Ước mơ của thầy giáo mầm non trên đỉnh Trường Sơn

27/06/2020 07:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bây giờ chúng ta sẽ hát bài “Cả nhà thương nhau”, các bạn đồng ý không nào? “Dạ”, tiếng hát của thầy trò Phạm Văn Thụn véo von trên dãy Trường Sơn.

Điểm trường Trầm của trường Mầm non Pa Nang (xã Pa Nang – Huyện Đakrông – Quảng Trị) nằm gọn trên một mỏm đồi trên đỉnh Trường Sơn, nơi học tập của gần các em học sinh mầm non người Vân Kiều.

Ở “miền gió hú” này, chỉ vào năm trước đây, Pa Nang gợi nhớ cho các thầy cô giáo, những người đi mở lớp, cắm bản, những ký ức không thể nhạt phai về những ngày gian khó.

Ở độ cao trên 1.200m, các điểm trường như Trầm, Cóc giáp biên giới Việt – Lào quanh năm gió hú, chúng rít vào nhau, luồn qua kẽ nứa của những lớp học dựng tạm tạo thành những âm thanh kỳ dị.

Đã có rất nhiều thầy cô giáo đã không chịu được khổ, không chịu được cảnh giáo viên hợp đồng lương không đủ sống, bỏ lớp, bỏ trò ra đi tìm chân trời mới.

Điểm mầm non trường thôn Trầm (xã Pa Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị). Ảnh: LC

Điểm mầm non trường thôn Trầm (xã Pa Nang, huyện Đakrông, Quảng Trị). Ảnh: LC

Thế nhưng, thầy Hoàng Linh, thầy hiệu phó trường tiểu học Pa Nang, cho biết đó chỉ là những ký ức xa xôi của những ngày gian khó.

Pa Nang giờ đã khác, đường vào các thôn đã có đường bê tông, xe máy có thể về đến tận cổng điểm trường, các thầy cô giờ có thể chỉ mất một giờ đồng hồ về được đến trung tâm xã.

Cuộc sống ở Pa Nang đã có nhiều đổi thay, thế nhưng, gian khó vẫn còn rất nhiều.

Một trong số đó là công tác giáo dục mầm non.

Chưa đầy 1 giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi đã đến với cổng điểm trường Trầm, điểm trường có thầy giáo được gọi vui là thầy giáo mầm non đẹp trai nhất tỉnh Quảng Trị.

Cô Lê Thị Hương, giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho biết, cả tỉnh Quảng Trị có 2 thầy giáo mầm non, một người ở Gio Linh đã làm quản lý, trực tiếp đứng lớp chỉ còn lại thầy giáo Phạm Văn Thụn.

Lớp học của thầy giáo Phạm Văn Thụn. Ảnh: LC

Lớp học của thầy giáo Phạm Văn Thụn. Ảnh: LC

Khi biết có khách, những ánh mắt ngây thơ của đám học trò dõi theo, có lẽ từ lâu chúng không gặp những “người lạ” như lúc này, với chúng chỉ có gia đình, bạn cùng bản và thầy giáo Thụn.

Tuy lạ, nhưng rất nhanh chóng, các con khoanh tay chào những vị khách từ nơi xa đến. Học sinh vùng khó lễ phép và rất ngoan ngoãn.

Tranh thủ lớp nghỉ giải lao, thầy Thụn tiếp chúng tôi bằng thứ nước lá đặc trưng vùng Trường Sơn.

Hồ hởi, cởi mở là những ấn tượng đầu tiên của chúng tôi về thầy giáo mầm non “đẹp trai nhất tỉnh” này.

Hành trình đến với nghề thầy giáo mầm non của thầy Phạm Văn Thụn khiến chúng tôi khá bất ngờ.

Phạm Văn Thụn (sinh năm 1979) sinh ra và lớn lên tại xã Gio Mai (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị). Nhà Thụn nghèo, mẹ lại đơn thân nuôi con khôn lớn. Tuổi thơ của Thụn là những tháng năm nhọc nhằn vượt khó đến trường.

Ở tuổi 18, trước khi vào đại học, chàng trai Phạm Văn Thụn lên đường nhập ngũ.

Sau 2 năm rời màu xanh áo lính, anh bộ đội năm nào bỏ qua 2 trường đại học đã thi đậu, chọn cho mình nghề giáo mầm non.

Việc Thụn chọn vào học khoa Mầm non Trường Đại học Sư phạm Huế trước sự ngỡ ngàng của nhiều người, thậm chí cả… giám thị coi thi.

“Ngày tôi đi thi mầm non, tôi bị giám thị đuổi khỏi phòng vì tưởng đi vào nhầm. Tôi phải cương quyết, rằng mình không nhầm. Giám thị phải kiểm tra rất nhiều lần thẻ dự thi tôi mới được thi”, thầy Thụn vừa cười, vừa kể về lần gặp “rắc rối” đầu tiên của mình khi đến với nghề giáo mầm non.

Cả một quá trình học, thầy lúc nào cũng là “độc nhất” khi đi dạy cũng gặp biết bao phiền toái vì đi đâu mình cũng chỉ có mình mình là đàn ông theo cái nghề mầm non này.

“Trong quá trình học, không ít lần, nhiều giáo viên vào lớp tưởng tôi ngồi nhầm lớp học.

Cùng với đó, những giờ học múa, học hát không hề dễ dàng chút nào đối với tôi, bởi các bạn nữ dẻo dai, khéo léo, trong khi mình chân tay lóng ngóng, người thô tháp.

Nhưng cũng may mắn, trong những năm tháng sinh viên, tôi được các thầy cô rất ưu ái, tận tình chỉ bảo để mình không nản lòng, bỏ cuộc", thầy Thụn cho biết.

Có lẽ vì thế, sau những ngày rèn luyện nên dù là đàn ông, nhưng xem ra cái nghề làm “cô giáo mầm non” của thầy Thụn chẳng kém cánh chị em là mấy.

Thầy trò cùng "thả tim". Ảnh: LC

Thầy trò cùng "thả tim". Ảnh: LC

Các cô ở điểm trường Trầm còn bảo mình may mắn hơn các điểm trường khác vì có cánh tay người đàn ông lo việc trên trường.

Từ cái bóng điện hỏng, cái vòi nước tắc hay việc gì nặng nhọc, có tí đàn ông vào cũng khác đi nhiều.

Vào ngành từ năm 2008, chừng ấy năm công tác, dấu chân của thầy Thụn trải khắp những điểm trường khó ở Pa Nang, từ thôn Ngược, Cóc, Bù, A La, … những điểm trường mà một thời nghe qua nhiều người cảm thấy lạnh sống lưng.

“Đến điểm trường Ngược lúc đó tôi chưa dạy ngay vì chưa có trường lớp. Suốt một tuần đầu tiên tôi cùng bà con dân bản lên rừng chặt tre, cắt nứa để dựng trường. Lớp được dựng lên có 7 trò, phần lớn đã quá tuổi học mẫu giáo.

Đó cũng là lớp mẫu giáo đầu tiên ở bản Ngược được mở”, thầy Thụn nhớ lại.

Cuộc sống của các thầy trước kia là những ngày bám làng, bám dân trời mưa có ngày phải ra suối bắt cóc, bắt nhái để mưu sinh qua ngày…

“Những ngày ấy đã qua như một giấc mơ các anh ạ. Chẳng ai nghĩ một ngày ở Pa Nang có sự đổi thay như thế”, thầy Thụn bồi hồi.

Để vượt qua những ngày gian khó ấy, thầy Thụn bảo, có lẽ chẳng có gì ngoài tình yêu con trẻ khiến thầy trụ lại được ở đất Pa Nang.

Cũng đã có nhiều người ở lại và nhiều người bỏ đi nhưng với thầy giáo Thụn, hành trình ở Pa Nang là hành trình của cuộc đời, hành trình của cái duyên với nghề rồi.

Trong câu chuyện của thầy Thụn, có những niềm vui “nho nhỏ” của người thầy khi học trò nhận ra mình và hạnh phúc vì những thành tích đã đạt được với nghề và hơn cả, thầy Thụn có một người bạn đời thấu hiểu cho nghề của mình.

Là thầy giáo mầm non, thầy Thụn cũng đã đạt giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp huyện… và được đồng nghiệp quý mến.

Nói về ước mơ, thầy Thụn bảo, ước mơ thì cũng không có gì lớn lắm, chỉ ước các trò đến lớp đều, các con ăn ngoan, khỏe là “vui lắm rồi”.

Trước khi chia tay thầy Thụn bảo, thầy có một ước mơ vui vui là làm sao tất cả những thầy giáo dạy mầm non được gặp mặt trong một cuộc gặp nào đó.

Đó cũng là hạnh phúc của những người thầy, người bố mầm non.

Trần Phương