Trường biến thành nơi kinh doanh
Bán sách kiểu “bia kèm lạc" có giá cao ngất ngưởng chỉ có thể nói rằng chính những ngôi trường ấy đang bòn rút những đồng tiền mồ hôi nước mắt của phụ huynh.
Đó chỉ là một trong những ý kiến của thầy cô, phụ huynh gửi về Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự bức xúc trước việc cứ vào cuối năm học nhiều trường lại biến thành nơi kinh doanh, bán sách theo kiểu “bia một, lạc mười”.
Chào mừng năm học mới thay vì niềm hân hoan, phấn khởi đã khiến không ít phụ huynh méo mặt, trở thành gánh nặng vì phải lo tiền sách cho con theo lời khuyên của thầy cô để tốt cho con.
Tốt và cần chưa thấy đâu nhưng đến cuối học kỳ nhiều phụ huynh ngỡ ngàng vì nhiều cuốn sách bổ trợ, tham khảo của con dùng số trang trên đầu ngón tay.
Thậm chí, có nhiều cuốn như Cùng em học Toán, Cùng em học Tiếng Việt hay bộ lắp ghép gần như không động đến, cuối năm còn mới tinh rất lãng phí.
Trở lại câu chuyện bán sách tại Trường Tiểu học Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) như Giáo dục Việt Nam đã phán ánh, riêng bộ sách lớp 4 lên đến 655.800 đồng, bộ sách lớp 3 có giá 597.100 đồng.
Một phụ huynh có con học lớp 3 sang năm lên lớp 4 được giáo viên chủ nhiệm Trường Tiểu học Trung Hòa thông báo đến lớp đăng ký mua sách kèm thông điệp “Phụ huynh nên mua vì bộ đã được các cô trong tổ chuyên môn lựa chọn rất kĩ. Nếu phụ huynh không mua cả bộ sẽ không có đủ tài liệu cho con học tập”.
Đáng chú ý, một phụ huynh có con học lớp 2 cho rằng, thông báo của đăng ký mua sách giáo khoa của nhà trường không rõ ràng, nếu không muốn nói là lập lờ.
Cụ thể, bộ sách lớp 3 giá 597.100 đồng chỉ vỏn vẹn có hai phần gồm Sách đóng bộ (30 quyển/bộ) có giá 548.100 đồng và Bộ thiết bị tối thiểu (Bộ thực hành học Toán lớp 3) có giá 49.000 đồng.
Trong đó, Sách đóng bộ gồm những cuốn gì phụ huynh cũng không biết chỉ biết 30 quyển. Như thế khác nào nhà trường đưa phụ huynh vào thế phải mua cả bộ mà không có quyền lựa chọn.
Ban giám hiệu Trường Tiểu học Trung Hòa nói do sơ suất của nhân viên thư viện đã gộp sách giáo khoa, sách bổ trợ vào với nhau. Ảnh: Vũ Phương. |
Ngày 12/6, làm việc với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Anh Thư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hòa cho biết, nhà trường đã yêu cầu nhân viên thư viện nhà trường giải trình.
Cô Nguyễn Thị Anh Thư cho hay: “Đúng là nhân viên thư viện có sơ suất khi không tách rõ đâu là sách giáo khoa, đâu là sách bổ trợ, bộ đồ dùng để phụ huynh lựa chọn.
Tôi đã yêu cầu nhân viên thư viện phải rút kinh nghiệm và ra thông báo lại rồi gửi đến phụ huynh.
Việc phụ huynh đăng ký mua sách là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký danh mục, đầu sách do mình lựa chọn”.
Nói về số tiền bộ sách lớp 3 có cao hơn lớp 2, cô Nguyễn Thị Anh Thư lý giải, các con lên lớp 3 sẽ học hai chương trình tiếng Anh. Cùng với đó có thêm môn Tin học. Bởi vậy các con cần mua thêm sách tiếng Anh và Tin học.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Hòa cũng cho biết, danh mục sách như Phòng Giáo dục và Đào tạo gửi cho trường có rất nhiều cuốn. Trên danh mục đó, các giáo viên bộ môn đã chọn ra những cuốn cần thiết cho các con.
