Nói đến chức năng quản lý của chính quyền, dư luận thường gay gắt với việc “không quản được thì cấm”, còn chuyện buông lỏng không “cấm” mà cũng chẳng “quản” thì hình như chỉ là việc nên “gãi” nhè nhẹ, từ đầu… gối trở xuống!
Có thể điều mà dân biết nhưng lại chẳng ai biết nằm ngoài tầm “biết” nên khi đề cập tốt nhất là tránh kiểu “thày bói xem voi”, cần phải nhìn tận mắt, sờ tận tay.
Hiện tượng chiếm dụng vỉa hè để kinh doanh không chỉ xảy ra tại các quận nội thành, nơi nào có vỉa hè (công cộng) chắc chắn sẽ tìm thấy cảnh hàng quán kinh doanh, trông giữ xe cộ trái quy định bao gồm cả kinh doanh hợp pháp (?) của doanh nghiệp nhà nước.
Nói đến chuyện kinh doanh trên vỉa hè của doanh nghiệp nhà nước thì không thể nói kiểu “xem voi”, nên đành phải trình làng cái ảnh để “có sách, có chứng”.
Cột điện cao thế và dây ngầm chiếm dụng vỉa hè tại đường Ỷ Lan - Hà Nội. (Ảnh: Xuân Dương) |
Ngành Điện Hà Nội cho dựng hàng cột điện cao thế ngay trên vỉa hè khu dân cư, những cột này chỉ cách mép đường chừng… 20 cm.
Xin nói rõ thêm là đường và vỉa hè có từ lâu lắm rồi, còn cột điện thì mới được ngành Điện dựng gần đây.
Vì sao lại dựng cột điện cao thế trên vỉa hè, cách mép đường chỉ một gang tay? Câu trả lời không khó tìm, một là để giảm kinh phí vận chuyển cột và hai là không phải đền bù khi dựng cột trên ruộng lúa của dân.
Nhìn bức ảnh sẽ thấy, vỉa hè không phải chỉ dùng để dựng cột điện mà còn là nơi tập kết xe chở rác của bên môi trường, vậy nên cấm chiếm dụng vỉa hè có nên bắt đầu từ chính cơ quan nhà nước?
Kinh doanh kiểu này nước không “ích” mà nhà (dân) cũng chẳng lợi, chỉ có lợi cho một số doanh nghiệp thế nhưng chính quyền sở tại (xã, huyện) chẳng thế làm gì vì đã có sự chỉ đạo từ “sở tại” cao hơn.
Đầu năm 2016, Sở Tài chính Hà Nội đã lập 3 đoàn liên ngành để kiểm tra việc trông giữ xe ô tô, xe máy, xe đạp tại một số điểm trên địa bàn.
Đến hết ngày 18/2/2016, đoàn liên ngành đã kiểm tra trên 25 điểm trông giữ xe, trong đó, đa số các điểm đều vi phạm.
Các vi phạm chủ yếu là không có bảng niêm yết, thu mức phí cao hơn quy định, sử dụng vượt diện tích được cấp phép. Tổng số tiền phạt là hơn 100 triệu đồng. [1]
Dịp Tết Đinh Dậu, thành phố đã có cố gắng cải thiện tình hình, chẳng hạn người dân đi phủ Tây Hồ được gửi xe hoàn toàn miễn phí tại bãi xe do Công an quận Tây Hồ và Đoàn thanh niên quận Tây Hồ tổ chức.
Theo ước tính trên trong 3 ngày Tết điểm trông giữ xe này đã trông giữ khoảng gần 20 nghìn lượt xe máy và gần 5 nghìn lượt ô tô. [2]
Tuy nhiên đó chỉ là điểm sáng hiếm hoi trong bức tranh tổng thể về hoạt động trông giữ phương tiện giao thông trên địa bàn thủ đô.
Hiện tượng lấn chiếm vỉa hè, chặt chém du khách vẫn là nét xấu không nên có vào dịp đầu xuân ở thành phố được xem là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước.
Vì sao hiện tượng này cứ tiếp diễn qua nhiều năm mà không có biện pháp giải quyết?
