Có hai câu thành ngữ mà người Việt xưa lưu truyền để răn dạy các bậc cha mẹ, các “bề trên” đối với “bề dưới”: “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” và “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”.
Dù trong gia đình hay quốc gia, nếu người trên không ra gì kẻ dưới không ít thì nhiều ắt sẽ lấy đó làm gương.
Lãnh đạo thiếu tâm, thiếu tầm thật khó để thu nhận toàn người tài giỏi làm việc cùng mình.
Cả nước nhìn vào Thủ đô, Thủ đô là bộ mặt của cả nước.
Vậy Thủ đô của chúng ta văn hiến ra sao, thanh lịch ra sao nếu tạm gác sang bên những thành tựu kinh tế, trật tự an toàn xã hội, nếu chỉ nhìn vào tâm đức những công bộc đã và đang được lựa chọn?
Phát biểu của Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung: “Nguyên tắc của tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước” cho thấy một thực tế, những gì Hà Nội có hôm nay một phần rất quan trọng là do đóng góp của “thế hệ trước”. [1]
Vậy những đóng góp đó là gì?
Đến tháng 6/2017 đường ống nước sông Đà phục vụ sinh hoạt người dân Hà Nội vỡ lần thứ 21.
Đến cuối năm 2017, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông đội vốn hơn 50%, chậm tiến độ gần 2 năm so với dự kiến ban đầu.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội có tổng chiều dài 5,9km đi ngầm dưới lòng đất, ước tính chi phí đầu tư trung bình 5.888 tỉ đồng/km, tương đương 259 triệu USD/km theo tỉ giá hiện hành.
Sau khi các bộ, ngành cho ý kiến thẩm định về đơn giá, suất đầu tư dự án, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội tính toán lại tổng mức đầu tư.
Kết quả là tổng mức đầu tư dự án từ 34.743 tỉ đồng đã được rút xuống còn 28.918 tỉ đồng, giảm 5.825 tỉ đồng. Như vậy, trung bình 1 km đường sắt đô thị được điều chỉnh giảm khoảng 1.000 tỉ đồng. [2]
Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội sử dụng vốn vay ưu đãi của Pháp có tổng mức đầu tư phê duyệt ban đầu là 783 triệu euro.
Dự án được khởi động từ năm 2006 nhưng đến năm 2010 mới chính thức khởi công.
Sau ba năm, đến năm 2013 mức đầu tư phải điều chỉnh lên 1,176 tỉ euro (tương đương 32.910 tỉ đồng).
Dù đã đội vốn lên gần 400 triệu euro và qua 7 năm thi công song đến nay tuyến đường này mới thực hiện được hơn 30% các hạng mục, nghĩa là chưa thể khẳng định khi nào sẽ hoàn thành.
Đánh giá tồn tại trong các dự án của Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng:
“Nguyên nhân chính là do thể chế liên quan đến đầu tư phát triển hệ thống đường sắt đô thị chưa hoàn thiện, nhất là quản lý đầu tư bằng hình thức hợp đồng tổng thầu EPC.
Việc đánh giá, định giá các gói thầu không chính xác, khiến giá thành bị đội lên nhiều lần so với giá trị hợp đồng EPC ban đầu.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm quản lý dự án còn nhiều hạn chế, đặc biệt là những dự án liên quan đến pháp luật quốc tế”.
Việc chậm tiến độ, kéo dài thời gian thi công các dự án liệu có phải là hệ quả của triết lý “Hà Nội không vội được đâu”, "vì muốn làm nhanh cũng không được, kể cả những việc nhỏ…” mà một vị cựu lãnh đạo thành phố từng phát biểu?
Dân gian bởi thế mới nói: không vội, cứ tằng tằng để còn tăng vốn, còn “sửa chữa”, còn “rút kinh nghiệm”, làm đúng, làm đủ, làm xong ngay thì lấy gì mà tăng “các thứ khác”?
Tuy ông Trịnh Đình Dũng không “chỉ mặt, vạch tên” nhưng qua ý kiến của ông có thể thấy tất cả nguyên nhân mà ông Dũng nêu ra như “thể chế, quản lý, đánh giá, kinh nghiệm” đều là do con người làm ra, cụ thể là đội ngũ cán bộ, công chức các cấp trên địa bàn Thủ đô.
Ở Hà Nội mấy chục năm qua không hề có yếu tố khách quan như lũ quét, xâm nhập mặn, lụt lội hay cấm vận,…
Mọi yếu kém đều do con người mà chính xác là do đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong đó vai trò chính là những người đứng đầu.
Nói cách khác, trong thời gian khá dài, Hà Nội vẫn chưa có được đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực và tâm đức để: “Xây dựng thể chế”; “Đánh giá, định giá các gói thầu”; “quản lý dự án”;… nên mới xảy ra tình trạng sau rà soát dự án, mỗi cây số đường giảm được nghìn tỉ đồng!
