Một công trình lớn của Tổng Liên đoàn lao động đang trở thành phế tích

03/04/2019 07:18
Theo Báo Xây Dựng
(GDVN) - Không hiểu lý do gì, hàng chục năm nay công trình bị bỏ hoang như một “phế tích”, các tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn khu nghỉ dưỡng trở nên hoang hóa.

Hiện nay, khi thực thi pháp luật có một nghịch lý rất khó hiểu; ví như một người đứng đầu cơ quan tham ô vài tỷ đồng công quỹ, thì câu chuyện đó là chuyện lớn, thậm chí là rất lớn.

Nhưng trường hợp khác, cũng một người đứng đầu cơ quan để lãng phí hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước (có thể coi như bỏ đi) thì đó lại là câu chuyện nhỏ, thậm chí là rất nhỏ hoặc không có gì để nói.

Trong khi tất cả những đồng tiền đó đều là tiền thuế, là mồ hôi nước mắt của nhân dân.

Đường vào Khu nghỉ dưỡng.
Đường vào Khu nghỉ dưỡng.

Câu chuyện khu nhà nghỉ dưỡng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đặt tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái là một ví dụ.

Không rõ từ khi nào, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đầu tư xây dựng một khu nghỉ dưỡng cao cấp bên bờ hồ thủy điện Thác Bà nơi có phong cảnh sơn thủy hữu tình, thuận lợi về mặt điều kiện khí hậu, địa hình.

Với diện tích hàng trăm ha đất được đầu tư 6 - 7 dãy nhà 2 tầng kiên cố với hệ thống công trình hạ tầng đồng bộ như bể bơi, sân tập thể thao, đường đi, sân vườn…

Nếu tính kinh phí đầu tư trong giai đoạn hiện nay thì công trình này phải tốn rất nhiều tiền và phải thừa nhận đây là một khu nghỉ dưỡng đẹp.

Đường vào Khu nghỉ dưỡng.
Đường vào Khu nghỉ dưỡng.

Không hiểu vì lý do gì, hàng chục năm nay công trình bị bỏ hoang như một “phế tích”, các tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, toàn khu nghỉ dưỡng trở nên hoang hóa, là nơi chăn thả dê, gà của một vài hộ gia đình nhiều năm trông coi khu vực này.

Những biệt thự nghỉ dưỡng bỏ hoang.
Những biệt thự nghỉ dưỡng bỏ hoang.

Một nghịch lý ở đây đang đặt ra là: Yên Bái là một tỉnh miền núi, nhìn chung là một tỉnh nghèo, nhưng điều kiện thiên nhiên ở vùng đất này thì hấp dẫn cho việc khai thác du lịch.

Hồ thủy điện Thác Bà có diện tích hơn 24 ngàn ha là một hồ nước ngọt rộng hiếm có trên toàn quốc, là nơi nhiều khách thập phương muốn thăm quan tìm hiểu.

Nhưng đáng tiếc, trên khu vực này không có một khu nghỉ mát hoặc một khách sạn nào “ra hồn” để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.

Ngay trên một vùng đất nhỏ thế thôi, cùng một cơ chế chính sách của nhà nước nhưng những nghịch lý kiểu này xảy ra là không thể chấp nhận được. Người thì rất cần, người thì thừa thãi bỏ đi?

Những ngôi nhà đang sập đổ cùng mưa nắng.
Những ngôi nhà đang sập đổ cùng mưa nắng.

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu có một lý do chính đáng nào để biện luận cho những nghịch lý nên trên? Phải chăng lý do chính là vô trách nhiệm!

Hộ dân trông coi nơi đây than phiền rằng: “Một công trình đẹp như thế nếu không sử dụng thì tại sao Tổng Liên đoàn Lao động không bàn giao lại cho huyện Yên Bình hoặc tỉnh Yên Bái để họ tu bổ đưa vào sử dụng đúng mục đích, trong khi tỉnh và huyện đang rất cần”.

Ai phải chịu trách nhiệm về sự hoang phí tài sản Nhà nước này?
Ai phải chịu trách nhiệm về sự hoang phí tài sản Nhà nước này?

Một câu hỏi khác lại được đặt ra là: “Liệu hành vi lãng phí này có được quy trách nhiệm cụ thể cho ai đó không? Và hành vi lãng phí này có được đưa “vào lò” không? Điều này cũng cần sự giải đáp của cơ quan thực thi pháp luật”.

Theo chúng tôi xin hãy tạm đừng nói những điều lớn lao. Trước hết, cơ quan này cần sớm có trách nhiệm giải quyết những vấn đề đặt ra mặc dù đã muộn.

Tốt nhất nên bàn giao toàn bộ khu nghỉ dưỡng cho Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái để đầu tư tu bổ hoặc bán đấu giá lấy tiền nộp vào ngân sách Nhà nước, hoặc có thể tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sửa chữa xây dựng lại thành một khu nghỉ dưỡng sinh thái hiện đại phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch trong nước và ngoài nước trước mắt và lâu dài.

Tạo công ăn việc làm cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn và nguồn thu ngân sách cho tỉnh.

Theo Báo Xây Dựng