Thanh Hóa tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10, phụ huynh và ngân sách tốn bao nhiêu?

23/06/2020 06:29
NHẬT DUY
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hóa ra, số tiền mà phụ huynh phải đóng góp, ngân sách địa phương phải chi trên số lượng học sinh, các trường chi công tác phí quả là một con số không hề nhỏ.

Lâu nay, chúng ta chỉ biết sơ sơ về số tiền mà ngân sách nhà nước bỏ ra để tổ chức cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia hàng năm còn việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương thì ít khi được báo chí đề cập.

Tình cờ, chúng tôi vào website của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, đọc Hướng dẫn số 1749/SGDĐT-KHTC về kinh phí tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông và lớp 10 Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn, năm học 2020 – 2021 thấy có nhiều con số khá thú vị.

Hóa ra, số tiền mà phụ huynh phải đóng góp, ngân sách địa phương phải chi trên số lượng học sinh, các trường chi công tác phí cùng những chi phí gián tiếp khác quả là một con số không hề nhỏ cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10.

Kinh phí để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương không hề nhỏ (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Kinh phí để tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở các địa phương không hề nhỏ

(Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: TTXVN)

Theo hướng dẫn số 1749/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa thì những thí sinh đăng ký thi tuyển sinh 10 cho năm học 2020-2021 được hướng dẫn như sau:

1. Mức thu giá dịch vụ dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn là 155.000 đồng/học sinh (môn chuyên 50.000đ, ba môn chung 105.000 đồng).

2. Mức thu giá dịch vụ dự kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trung học phổ thông và lớp 10 Trung học phổ thông Dân tộc nội trú: 105.000 đồng/ học sinh (03 môn thi).

3. Mức thu giá dịch vụ phúc khảo bài thi: 20.000đ/môn.

4. Kinh phí ngân sách nhà nước cấp bổ sung để chi trả tại các Hội đồng tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trung học phổ thông: 90.000 đồng/học sinh.

Số tiền này sẽ được chi vào các nội dung:

Chi tại các hội đồng tổ chức kỳ thi tuyển: chi cho Hội đồng coi thi; Hội đồng làm phách; chấm thi; chi khác.

Chi tại Sở Giáo dục và Đào tạo, thanh toán theo thực tế công việc phát sinh, bao gồm các nội dung sau:

Chi tiền ra đề, Hội đồng ra đề, in sao đề theo chế độ bảo mật cách ly; kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi; kiểm tra điều kiện dự thi, thu và hoán đổi bài thi, thẩm định kết quả thi.

Chi vật tư văn phòng phẩm cho các khâu: ra đề, in sao đề, làm phách, chấm thi; phúc khảo bài thi; in, ký duyệt giấy chứng nhận trúng tuyển.

Như vậy, mỗi học sinh thi lớp 10 khối không chuyên ở Thanh Hóa phải đóng tiền dịch vụ dự thi là 105.000 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho mỗi học sinh 90.000 đồng nữa là 195.000 đồng.

Những thí sinh tham gia thi vào trường chuyên phải đóng dịch vụ dự thi là 155.000 đồng, ngân sách nhà nước hỗ trợ 90. 000 đồng là 245.000 đồng.

Số lượng dự thi tuyển sinh 10 năm nay chưa được công bố nhưng theo số liệu của năm học 2019-2020 thì toàn tỉnh Thanh Hóa có 35.623 thí sinh đăng ký dự thi.

Vì vậy, chúng tôi làm một phép tính nhỏ với số lượng thí sinh thi năm 2019 tạm tính là 35.000 thí sinh, nhân với con số tiền của thí sinh dự thi vào các trường không chuyên là 195.000 đồng thì sẽ có số tiền phụ huynh phải đóng, nhà nước phải chi là 6.825.000.000 đồng.

Trên thực tế, đây mới là số tiền trực tiếp mà ngân sách nhà nước và phụ huynh phải chi còn thực tế thì còn phải chi gián tiếp rất nhiều nữa.

Bởi với kỳ thi tuyển sinh 10 thì Sở phải huy động hàng ngàn cán bộ, giáo viên tham gia.

Có người tham gia vào hội đồng coi thi, chấm thi, có nhiều người đi thanh tra đến các hội đồng thi ở xa, giáo viên coi thi, chấm thi, chấm phúc khảo…nên ngoài các khoản chi tại hội đồng theo quy định thì còn một khoản rất lớn nữa là chi công tác phí.

Việc các thầy cô giáo ở các huyện về Sở chấm thi, hoặc các giáo viên được điều động sang các trường khác coi thi, chấm thi, thanh tra mà trên 15 km (tính từ đơn vị công tác) là được tính tiền công tác phí, tiền ngủ qua đêm.

Việc coi thi cũng phải mất ít nhất là 3 ngày 2 đêm, chấm thi có nhanh cũng phải mất 1 tuần mới xong nên tiền công tác phí, tiền ngủ mà các trường phải chi thêm cho cán bộ, giáo viên của trường mình khi về trường cũng là một số tiền rất lớn.

Ngoài ra, suốt mấy ngày học sinh thi thì cha mẹ, anh em đi theo, chờ đợi cũng đều phải chi tiền, nhất là thời điểm thi đang chính giữa mùa hè, rất nắng nóng.

Chính vì thế, nếu địa phương có số lượng khoảng 30.000 thí sinh dự thi thì số tiền nhà nước và phụ huynh phải chi cũng lên đến con số hàng chục tỉ đồng. Đây là số tiền cũng không phải là con số nhỏ, nhất là đối với những tỉnh còn khó khăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh năm nay, đã có nhiều địa phương không tổ chức thi tuyển sinh 10 mà tổ chức xét tuyển đối với khối trường không chuyên rõ ràng là một cách tiết kiệm rất đáng được ghi nhận.

Tài liệu tham khảo:

//thanhhoa.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-tai-chinh/huong-dan-kinh-phi-to-chuc-ky-thi-tuyen-sinh-vao-lop-10-thpt.html

NHẬT DUY