Vừa qua Đại hội toàn thể lần thứ II (nhiệm kỳ 2020-2025) của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã bầu Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Tại Đại hội, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng khẳng định, một trong những nhiệm vụ mà Hiệp hội đề ra trong nhiệm kỳ này là nỗ lực góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về tự chủ đại học.
Trước quyết tâm của tân Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông xung quanh vấn đề tự chủ đại học.
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Tùng Dương |
Phóng viên: Nhiều chuyên gia nhận định, tự chủ là một đặc trưng cơ bản của quản trị đại học, ông nghĩ sao về điều này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thủa xưa, khi mới ra đời, các đại học đầu tiên phần nhiều là của tôn giáo hoặc của nhà nước để đào tạo ra những con người truyền đạo hoặc làm công chức nhà nước. Ngày đó đại học chưa có tự chủ.
Sau này đại học được thế tục hóa, phục vụ mục tiêu phát triển con người và sự phát triển của xã hội nói chung.
Từ đó đại học có nhu cầu tự chủ, tạo ra một bước tiến lớn trong phát triển giáo dục đại học nói riêng và phát triển xã hội nói chung.
Đại học gắn với tự chủ, đương nhiên là tự chủ, quan niệm hiện đại là vậy. Do đó nếu chưa tự chủ thì chưa phải là đại học theo đúng nghĩa của nó.
Đại học gắn với tự chủ, phân biệt với phổ thông cấp 4. Mà trong tương lai, ngay cả trung học phổ thông (cấp 3) rồi cũng phải tự chủ dần vì phổ thông cơ bản cũng sẽ kết thúc ở trung học cơ sở. Còn phổ thông trung học là giai đoạn bắt đầu hướng vào nghề nghiệp. Trong đó, sẽ có tự chủ về chương trình, lúc đầu là một nửa sau là toàn bộ.
Đại học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức đã có, mà quan trọng hơn thế, còn là nơi sản sinh ra tri thức mới. Mà để có thể sản sinh ra tri thức mới thì bản thân công việc đó đòi hỏi sự năng động, sáng tạo rất nhiều. Không có tự chủ sẽ không thể làm tốt.
Tính đa dạng của con người và nghề nghiệp đòi hỏi quản trị phải phù hợp với đối tượng. Tự chủ đáp ứng kịp thời hơn so với không được tự chủ. Ngày nay thế giới thay đổi, khoa học – công nghệ phát triển rất nhanh, càng đòi hỏi sự ứng phó linh hoạt, năng động.
Đại học phải tập trung cho phát triển năng lực. Mà năng lực trước tiên là năng lực tư duy độc lập. Khả năng tư duy độc lập là dấu hiệu và biểu hiện của sự trưởng thành. Không thể tạo ra sản phẩm tư duy độc lập khi mà nhà trường và thầy cô giáo không được tự chủ trong đào tạo.
Mặt khác, cơ chế bộ chủ quản như ở Việt Nam thì phần nhiều là một cơ quan hành chính hay đoàn thể, không phải đơn vị sự nghiệp đào tạo, về mặt chương trình và quản trị đào tạo, sẽ không có chuyên môn sâu, không thể giỏi bằng tập thể một trường đại học trên phương diện đó.
Vì thế, cơ chế tự chủ thay cho cơ chế chủ quản là khách quan, chỉ trừ trường hợp đối với các trường thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an vì tính đặc thù (đào tạo riêng cho ngành đó sử dụng, có yêu cầu quản lý đầu vào, đầu ra và xây dựng môi trường, tác phong quân sự).
Ảnh: Tùng Dương |
Phóng viên: Nhìn lại chặng đường vừa qua, ông đánh giá như thế nào về tình hình tự chủ đại học ở nước ta và trên thế giới?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Ở nước ta, trước đây khoảng vài chục năm hầu như chưa nói gì đến tự chủ, thậm chí nghe quá mới và xa lạ. Cá biệt còn kiêng dè, cảnh giác.
Mấy năm gần đây đã bắt đầu nói nhiều. Theo nghĩa ấy đã có tiến bộ về tư duy, nhận thức. Rồi đến một lúc nữa nó sẽ là đương nhiên trong nhận thức chung của cả xã hội như ở nhiều nước có nền giáo dục tiên tiến.
Chủ trương của Đảng và Nhà nước cơ bản đã có, khá rõ ràng, đầy đủ và đồng bộ. Nghị quyết của Đảng, Luật của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Thông tư, Hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tất nhiên vẫn cần tiếp tục bổ sung và hoàn thiện.
Trong khi đó, thế giới thì phần lớn đã thực hiện từ lâu, trước chúng ta khá xa thậm chí hơn nửa thế kỷ.
Ở Việt Nam đã có chủ trương về cơ bản là rất đúng đắn nhưng tổ chức thực hiện thì còn nhiều khó khăn, lúng túng, dập dừng.
Đã có một số kết quả tốt ở một số cơ sở đào tạo, đủ để khẳng định sự đúng đắn của chủ trương tự chủ đại học. Hai đại học quốc gia không có chủ quản là hai đại học mạnh nhất. Tuy nhiên khó khăn vẫn còn nhiều, thậm chí các khó khăn ấy đang thử thách ý chí và năng lực đổi mới của chúng ta, thử thách cả việc tổ chức thực hiện thành công hay thất bại đối với chủ trương quan trọng này.
Sự lúng túng đó thể hiện ở việc:
Thứ nhất, cơ quan chủ quản vẫn còn, trong khi tự chủ là tự nhà trường làm chủ lấy.
