Chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập sẽ có hiệu lực đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các thầy cô giáo.
Giáo viên các cấp vẫn đang băn khoăn lo lắng vì thông tư xếp hạng (Ảnh: AN) |
Tại nhiều cơ sở giáo dục, giáo viên băn khoăn, lo lắng với khá nhiều câu hỏi xung quanh việc thăng hạng, xuống hạng hay vẫn giữ hạng cũ?
Quan tâm lớn nhất là những giáo viên đang giữ hạng II cũ
Năm 2015, triển khai thực hiện Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội vụ đã ban hành các Thông tư liên tịch quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập (các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV).
Đã có hàng trăm ngàn giáo viên được thăng hạng II lúc đó. Ngày, 2/2/2021 Bộ Giáo dục tiếp tục ban hành chùm Thông tư 01;02;03;04/2021/TT-BGDĐT quy định lại mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương mới. Theo đó, mã số và hệ số lương cũng thay đổi khá lớn.
Nhiều thầy cô giáo đang ở hạng II cũ cũng lo lắng không biết mình có giữ được hạng và chuyển sang hạng II mới hay không?
Dựa vào nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên cả 4 bậc học thì nhiều giáo viên hạng II cũ khó giữ hạng để chuyển sang hạng II mới?
Cả 4 bậc học đều như nhau nên chúng tôi chỉ lấy ví dụ về giáo viên tiểu học.
Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học, Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT nêu rõ:
1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.
Điều 4, Thông tư 02/2021 quy định về nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng II:
Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên tiểu học hạng III, giáo viên tiểu học hạng II phải thực hiện các nhiệm vụ sau:
a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;
b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;
c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;
d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).
Nguyên tắc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp còn nêu rõ: Giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.07) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng III (mã số V.07.03.29).
Nếu căn cứ vào những nhiệm vụ này thì chỉ có giáo viên kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn mới đủ điều kiện được giữ hạng.
Vì thế, việc giữ hạng để bổ nhiệm qua hạng chức danh mới của hàng trăm ngàn giáo viên trước đây xem như rất khó.
Những điều bất cập
Hàng trăm ngàn giáo viên đã được thăng hạng II theo các Thông tư liên tịch số 20;21; 22;23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV cũng từng làm tổ trưởng, tổ phó, cũng từng đảm nhiệm các nhiệm vụ được quy định nêu trên. Nay, bản thân họ không đảm nhận chức danh này lại bị tụt hạng.
Vậy, những giáo viên hiện đang kiêm nhiệm chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn sẽ được giữ hạng II và chuyển sang hạng II mới.
Thế nhưng, trong các trường học, chức danh tổ trưởng, tổ phó thường được luân chuyển, thay đổi thường xuyên (theo quy định điều lệ trường học 1 năm sẽ bình bầu một lần).
Câu hỏi giáo viên chúng tôi đặt ra là, liệu rằng lúc đó, những giáo viên được giữ hạng chuyển sang hạng mới (cùng hạng) lần này, khi không còn làm tổ trưởng, tổ phó liệu có bị xuống hạng như những giáo viên trước đây hay không?
Và, chức danh tổ trưởng, tổ phó chuyên môn ở các trường học thường xuyên thay đổi, giáo viên cũng sẽ thường xuyên bị giáng hạng hoặc thăng hạng hay sao?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.