Cùng với việc đăng ký mua sách, phụ huynh Tiểu học Trung Hòa cũng nhận được bản đăng ký may đồng phục cho năm học mới. Ảnh: NVCC. |
Đủ mọi khoản tiền chuẩn bị cho năm học mới
Không chỉ việc nhà trường bán bộ sách giáo khoa mà vấn đề đăng ký đồng phục hay ủng hộ quỹ từ thiện cũng khiến không ít phụ huynh Trường Tiểu học Trung Hòa không hài lòng.
Giáo viên chủ nhiệm phát cho phụ huynh bản đăng ký may đồng phục cho học sinh lớp 4 năm học mới cũng không rõ ràng.
Trong bản đăng ký gửi đến tay phụ huynh Trường Tiểu học Trung Hòa có sẵn nội dung: “Tôi nhất trí may cho cháu số lượng các loại đồng phục theo bảng dưới đây”.
Theo đó số lượng đồng phục Trường Tiểu học Trung Hòa gửi đến phụ huynh học sinh gồm Bộ cộc (205.000 đồng; Bộ dài (210.000 đồng); Áo khoác đông (215.000 đồng); Bộ thể thao (220.000 đồng).
Tổng cộng đồng phục lên đến 850.000 đồng.
Cũng theo phụ huynh này, việc nhà trường gửi phụ huynh bản đăng ký may đồng phục cho con năm học mới không rõ ràng. Không có một dòng nào nói về việc may đồng phục là tự nguyện hay phụ huynh có thể chọn mua một bộ hay nhiều bộ đồng phục.
Ngoài ra một vấn đề nữa mà phụ huynh Tiểu học Trung Hòa cũng bày tỏ sự băn khoăn trước việc giáo viên chủ nhiệm khen những học sinh nào ủng hộ nhiều tiền một số loại quỹ của quận như quỹ hội chữ thập đỏ, mua tăm, quỹ bảo trợ trẻ em…
Một phụ huynh có con đang học khối 3 thông tin, cô chủ nhiệm có phát động trên nhóm kêu gọi phụ huynh ủng hộ hội chữ thập đỏ, mua tăm của người mù. Việc ủng hộ là tùy tâm.
Đến khi kết thúc đợt ủng hộ, cô giáo tổng kết cả lớp ủng hộ được hơn 2 triệu đồng. Cô giáo công khai danh sách khen học sinh có phụ huynh ủng hộ từ 100.000 đồng trở lên.
Phụ huynh cho rằng, đã là tấm lòng thì ít nhiều đều đáng quý. Việc khen người này người kia ủng hộ nhiều vô tình làm mất ý nghĩa của việc từ thiện.
Về may đồng phục cho năm học mới, cô Nguyễn Thị Anh Thư khẳng định: “Nhà trường không ép buộc phụ huynh đăng ký may đồng phục cho các con vào năm học mới.
Việc phụ huynh đăng ký may đồng phục là hoàn toàn tự nguyện, có thể đăng ký một bộ, hai bộ…hoặc không đăng ký.
Nếu như đồng phục các con vẫn còn mặc vừa, vẫn còn mới, còn dùng được thì không cần thiết phải đăng ký may đồng phục mới để tránh lãng phí”.
Còn về việc phụ huynh học sinh ủng hộ nhiều được khen, cô Nguyễn Thị Anh Thư lý giải, khi tổng kết công tác ủng hộ trên địa bàn quận, trường nào ủng hộ nhiều đều được ghi nhận.
Vì vậy giáo viên chủ nhiệm đã khen những học sinh nào ủng hộ nhiều, tiêu biểu trong lớp.
Trở lại câu chuyện nhiều trường học tại Hà Nội bán bộ sách giá cao ngất ngưởng, trong đó chủ yếu sách tham khảo, sách bổ trợ, vậy câu hỏi được đặt ra phần trăm, hoa hồng thực sự có vào tay hiệu trưởng hay phải chia qua nhiều cấp?
Đến đây dư luận cũng đặt câu hỏi về trách nhiệm của Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy trong việc hướng dẫn các trường lựa chọn bộ sách đảm bảo tính hiệu quả, tránh lãng phí khi đến tay phụ huynh.