Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư Số 28/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường tiểu học, Thông tư Số 32/2020/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ trường trung học.
Khoản 4 Điều 21 Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục
4. Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy đảm bảo yêu cầu của công tác lưu trữ và có giá trị như hồ sơ giấy.
Khoản 4 Điều 21 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ: Hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục trong nhà trường gồm:
4. Hồ sơ quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này dạng hồ sơ điện tử được sử dụng thay cho các loại hồ sơ giấy theo lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và bảo đảm tính hợp pháp của các loại hồ sơ điện tử.
Việc quản lý hồ sơ điện tử do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định theo chuẩn kết nối, chuẩn dữ liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Như vậy, từ năm học 01/11/2020 (2020 - 2021) giáo viên Tiểu học không cần phải in hồ sơ giáo án; giáo viên Trung học có được sử dụng hồ sơ điện tử thay thế hồ sơ giấy hay không còn phụ thuộc vào điều kiện của địa phương, nhà trường, khả năng thực hiện của giáo viên và quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo.
Công văn Số: 3415/BGDĐT-GDTH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2020-2021 ghi rõ “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý kết quả giáo dục và học tập của học sinh để giảm áp lực về hồ sơ, sổ sách, dành nhiều thời gian cho giáo viên quan tâm đến học sinh và đổi mới phương pháp dạy học”.[1]
(Ảnh minh họa: Dangcongsan.vn) |
Công văn Số: 3414/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2020-2021 ghi “Tiếp tục thực hiện tinh giản hồ sơ, sổ sách trong nhà trường; quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo.
Nâng cao chất lượng sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong các cơ sở giáo dục trung học; tăng cường sử dụng hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lý giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lý và báo cáo”.[2]
Thế nhưng “Bộ ở xa quá, dưới cơ sở giáo viên vẫn bị trói chặt bằng hồ sơ, sổ sách”, Bộ đã cởi trói, giải phóng cho giáo viên, thế nhưng các cơ sở trường Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo không nhúc nhích thì giáo viên ... cũng đành chịu. [3]
Đã có địa phương nào sử dụng giáo án điện tử?
Nói về tiên phong sử dụng giáo án điện tử phải dành lời khen ngợi cho đất học Hà Tĩnh. Đã ba năm trước, một số trường đã sử dụng giáo án điện tử, nay sử dụng giáo án điện tử đang được mở rộng hầu khắp các địa phương trong tỉnh.
Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản số 2848/GDĐT-TH ngày 08/9/2020 về hướng dẫn chuyên môn cấp tiểu học năm học 2020-2021 hướng dẫn tạm thời về sử dụng hồ sơ sổ sách điện tử có ghi “giáo viên có thể chuẩn bị giáo án, ghi chép nội dung sinh hoạt, hoạt động, các hồ sơ khác và lưu trữ trong máy, không phải in ra giấy”.
Theo phản ánh của giáo viên, một số tỉnh như Cà Mau, Đắk Lắk, Khánh Hòa ... cũng đã và đang “bật đèn xanh” sử dụng giáo án điện tử.
Sử dụng giáo án điện tử có khó khăn trong quản lý không? Có lợi gì không?
Để trả lời câu hỏi này, thầy giáo Nguyễn Nam Thắng, Bí thư Đảng bộ, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Nguyễn Đình Liễn, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ:
“Đối với công tác quản lý, chỉ cần vài thao tác nhỏ, Ban giám hiệu nhà trường sẽ dễ dàng kiểm tra, theo dõi, thống kê được việc soạn giảng của giáo viên trong tuần, tháng, học kỳ và năm học; cập nhật danh sách giáo viên còn thiếu giáo án; giáo viên đã gửi giáo án nhưng không đảm bảo chất lượng; danh sách các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn chưa thực hiện việc duyệt giáo án …
Sử dụng phương pháp quản lý giáo án online này, giáo viên không cần in giáo án; có thể sửa chữa giáo án kịp thời; sửa bất cứ khi nào, đảm bảo nội dung, phương pháp dạy học cho từng đối tượng học sinh cụ thể.
Giáo viên có kho lưu trữ giáo án của mình, không lo mất giáo án khi thiết bị của mình bị hư hỏng hay mất mát.
Với cấp độ cán bộ quản lý, có thể kiểm tra bất cứ khi nào, ở đâu, miễn là có máy tính nối mạng hay điện thoại thông minh có kết nối mạng.
Nếu đón các đoàn thanh tra, kiểm tra, khi cần biết giáo án giáo viên, chỉ cần cấp mã số đăng nhập, cán bộ thanh tra có thể kiểm tra giáo án của bất cứ giáo viên nào trong trường”. [4]
Sử dụng và quản lý giáo án điện tử vừa là thực hiện chỉ đạo của Bộ, vừa thể hiện khả năng của người quản lý, vừa có lợi cho giáo viên, vừa có lợi cho xã hội.
Căn cứ pháp lý đã có, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm học 2020 – 2021 đã có, chỉ thiếu sự “nhúc nhích” của cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Nếu cán bộ quản lý cơ sở giáo dục không chịu “nhúc nhích” thì chẳng khác gì “Bộ đã cởi nhưng cơ sở vẫn trói, giáo viên chỉ biết kêu ... trời!”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-3415-thuc-hien-nhiem-vu-giao-duc-tieu-hoc-nam-hoc-2020-2021-190407-d6.html
[2]https://luatvietnam.vn/giao-duc/cong-van-3414-nhiem-vu-giao-duc-trung-hoc-nam-hoc-2020-2021-190408-d6.html
[3] https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-o-xa-qua-duoi-co-so-giao-vien-van-bi-troi-chat-bang-ho-so-so-sach-post213188.gd
[4]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/gap-hieu-truong-tien-phong-quan-ly-giao-an-online-post203846.gd