Theo quy hoạch đã được phê duyệt, từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ đầu tư 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng kinh phí ước hơn 40 tỉ USD.
Nếu Hà Nội tiếp tục rà soát những dự án đã và sẽ triển khai và nếu tình trạng giống như tuyến đường sắt đô thị số 2 thì sẽ tiết kiệm được bao nhiêu nghìn tỉ?
Sở dĩ nói "Hà Nội tiếp tục rà soát cả những dự án đã triển khai" bởi ngay thời điểm hiện tại, việc lát vỉa hè bằng đá tự nhiên đã có không ít điều chưa thể nói là minh bạch.
Thứ nhất là về chất lượng vật liệu:
Nhìn hoa văn bề mặt và thớ đá trên bức ảnh báo Laodong.vn công bố ngày 22/11/2017 [3], liệu ai dám khẳng định đây là đá tự nhiên 100% nếu so sánh với mẫu đá bazan cubic tự nhiên trên bức ảnh đối chứng phía bên phải?
Liệu có chuyện đá công nghiệp được gắn mác “tự nhiên” giống như tình trạng lụa Trung Quốc gắn mác Việt Nam mà doanh nghiệp Khaisilk đã làm?
Nếu quả thật đó là đá tự nhiên thì câu hỏi tiếp theo sẽ là loại đá này có độ bền ra sao, giá thành thế nào và tại sao lại chọn loại đá có cấu trúc như trong ảnh?
“Đá tự nhiên” lát vỉa hè Hà Nội (bên trái) và đá bazan cubic tự nhiên (bên phải) |
Thứ hai là về xây dựng:
Trên thế giới, người ta không chỉ lát vỉa hè mà ngay cả quảng trường, lòng đường ô tô chạy cũng có nơi lát bằng đá tự nhiên.
Trên các tuyến phố cổ Thủ đô Praha - Cộng hòa Séc hay trên Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moskva mà người viết từng đến thăm, đá lát có tuổi đời hàng trăm năm hoặc hơn thế.
Thông thường các viên đá lát có kích thước bề mặt chỉ từ 10x10cm đến 15x15cm và dày từ 8-10cm, rất ít nơi dùng những viên đá lát đá kích thước to như Hà Nội đang sử dụng.
Đá lát Quảng trường Đỏ ở Thủ đô Moskva - Liên bang Nga (ảnh Chinaeasternair.net) |
Thứ ba là kinh phí:
Dantri.com.vn viết: “Trước câu hỏi thành phố chi bao nhiêu tiền cho việc lát lại vỉa hè bằng đá tự nhiên, lãnh đạo Sở Xây dựng từ chối trả lời và cho biết “xin phép về tập hợp lại và sẽ thông tin sau”. [4]
Thi công chưa xong nên chưa biết chi hết bao nhiêu tiền, vậy thành phố chẳng lẽ cứ “làm cái đã” tiền tính sau, chẳng lẽ dự án lát vỉa hè Hà Nội không dự trù kinh phí?
Người dân sửa ngôi nhà cũ còn phải xin phép chính quyền, vậy Sở Xây dựng đào bới lát lại vỉa hè có cần báo cáo và xin chỉ thị của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố?
Ai cũng biết một dự án chỉ sau khi được nhiều cấp chính quyền thành phố phê duyệt thì mới được cấp kinh phí, mới được phép triển khai thi công, vậy chỉ công bố con số đã phê duyệt thì “vướng” cái gì, “mắc” cái gì mà xin khất?
Minh bạch trong chi tiêu ngân sách vốn là điều bình thường tại các nước phát triển, vậy Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Hà Nội có nên chỉ thị cho cấp dưới công khai cho nhân dân biết?
Chỉ qua những chuyện “cỏn con” như nạo vét Hồ Tây, cắt cỏ công viên, lát đá vỉa hè,… Hà Nội đã cho thấy đội ngũ cán bộ công chức của mình đang ở “đẳng cấp” nào.
Cũng xin nói thêm một số dự án không phải là di sản do thế hệ cũ để lại.
Vậy những quan chức Hà Nội hôm nay có ngại sau 5-10 năm nữa, những người lãnh đạo mới của Thủ đô sẽ lặp lại câu nói:
“Nguyên tắc của chúng tôi là không bao giờ đổ lỗi cho thế hệ trước”?
Tài liệu tham khảo:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ha-noi-dang-tra-gia-vi-bam-nat-quy-hoach-350173.html
[2]https://tuoitre.vn/sau-ra-soat-moi-kilomet-duong-sat-ha-noi-giam-1-000-ti-dong-20171120101853137.htm