Việt Nam nỗ lực chống siêu vi khuẩn kháng thuốc

16/11/2019 15:09
Nhật Minh
(GDVN) - Bộ Y tế Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại, mỗi năm thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng thuốc.

Với tình hình này, WHO dự tính đến năm 2050, cứ 3 giây sẽ có một người tử vong do các siêu vi khuẩn kháng thuốc, tương đương với khoảng 10 triệu người mỗi năm. Khi đó, các bệnh thông thường như ho hay chỉ một vết cắt cũng có thể gây tử vong.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

WHO xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

WHO cảnh báo vi khuẩn kháng thuốc - mối đe dọa đối với sự phát triển và sức khỏe toàn cầu, đang ngày một tăng trên khắp thế giới, do tình trạng lạm dụng kháng sinh.

Có tới 50% số thuốc kháng sinh đang được sử dụng sai mục đích tại nhiều nước, đơn cử kháng sinh chỉ dùng để điều trị nhiễm khuẩn thì lại được dùng để điều trị các bệnh do virus gây ra.

Một trong những mối quan ngại cấp thiết hiện nay là việc lây lan vi khuẩn gram-âm kháng thuốc, trong đó có Acinetobacter, Escherichia coli và Klebsiella pneumoniae.

Các loại vi khuẩn này, khá phổ biến đối với các bệnh nhân điều trị nội trú trong bệnh viện, thường gây các bệnh truyền nhiễm như viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng vết thương hoặc vết mổ và viêm màng não. Khi kháng sinh không phát huy hiệu quả, người bệnh sẽ phải nhập viện để điều trị, khiến chi phí chữa bệnh tốn kém hơn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Mai Phương - nguyên trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh tại một khóa đào tạo nâng cao chất lượng phòng xét nghiệm kháng kháng sinh diễn ra năm 2019 rằng, vi khuẩn kháng kháng sinh hiện là mối quan tâm của cả thế giới khi tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp với mức độ gia tăng của các vi khuẩn kháng thuốc, tại một số nước thậm chí không thể kiểm soát.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phương, hiện tại Việt Nam cũng như nhiều nước đã xuất hiện vi khuẩn đa kháng (kháng 2 nhóm kháng sinh) và toàn kháng (kháng với tất cả kháng sinh). Đó là lí do vì sao, nhiều nước phát triển sử dụng kháng sinh thế hệ 1 vẫn điều trị hiệu quả thì tại Việt Nam đã phải dùng kháng sinh thế hệ 3 và 4.

Đơn cử như tỉ lệ kháng thuốc của nhóm vi khuẩn gram âm như E.coli (vi khuẩn đường ruột) đã lên tới 30-40%, kháng luôn cả kháng sinh mạnh nhất là colistin.

Thậm chí, tại một số tỉnh phía Nam, tỉ lệ kháng thuốc của E.coli còn lên tới hơn 74%; tỉ lệ kháng của vi khuẩn gây nhiễm trùng K. pneumoniae lên tới gần 60%; vi khuẩn A.baumannii (gây nhiễm khuẩn bệnh viện) có tỉ lệ kháng với hầu hết các loại kháng sinh ở mức trên 90%…

Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng kháng sinh, ngay lập tức sẽ báo với bác sĩ điều trị để cách ly bệnh nhân, giúp vi khuẩn kháng thuốc không lây lan cho các các bệnh nhân khác, đồng thời giúp kéo dài tuổi thọ sử dụng kháng sinh đang có.

Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra rằng hiện nay, chỉ một số ít bệnh viện có phòng vi sinh đạt chuẩn, còn lại chất lượng ở mức thấp do phải đầu tư trang thiết bị hiện đại và chưa đủ nhân lực có trình độ để vận hành. Vì thế, để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh, ngoài nỗ lực từ bệnh viện, từ nhân viên y tế, bản thân cộng đồng, người dân cũng phải có trách nhiệm.

Trong đó, hạn chế mua kháng sinh không có đơn, không sử dụng kháng sinh theo kiểu truyền miệng, hạn chế dùng kháng sinh trong chăn nuôi.

Trước tính bức thiết của tình trạng trên, trong tháng 6/ năm 2019, WHO đã phát động một chiến dịch toàn cầu kêu gọi tất cả các nước trên thế giới sử dụng công cụ “AwaRe” để giảm sự lây lan của đề kháng kháng sinh cùng với những hậu quả bất lợi cho sức khoẻ và giảm chi phí.

Công cụ AWaRe được phát triển từ “Danh mục thuốc thiết yếu” của WHO để kiềm chế tình hình kháng thuốc gia tăng và giúp sử dụng kháng sinh an toàn và hiệu quả hơn.

Nhiều bệnh thông thường có thể sẽ trở nên vô phương cứu chữa nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát.
Nhiều bệnh thông thường có thể sẽ trở nên vô phương cứu chữa nếu tình trạng kháng kháng sinh không được kiểm soát. 

“AwaRe” phân loại kháng sinh thành ba nhóm – Tiếp cận (Access), Theo dõi (Watch) và Dự trữ (Reserve) - và chỉ định loại kháng sinh nào được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng phổ biến, loại kháng sinh nào được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng nhất, loại nào nên có sẵn trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và loại nào phải được sử dụng một cách tiết kiệm hoặc dự trữ và chỉ được sử dụng như là một phương sách cuối cùng.

Chiến dịch mới của WHO nhằm tăng tỷ lệ tiêu thụ kháng sinh toàn cầu trong nhóm Access lên ít nhất 60% và giảm sử dụng kháng sinh có nguy cơ kháng thuốc cao nhất từ các nhóm Watch và Reserve.

Sử dụng kháng sinh nhóm Access làm giảm nguy cơ kháng thuốc vì chúng là kháng sinh nhóm phổ diện hẹp (nhắm vào một loại vi khuẩn cụ thể chứ không phải một số loại vi khuẩn). Chúng cũng ít tốn kém hơn vì chúng có sẵn trong nhóm generic.

WHO khẳng định tình trạng kháng thuốc là một trong những rủi ro sức khỏe cấp bách nhất của thời đại và đe dọa hủy bỏ một thế kỷ tiến bộ về y tế.

Tất cả các quốc gia phải đạt được sự cân bằng giữa việc đảm bảo tiếp cận với kháng sinh cứu sống và làm chậm tình trạng kháng thuốc bằng cách bảo lưu việc sử dụng một số loại kháng sinh cho các bệnh nhiễm trùng khó điều trị nhất.

WHO kêu gọi các nước triển khai áp dụng AWaRe, đây là một công cụ thiết thực và mang lại giá trị khi làm việc này.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế cho biết: Việt Nam là một trong các nước những năm gần đây đã chứng kiến mối đe dọa ngày càng lớn của tình trạng kháng kháng sinh do việc sử dụng quá mức, sử dụng không hợp lý ở tất cả các cấp của hệ thống chăm sóc y tế, trong nuôi thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng.

Bộ Y tế Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc. Trải qua 5 năm thực hiện kế hoạch hành động, các giải pháp tổng thể đã được triển khai. Bộ Y tế đã thực hiện giải pháp về truyền thông, giáo dục sức khỏe để mọi người hiểu và thực hiện khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Nhật Minh