Có người bảo là do dân tham, cũng có ý kiến quy cho chính quyền phường xã không làm tròn trách nhiệm.
Suy cho cùng, dân tham thì thời nào cũng thế, ở đâu cũng thế, nếu giáo dục mà chưa thay đổi được thói “tham” của dân thì phải dùng đến pháp luật.
Nhưng nếu thực thi công vụ, tức là nắm trong tay pháp luật mà cũng “tham” thì phải hỏi ai?
Một khi chính ngành Điện còn phớt lờ quy định về khoảng cách an toàn trong Luật Điện lực, một khi người thừa hành công vụ không phải là bất lực mà có lúc còn “đồng tình” để cho dân vi phạm thì luật pháp sẽ chỉ còn trên giấy.
Người dân vi phạm bị thanh tra phạt còn doanh nghiệp nhà nước vi phạm sao không bị phạt?
Có lẽ nếu phạt thì tiền chuyển đi chuyển lại vẫn nằm trong kho bạc, vẫn là tiền ngân sách nên phạt chỉ tốn thêm thời gian và phí chuyển khoản?
Liệu có phải phạt xong cứ để cho vi phạm còn có cái phạt tiếp cũng là một dạng “lợi ích nhóm”, người vi phạm lợi, ngân sách lợi và người phạt cũng lợi, chỉ có người dân nói chung, cảnh quan đô thị và uy tín chính quyền là bị thiệt?
Với các lỗi sử dụng quá diện tích cho phép, tự ý in vé thu tiền, thu tiền cao hơn quy định, mức phạt là 12 triệu đồng, tội gì mà không vi phạm bởi số thu được lớn hơn rất nhiều số tiền bị phạt.
Đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho rằng “xử phạt không xuể với những sai phạm”, [1] nói cách khác, cơ quan chức năng không đủ nhân lực làm công tác “phạt” nên đành để cho dân bị “chặt chém”?
Nếu thế thì dân cần “công bộc” để làm gì, vừa phải đóng thuế để nuôi họ, vừa bị “chặt chém” vì sự bất lực của họ?
Sau khi nhậm chức, Bí thư Hoàng Trung Hải và Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung có một số phát biểu và việc làm được nhân dân đánh giá cao.
Thế nhưng vì sao một số lãnh đạo cơ quan chức năng dưới quyền hai ông lại có những tuyên bố rất “vô tư” khiến dư luận không thể hiểu.
Chẳng hạn sau khi UBND thành phố Hà Nội chính thức ban hành Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội, phản bác ý kiến của Chủ tịch thành phố về “quy hoạch băm nát thủ đô”, ông Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tuyên bố: “mọi quy hoạch đều được thực hiện đúng, không có gì sai”.
Vì sao khi Bí thư Thành ủy yêu cầu chấm dứt tình trạng “Hà Nội không vội được đâu” thì đại diện Sở Tài Chính lại cho rằng “xử phạt không xuể với những sai phạm”?
Xem ra, tình trạng đang trở nên phổ biến là cấp trên cần nhưng cấp dưới “không vội”. Không khó để thấy “cây gia phả” của dòng họ “Không vội” ở Thủ đô vẫn xum xuê, tươi tốt, chưa có dấu hiệu suy tàn.
Một khi “bóng mát” của cây “Không vội” vẫn còn bao phủ khắp mọi nơi thì các hạt giống “Đổi mới” dẫu có được chăm bẵm vẫn chỉ là những mầm non còi cọc vì lấy đâu ra ánh sáng để phát triển?
Quyết tâm thể hiện qua lời nói là để dân nghe, việc làm thực tế là để dân tin, đã qua rồi thời mà người ta tin vào học thuyết tuyên truyền của Gơ Ben, rằng “dù vô lý đến mấy, nói đi, nói lại, nói mãi người ta cũng sẽ tin”.
Hy vọng Hà Nội sẽ không “nói đi, nói lại, nói mãi” mà là “làm đi, làm nữa, làm mãi”.
Tài liệu tham khảo: