Đổi mới phương pháp tuyên truyền vận động người dân tham gia bảo hiểm

23/10/2020 16:29
Phan Văn Rí
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là tham luận Báo cáo của ông Phan Văn Rí, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện U Minh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau.

LTS: Ông Phan Văn Rí (Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện U Minh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau) là một trong những cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước của Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu tham luận của ông trong Đại hội Thi đua yêu nước Ngành Bảo hiểm xã hội lần thứ V.

Cuối năm 2018, số người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện U Minh là 243 người, chiếm 0,24% dân số của huyện.

Tỷ lệ người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện của huyện rất thấp do công tác tuyên truyền, vận động người dân tại cộng đồng dân cư gặp rất nhiều khó khăn.

Sau những trăn trở đi tìm giải pháp hiệu quả, bản thân tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu các phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân qua nhiều tài liệu của Đảng, Nhà nước, của các vị lãnh đạo qua các thời kỳ cách mạnh để tham khảo, học tập.

Suy cho cùng, bản thân tôi nhận thấy, để tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả thì phải bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng ấp, khóm.

Ông Phan Văn Rí - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện U Minh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau.

Ông Phan Văn Rí - Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện U Minh, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau.

Với phương châm đó, tháng 3/2019, với cương vị là Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện U Minh, tôi đã chủ động phối hợp với Bưu điện huyện, Uỷ ban nhân dân xã Khánh Thuận xây dựng kế hoạch phối hợp tuyên truyền, triển khai Bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa bàn các ấp như sau:

+ Bước 1: Uỷ ban nhân dân xã bố trí mời Bí thư chi bộ, Trưởng ấp, Ban công tác Mặt trận các ấp, khóm; các tổ chức đoàn thể của xã triển khai kế hoạch phối hợp giữa Uỷ ban nhân dân xã, Bảo hiểm xã hội huyện, Bưu điện huyện; lịch đối thoại, tư vấn từng ấp, khóm; triển khai, tư vấn về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện; ký kết giao ước thi đua theo chỉ tiêu dân số của từng ấp, khóm (bước này do Uỷ ban nhân dân xã chủ trì).

+ Bước 2: Chi bộ, Trưởng ấp, Ban công tác Mặt trận các ấp, khóm phân công đi trực tiếp nhà dân phát thư mời, phát loa tuyên truyền, chọn đối tượng, tư vấn cho nhân dân hiểu về chế độ chính sách an sinh xã hội của Đảng, Nhà nước.

+ Bước 3: Thực hiện đi từng ấp, khóm theo lịch đối thoại đã ban hành, tư vấn trực tiếp với nhân dân tại ấp, khóm; hướng dẫn cho nhân dân đăng ký tham gia, thu tiền, phát sổ Bảo hiểm xã hội trực tiếp.

Kết quả, sau 04 ngày triển khai tại 15 ấp của xã Khánh Thuận đã có khoảng 230 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 1,5% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của xã; vượt 0,5% so với Kế hoạch của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra.

Từ kết quả đó, Bảo hiểm xã hội huyện tiếp tục chủ động phối hợp với Uỷ ban nhân dân các xã, thị trấn còn lại trong huyện và Bưu điện huyện để triển khai.

Tính đến ngày 30/10/2019, phương pháp tuyên truyền đó đã được thực hiện tại 08/08 xã, thị trấn, với 98/98 ấp, khóm, từ đó đã vận động được 1.463 người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện, chiếm 1,46% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của huyện, tăng 1.218 người so với cuối năm 2018 (bình quân mỗi tháng tăng 121 người).

Tính hết tháng 8/2020, toàn huyện có thêm 900 người tham gia mới, nâng tổng số đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn huyện là 2.296 người, chiếm 2,27% số nông dân và lao động khu vực phi chính thức của huyện, tăng 1.794 người so với cuối năm 2018, tăng 751 người so với cuối năm 2019 (bình quân mỗi tháng tăng 150 người).

Có thể nói phương pháp tuyên truyền này đã cho thấy hiệu quả rõ rệt tại địa bàn huyện U Minh. Mặc dù có tháng mưa dầm không triển khai được kế hoạch tuyên truyền tại địa bàn dân cư, nhưng do nhận thức được đầy đủ chính sách Bảo hiểm xã hội nên người dân đã tự tuyên truyền, vận động nhau đăng ký tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khiến số người đăng ký tham gia tiếp tục tăng.

Tôi nhận thấy rằng: Bên cạnh việc vận động, phát triển được người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện thì làm sao để quản lý tốt đảm bảo đối tượng tham gia tái tục cũng là một nhiệm vụ quan trọng.

Theo đó, mỗi cán bộ Bảo hiểm xã hội phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, để Nhân dân thấy được chính sách Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế là chính sách ưu việt của Đảng và nhà nước nên yên tâm, tin tưởng tham gia.

Trong công tác, làm việc có kế hoạch cụ thể, nói đi đôi với làm, luôn tạo thuận lợi, hỗ trợ tối đa cho người dân để người dân được hưởng quyền lợi Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo đúng quy định, như: Hướng dẫn, hỗ trợ người dân cấp đổi thẻ Bảo hiểm y tế; giải quyết các chế độ Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế theo quy định; đối với những trường hợp thay đổi phương thức đóng, mức đóng hoặc dừng đóng để bảo lưu... thì phân công viên chức quản lý và đại lý liên hệ hỗ trợ ngay, cố gắng làm sao không để đối tượng dừng đóng hay lựa chọn nhận Bảo hiểm xã hội một lần để lo trước mắt mà mất đi quyền lợi lâu dài.

Thời gian tới, tôi tiếp tục chủ động phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn và Bưu điện huyện triển khai, đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện tới từng ấp, khóm và người dân, hướng tới mục tiêu Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế toàn dân, góp phần vào công tác đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Phan Văn Rí