC Papeete) cứu được bốn thủy thủ VN khi họ nhảy khỏi tàu xuống biển.
Hôm 8-8, ngay khi đưa bốn thuyền viên người Việt lên bờ, ông Lebrun được MRCC Papeete gọi đến để hỗ trợ trong vai trò phiên dịch và ông cũng nhanh chóng thông báo đến Đội cảnh sát biên giới (PAF) về vụ việc.
Ông Lebrun cho hay những chàng thanh niên trẻ này tóc tai dài thượt vì không có điều kiện vệ sinh, hoàn toàn không biết bơi nhưng họ đã nhảy liều vì không thể chịu đựng cuộc sống khắc nghiệt trên tàu. “Biết là nắm chắc cái chết trong tay nhưng họ vẫn cứ thử” - ông Lebrun kể.
Con tàu thùng rác 'Hsieh Ta vùng biển Tahiti l- Ảnh AFP theo Tuổi trẻ |
Họ đoán được đảo Tahiti là điểm dừng chân duy nhất trong chuyến hành trình đánh bắt cá của con tàu Hsieh Ta nên khi thấy đất liền (cách khoảng 800m), họ đã ôm đồ dùng cá nhân nhảy xuống biển để bơi về phía bờ.
Khi đội PAF tra hỏi sự vụ, bốn thuyền viên VN cho biết điều kiện sống trên tàu Đài Loan “quá khủng khiếp” khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trốn khỏi con tàu ngục tù này. Họ phải làm việc 18 giờ mỗi ngày và không có lấy một ngày nghỉ trong tuần.
Qua lời kể của bốn thuyền viên, ông Lebrun khẳng định đó là những “con tàu thùng rác” cực kỳ nguy hiểm dành cho việc đánh bắt cá ngoài khơi.
Khi được hỏi về công việc trên tàu, các thuyền viên trẻ tiết lộ rằng họ thường xuyên bị đánh đập vô cớ. Song song đó, công việc đánh bắt cá không phải là nghề chuyên của họ, vì thế họ thường phạm lỗi và phải nhận nhiều cú đánh như trời giáng. Họ phải dùng những tấm bìa cactông để lót chỗ ngủ trên tàu. Do không phải là dân đánh bắt chuyên nghiệp, một người đã bị lưỡi câu móc vào má để lại vết sẹo khá lớn trên mặt, người còn lại thì bị móc vào gót chân khiến anh phải đi cà nhắc.
Còn về tiền lương, họ dường như phải làm không công khi số tiền kiếm được đều bị chủ lấy hết với lý do “chi trả mua vé máy bay khi quay về VN” và đành phải trở về với bàn tay trắng. Theo lời kể của bốn thủy thủ, họ đã có mặt trên chiếc tàu này được 7 tháng 19 ngày và bị đối xử như những “nô lệ thời hiện đại” trong suốt mùa đánh bắt cá cho đến khi được MRCC Papeete cứu sống.
Ấm tình người
Trong thời gian ở lại Tahiti trước khi lên đường về VN vào ngày 11-8, bốn thuyền viên đã được tá túc tại một khách sạn trên đảo. Ông Lebrun đã kịp huy động bạn bè góp quần áo, giày, túi xách và một chút tiền để giúp đỡ những người Việt kém may mắn này. Số tiền tuy ít ỏi nhưng các thuyền viên đã cảm thấy ấm lòng khi nhận được sự sẻ chia nơi xứ người.
Tiền khách sạn, tiền ăn uống, tiền vé máy bay trong bốn ngày được Công ty Morgan Vernex - chuyên nhập khẩu và phân phối hàng hóa đa quốc gia - đài thọ với mong muốn những thuyền viên này sớm quay về VN một cách an toàn nhất.
“Tôi vẫn giữ một hình ảnh đẹp về bốn chàng trai trẻ vì họ rất dễ thương và rất... khờ khạo” - ông Lebrun thổ lộ như thế vì theo ông, họ là trường hợp đầu tiên nhảy khỏi tàu khi không thể chấp nhận việc bóc lột quá sức của tàu cá Hsieh Ta.
Theo lời kể của nạn nhân, các chủ tàu Đài Loan luôn hứa hẹn “viễn cảnh tươi đẹp” với một công việc sẽ kiếm được nhiều tiền. Bằng chứng là những người lao động VN sẽ rời khỏi quê hương bằng máy bay và quá cảnh tại Nhật hoặc Hàn Quốc. Sau đó, họ tiếp tục bay đến đảo Fiji hoặc Samoa, nơi những chiếc tàu “địa ngục” đang chờ đón họ đến với thế giới cay nghiệt nhất. Phần lớn những người này chỉ biết cam chịu và sống đời sống “nô lệ” cho một hợp đồng hai năm.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên ông Lebrun chứng kiến nhiều người VN bị đối xử tệ trên các tàu đánh cá. Hơn mười năm qua, ông cùng với cha xứ Christophe đã giúp đỡ một số người VN cập cảng ở đảo Tahiti bằng hành động thiết thực như mang thức ăn, tặng quần áo, giúp họ có chỗ ngủ an toàn...
Bằng tất cả tấm chân tình dành cho VN, nơi ông Lebrun sinh ra, ông chỉ hi vọng vụ việc này sẽ làm thức tỉnh những người trẻ với giấc mơ kiếm tiền đầy chông gai.