Thứ hai, Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất nhưng trên thực tế thì chưa được (do cơ quan chủ quản và hiệu trưởng chi phối ngược).
Thứ ba, xem xét đúng sai của nhà trường thì trên cơ sở những quy định cũ, khi chưa tự chủ.
Thứ tư, Hội đồng trường quyết định ai là hiệu trưởng nhưng thực chất thì ngược lại, hiệu trưởng quyết định hội đồng trường.
Thứ năm, Luật pháp quy định việc chọn hiệu trưởng hay cách chức, cho thôi chức hiệu trưởng là việc của hội đồng trường, nhưng có cơ quan chủ quản vẫn tự quyết định thôi chức, cách chức hiệu trưởng và bổ nhiệm người khác thay thế.
Thứ sáu, lại có tình trạng song song tồn tại hai cơ chế, tự chủ và chủ quản, cũng có nghĩa là tự chủ và không tự chủ.
Thứ bảy, sau khi có chủ trương thì Chính phủ đã cho thí điểm tự chủ. Thí điểm đã sáu năm rồi nhưng tổng kết toàn diện và chỉ đạo tiếp theo thì chưa mạnh mẽ, rõ ràng. Trong khi đang có sự giằng co về quyền và lợi ích giữa các bên. Ngược lại cũng có trường hợp lãnh đạo nhà trường không muốn tự chủ.
Tôi có băn khoăn, phải chăng cơ chế bao cấp đã tạo thành nếp nghĩ và sự lười biếng trong động não, hay là cán bộ chưa đủ năng lực để tự chủ. Nếu do không đủ năng lực mà không thực hiện tự chủ thì bao giờ mới biết tự chủ? Trong trường hợp này tốt nhất là bố trí lại cán bộ. Có nơi chỉ xin tự chủ về tài chính (trong khi tự chủ chương trình là lý do chính để tự chủ các mặt khác).
Vì sao vấn đề tự chủ lại khó khăn như vậy, kể cả khi đã có chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Bởi đây thực chất đằng sau nó là vấn đề phân chia quyền lực, tranh giành quyền lực. Sự tranh giành ấy có nhiều trường hợp liên quan trực tiếp vấn đề “lợi ích nhóm” và các nhóm lợi ích, họ lại có sức mạnh của đồng tiền kết hợp với quyền lực trong tình trạng thoái hóa.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một trong 23 cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự chủ theo Nghị quyết 77. |
Phóng viên: Từ những nguyên nhân “cản trở” tự chủ đại học như vậy thì theo ông, tới đây Nhà nước cần tiếp tục làm gì để thực hiện thành công chủ trương này?
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Theo tôi, để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học cần tiếp tục nhận thức cho sâu sắc tầm quan trọng lớn lao của vấn đề này và ý nghĩa của nó đối với tương lai của dân tộc và đất nước. Trong đó phải bám chắc mục tiêu chất lượng đào tạo. Tự chủ là để có chất lượng cao hơn. Nếu để chệch khỏi mục tiêu này thì sẽ sai lầm.
Nếu không giải quyết được vấn đề tự chủ thì đại học Việt Nam không thể cất cánh, sẽ tiếp tục lúng túng và dễ dẫn đến khủng hoảng.
Do vậy, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần khẩn trương đi sâu để tổng kết đánh giá kết quả làm thí điểm vừa qua, kiến nghị rõ ràng các giải pháp cần bổ sung và sự chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thành công chủ trương tự chủ. Tổng kết nói ở đây là để đi tiếp một cách mạnh mẽ và vững vàng, chứ không phải để kết luận làm hay không, tiến hay lùi.
Vấn đề tự chủ đại học đang liên quan đến quyền và lợi ích của nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan và cấp chủ quản, nên khi thực hiện sẽ có đụng chạm về quyền lực. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của Thường trực Chính phủ và Thường trực Ban bí thư.
Phải bảo vệ kiên quyết chủ trương tự chủ đại học và những vấn đề có tính nguyên tắc, cốt lõi của tự chủ như:
Tự chủ đầy đủ cả 4 mặt về chương trình, nhân sự, tài chính và quản trị, trong đó, việc tự chủ chương trình là quan trọng nhất và chi phối các mặt tự chủ kia;
Quyền tự chủ được giao cho tập thể hội đồng trường (chứ không phải cho cá nhân hiệu trưởng hay bí thư đảng ủy) và hội đồng ấy được hình thành trên cơ sở bầu chọn theo cơ cấu thành phần do pháp luật quy định;
Không còn cơ quan chủ quản từ khu vực hành chính như lâu nay;
Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất, hội đồng trường quyết định chọn hiệu trưởng;
Tự chủ gắn với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm giải trình và sự minh bạch thông tin: gắn với cơ chế tự kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vi phạm trong nội bộ nhà trường, hội đồng trường và hiệu trưởng có nghĩa vụ tuân theo pháp luật chung, về quản lý xã hội và quản lý giáo dục.
Đặc biệt, việc vi phạm các quy định về tự chủ phải được phê phán mạnh mẽ và xử lý trách nhiệm bằng hành chính và luật pháp.
Những gì đã sai luật về tự chủ đại học thì phải quay về đúng luật rồi đi tiếp theo luật, nếu không nghiêm thì cũng có nghĩa là không có tự chủ, quy trở về với cơ chế cũ.
Đề nghị Chính phủ và các bộ liên quan sớm có quy định và hướng dẫn việc chuyển từ cơ chế có chủ quản sang cơ chế tự chủ của các trường đại học, giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến tài chính và nhân sự để bảo đảm cho các trường được vận hành bình thường và thông suốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn ông.