LTS:Trong đợt dịch covid-19 vừa qua, cùng với ngành y tế, sinh viên khoa Y của các trường đại học đã có nhiều phát minh, sáng chế khoa học để cùng cả nước lên tuyến đầu chống lại đại dịch.
Những công trình ấy đã phần nào góp sức trong chiến thắng của Việt Nam với Covid-19 đến thời điểm hiện tại.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu đến độc giả loạt bài này.
Khi đại dịch covid-19 bùng nổ, cùng với cuộc chạy đua tìm vắc xin là “cuộc chiến” thu mua trang thiết bị y tế, trong đó khẩu trang là ưu tiên hàng đầu.
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cần một loại khẩu trang giá thành rẻ, thân thiện với môi trường, 5 sinh viên gồm: Nguyễn Hồng Dung, Võ Thị Hàn Châu, Nguyễn Lê Nhật Mai, Nguyễn Thị Thanh Nga (cùng là sinh viên năm 2 Khoa Điều dưỡng) và Phan Văn Thịnh (sinh viên năm 4 Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Duy Tân) đã lên ý tưởng sản xuất khẩu trang từ bã mía.
Không đứng yên khi đại dịch hoành hành
Đợt dịch vào tháng 7 vừa qua, khiến Đà Nẵng trở thành “tâm dịch” của cả nước. Các hoạt động của thành phố gần như ngưng trệ bởi lệnh phong tỏa, khoanh vùng.
Nhóm sinh viên điều dưỡng nghiên cứu chế tạo khẩu trang phòng covid-19 từ bã mía. Ảnh: AN |
“Những ngày này, chiếc khẩu trang trở thành cứu cánh cho tất cả mọi người trước dịch bệnh covid-19. Dù vậy, nhiều người lại sử dụng khẩu trang một lần rồi vứt bừa bãi ra đường, gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Do đó, nhóm chúng em có ý tưởng chế tạo ra loại khẩu trang làm từ nguyên liệu đã bỏ đi là bã mía. Thực tế thì có nhiều sản phẩm được chế tạo ra từ bã mía như: hộp đựng cơm, cốc ly, sổ tay... nhưng khẩu trang thì chưa có”, Nguyễn Hồng Dung (trưởng nhóm) chia sẻ.
Từ ý tưởng đó, Dung cùng cả nhóm bắt tay vào tìm kiếm tài liệu, tham vấn các thầy cô để cho ra đời một chiếc khẩu trang bảo đảm chất lượng, an toàn và kháng khuẩn.
“Từ ý tưởng cho đến khi ra đời sản phẩm là một quá trình khá khó khăn. Bởi chúng em là dân điều dưỡng, chuyên về chăm sóc sức khỏe còn hiểu biết về nguyên vật liệu, hóa học thì khá khiêm tốn.
Nhưng may mắn nhờ sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa và Tiến sĩ Lê Hoàng Sinh, một nhà chuyên nghiên cứu, chế tạo vật liệu tách chiết từ bã mía trong trường, phải mất nhiều ngày nghiên cứu, thử nghiệm, có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc thì cả nhóm mới cho ra đời một mẫu hoàn thiện”, Nga chia sẻ thêm.
Theo Nga thì cái khó nhất trong việc chế tạo khẩu trang lần này là tách chiết màng từ bã mía, sau đó tính toán làm sao lớp màng bảo vệ có thể thông khí nhằm bảo đảm an toàn cho người dùng khi đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Lê Hoàng Sinh (Trường Đại học Duy Tân), người trực tiếp hướng dẫn cho nhóm sinh viên Điều dưỡng chia sẻ: “Cái này cũng khá là tình cờ. Đề tài mà tôi đang làm là tách chiết sợi từ phế phẩm nông nghiệp như: bã mía, tro trấu...
Đó là đề tài nghiên cứu cấp sở ở Đà Nẵng nhằm tạo ra các sản phẩm như: ly cốc, dùng một lần. Khi biết ý tưởng của các em, tôi rất ủng hộ vì thị trường đang rất cần khẩu trang”.
Cũng theo Tiến sĩ Sinh, việc sinh viên năm 2 tham gia nghiên cứu khoa học là điều rất cần thiết, nhằm chuyển hóa những kiến thức học được trên giảng đường vào ứng dụng thực tiễn.
“Nghiên cứu khoa học không phải chỉ dành riêng cho những người chuyên nghiệp với những ý tưởng cao siêu, mà ngay cả các bạn sinh viên cũng có thể nghiên cứu, ứng dụng miễn là phù hợp với chuyên ngành mình học.
Nó có thể là nghiên cứu để cải tiến một thiết bị y tế nào đó đã được sử dụng lâu nay trong bệnh viện thành một công cụ hoạt động tốt hơn, tiện lợi hơn... chứ không nhất thiết phải tạo ra cái mới. Nghiên cứu đòi hỏi sự kiên trì, nếu các em sinh viên đủ độ kiên trì và đam mê cái mới thì sẽ thành công”.
Cũng theo Tiến sĩ Sinh, với những sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học thì nên lập cho mình team gồm những sinh viên liên ngành nhằm bổ trợ kiến thức cho nhau.
Sinh viên điều dưỡng nghiên cứu khoa học
Lâu nay, nhiều người vẫn nghĩ sinh viên điều dưỡng chủ yếu là học cách chăm sóc sức khỏe người bệnh, ít ai lại nghĩ rằng họ cũng đam mê nghiên cứu khoa học để ứng dụng vào chính chuyên môn, công việc của mình.
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó trưởng khoa điều dưỡng (Trường Đại học Duy Tân) giới thiệu về các thiết bị y tế hiện đại cho sinh viên điều dưỡng thực hành kỹ năng. Ảnh: AN |
Cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh – Phó trưởng khoa điều dưỡng (Trường Đại học Duy Tân) cho biết: “Đối với nghiên cứu khoa học thì chúng tôi cũng xác định đó là vấn đề trọng điểm cần phải đưa vào đào tạo, nâng cao về năng lực cho điều dưỡng.
Bởi nhu cầu thực tế hiện nay đòi hỏi điều dưỡng phải có trình độ, việc chăm sóc sức khỏe người bệnh phải dựa trên những kiến thức, nền tảng khoa học.
Do đó, nếu như mình có thể ứng dụng những nghiên cứu khoa học chuyên ngành vào việc đó thì chất lượng sẽ được nâng cao”.
Cô Hạnh cũng chia sẻ thêm, nhà trường đã đưa vấn đề nghiên cứu khoa học vào cho sinh viên năm thứ hai để làm quen và tiếp xúc dần với các phòng thí nghiệm.
Đến năm thứ tư thì sinh viên bắt buộc phải học môn nghiên cứu khoa học. Đây cũng là điểm nổi bật và khác biệt so với một trường khác.
“Khi nhóm của Dung trình bày ý tưởng về việc làm khẩu trang từ bã mía thì Khoa đã cử một giảng viên đến hướng dẫn, hỗ trợ.
Thông qua đó, kết nối với các phòng chuyên môn trong trường nhằm chuyển đổi ý tưởng đó thành sản phẩm.
Sản phẩm nghiên cứu của các em ra đời trong thời điểm dịch bệnh covid-19 đang hoành hành mang rất nhiều ý nghĩa.
Nó phần nào thể hiện trách nhiệm, sự sẻ chia của sinh viên khối ngành chăm sóc sức khỏe trước khó khăn của xã hội”.
Hiện sản phẩm khẩu trang từ bã mía của nhóm sinh viên điều dưỡng đang được hoàn thiện hơn để làm thủ tục gửi cơ quan chức năng cấp phép lưu hành trên thị trường.