Trạm thu phí Cai Lậy "thất thủ", bài học đắt giá trong quản lý dự án BOT

15/08/2017 14:09
Diệu Linh
(GDVN) - Mấy ngày qua, tài xế đi qua trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đã sử dụng tiền lẻ trả phí, để phản đối vị trí đặt trạm và mức phí thu quá cao.

Vấn đề này đã được đưa ra thảo luận tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/8).

Trạm thu phí này đặt trên quốc lộ 1 tại km1999+300 (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), xây dựng chuyển giao bằng hình thức BOT.

Mức phí ở đây là 35.000 - 180.000 đồng/lượt tùy từng loại xe, để thu hồi vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1.

Vào chiều ngày 9/8 nhiều tài xế dùng tiền lẻ (200 đồng, 500 đồng...) trả phí để phản ứng vì cho rằng vị trí đặt trạm không hợp lý và mức phí quá cao.

Sự việc này khiến cho trạm thu phí Cai Lậy ùn tắc tới vài kilomet và đã phải “xả trạm” 2 lần để chống ùn tắc.

Trạm thu phí Cai Lậy được đặt trên quốc lộ 1 là để thu phí hoàn vốn cho 2 hạng mục - Đồ họa: TẤN ĐẠT/Tuổi trẻ.
Trạm thu phí Cai Lậy được đặt trên quốc lộ 1 là để thu phí hoàn vốn cho 2 hạng mục - Đồ họa: TẤN ĐẠT/Tuổi trẻ.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, còn nhiều hạn chế, tồn tại, trong đó có sự thiếu đồng bộ trong các quy định từ khâu quy hoạch, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lập kế hoạch đầu tư, xác định danh mục dự án đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư (doanh nghiệp dự án), nhà thầu thi công triển khai thực hiện, khai thác, theo dõi, đánh giá, thanh tra, kiểm tra trong quá trình thực hiện dự án, cũng như quy định về trách nhiệm của cơ quan nhà nước có liên quan ở các cấp, các ngành.

Việc tham vấn ý kiến khi quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thu phí trên đường hiện hữu chưa được quy định cụ thể đã làm hạn chế quyền của người dân.

Mặt khác, việc chưa có quy định để người sử dụng dịch vụ phản hồi việc cung cấp dịch vụ đối với các cơ quan quản lý nhà nước đã làm hạn chế chất lượng cung ứng dịch vụ và khó khăn trong công tác quản lý chất lượng dịch vụ đối với doanh nghiệp dự án BOT.

Trạm thu phí Cai Lậy "thất thủ", bài học đắt giá trong quản lý dự án BOT ảnh 2

Bao giờ chấm dứt tình trạng "phí chồng phí"?

Cho ý kiến về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đánh giá, những tồn tại, hạn chế phần nhiều do chủ quan.

“Như phản ánh đường độc đạo đầu tư lên một chút lại thu tiền nên bà con bức xúc. Hay đường quá ngắn chúng ta cũng làm BOT?

Chất lượng công trình một số dự án còn kém, giá thành dự án đầu tư cao, đội giá...

Theo dõi tình hình trạm thu phí Cai Lậy mấy ngày qua rất buồn. Xả trạm 2 lần rồi và sẽ lây lan nơi khác nếu không sớm xử lý”, ông Giàu nêu ý kiến.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng đặt ra vấn đề: Cần phải có đánh giá về quy hoạch trên cả nước có bao nhiêu kolomet quốc lộ chính triển khai BOT? Tại  sao nhà đầu tư nước ngoài có năng lực chưa quan tâm?

Sự việc xảy ra tại trạm thu phí Cai Lậy là một trong nhiều vụ việc lái xe, người dân phản ứng về vị trí và mức thu tại một số trạm BOT trong thời gian qua.

Trạm thu phí Cai Lậy "thất thủ", bài học đắt giá trong quản lý dự án BOT ảnh 3

"Bộ trưởng so sánh tiền làm đường ở Mỹ, Đức... với Việt Nam thì quá khập khiễng"

Đối với dự án tuyến tránh thị trấn (nay là thị xã) Cai Lậy được Bộ Giao thông vận tải cho phép lập dự án đầu tư vào ngày 28-7-2009 tại quyết định số 2174.

Ngày 20/10/2009, bộ có quyết định số 3054 phê duyệt đề cương, dự toán công tác khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh.

Như vậy, cho tới thời điểm đó vẫn chưa có hạng mục “Tăng cường mặt đường quốc lộ 1 km1987+560 đến km2014+000”.

Sau đó, Tổng cục Đường bộ có tờ trình số 95 ngày 4-12-2013 về việc trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh quốc lộ 1 và tăng cường mặt đường trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy theo hình thức hợp đồng BOT.

Nửa tháng sau,  Bộ Giao thông Vận tải có quyết định số 4173 về việc phê duyệt dự án tuyến tránh và "tăng cường mặt đường". Như vậy, với quyết định này, dự án đã có thêm hợp phần “tăng cường mặt đường".

Cũng trong quyết định trên nêu, vị trí đặt trạm ban đầu được xác định sẽ đặt trên quốc lộ 1 tại vị trí km1999+900.

Tuy nhiên, khi dự án sắp hoàn thành, ngày 26/8/2015 Sở Giao thông vận tải Tiền Giang, Ủy ban Nhân dân huyện Cai Lậy và Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (liên danh đầu tư, quản lý và khai thác dự án) họp và đề nghị cấp thẩm quyền điều chỉnh vị trí đặt trạm thu phí vì cho rằng khu vực dự kiến xây dựng trạm thu phí gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng.

Thay vì đặt tại km1999+900 thì dời về phía Thành phố Hồ Chí Minh 600m (km1999+300). Vị trí mới này đã được chính quyền địa phương, UBND tỉnh Tiền Giang và Bộ Giao thông vận tải chấp thuận.

Sáng ngày 15/8, trạm thu phí Cai Lậy đã tạm dừng hoạt động, mở cửa hoàn toàn để xe đi qua. Toàn bộ nhân viên thu phí đã tạm rút, chỉ còn lại một số bảo vệ trông coi trạm.

Lái xe trả tiền lẻ để phản ứng vị trí đặt trạm và mức thu phí tại Trạm Cai Lậy (Tiền Giang). ảnh: Tuổi trẻ.
Lái xe trả tiền lẻ để phản ứng vị trí đặt trạm và mức thu phí tại Trạm Cai Lậy (Tiền Giang). ảnh: Tuổi trẻ.

Cần tổng rà soát quy hoạch các dự án BOT 

Trước những tồn tại ở các dự án BOT, Phó Chủ tịch Quốc hội - ông Đỗ Bá Tỵ nhận định, vấn đề thu phí BOT hiện nay cũng nổi lên 2 vấn đề: Khoảng cách đặt trạm và mức thu phí.

Theo ông Tỵ, phản ứng người dân đều liên quan đến vấn đề này, nguyên nhân chủ yếu là khâu quản lý. Mức thu, thời gian, thoả thuận đặt trạm thiếu sự công khai, minh bạch.

Như quy định đặt trạm cần tham khảo ý kiến người dân nhưng vừa qua thực hiện không đến nơi đến chốn, có nơi hình thức, một số nơi áp đặt nên dẫn đến hậu quả trên.

“Mấy ngày nay nổi lên trạm thu phí Cai Lậy, đây là điều đáng buồn. Lái xe phản ứng bằng cách dùng tiền lẻ thanh toán dẫn đến ùn tắc. Tôi nghĩ vấn đề này báo cáo cần làm rõ thêm, nguyên nhân tại đâu, để tránh tình trạng diễn biến tiếp theo”, ông Tỵ nói.

Đồng thời, ông Tỵ cũng cho biết, vốn làm BOT chủ yếu vay ngân hàng, trong đó có dự án sử dụng mức vốn vay rất cao, phí vay, thời gian vay nhiều dẫn đến tình trạng thời gian thu dài, mức thu cao.

Để giải quyết vấn đề này cần làm rõ nguyên nhân, phân tích rõ hơn nữa cơ chế tín dụng, kênh huy động vốn để không tạo sức ép cho việc thực hiện BOT.

“Phần lớn BOT nằm ở giao thông đường bộ mà đường thuỷ, đường sắt không thấy nhà đầu tư nhảy vào. Phải chăng chỉ đường bộ mới mang lại lợi ích cho nhà đầu tư? Đây cũng là cái tập trung nghiên cứu”, ông Tỵ nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, chỉ riêng giám sát của Quốc hội chưa đủ, do đó cần nâng cao thanh tra, kiểm tra của nhà nước, xử lý nghiêm sai phạm, giám sát chặt thu phí giao thông đường bộ, đảm bảo minh bạch, công khai.

Cùng với đó rà soát các trạm thu phí, nơi nào không đảm bảo khoảng cách 70km thì Nhà nước nên mua lại để bỏ việc thu phí, bớt bức xúc cho dân.

Cần thiết phải tổng rà soát để xây dựng quy hoạch BOT, thu phí cả nước do Chính phủ quy định thì bài bản và chủ động hơn.

Trước tình hình này, ông Trương Quang Nghĩa - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát. Đúng là giai đoạn vừa qua làm BOT còn ồ ạt.

Bộ đã có tổng kết 5 năm thực hiện dự án giao thông và có báo cáo, kiến nghị gửi các cơ quan. Rất mong các kiến nghị đó được đoàn giám sát quan tâm đánh giá và bổ sung”.

Tài liệu tham khảo:

http://vov.vn/xa-hoi/lai-them-mot-tram-bot-dat-khong-hop-ly-khien-nguoi-dan-buc-xuc-659439.vov

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170815/tram-thu-phi-cai-lay-doi-vi-tri-de-thu-ca-hai-duong/1369183.html

Diệu Linh