Tại sao vào Đại học thì mổ lợn ăn khao, đi học nghề thì lặng lẽ nhập học?

01/07/2021 11:08
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo đánh giá, Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầy đủ theo đúng giá trị của Giáo dục nghề nghiệp.

Ngày 30/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã khai mạc Hội nghị bàn về phát triển không gian truyền thông Giáo dục nghề nghiệp, hình thành hệ sinh thái truyền thông Giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan truyền thông báo chí.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng – Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết:

“Giáo dục nghề nghiệp có vai trò, sứ mệnh quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên nhận thức của người dân, xã hội về Giáo dục nghề nghiệp chưa tương xứng với vị trí, vai trò này.

Khái niệm hệ sinh thái truyền thông Giáo dục nghề nghiệp bởi thế lần đầu tiên được đề cập với mong muốn đa dạng hóa hình thức truyền thông, đảm bảo truyền tải đầy đủ, kịp thời các hình ảnh Giáo dục nghề nghiệp đến mọi người, mọi lúc, mọi nơi”.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan truyền thông báo chí. Ảnh: Ban tổ chức

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với có sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, tập đoàn và các cơ quan truyền thông báo chí. Ảnh: Ban tổ chức

Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, công tác truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp lâu nay vẫn được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp quan tâm, chú trọng triển khai và đã đạt nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đã có nhiều thay đổi.

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ, những vấn đề mới đặt ra đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, các lĩnh vực, trong đó có Giáo dục nghề nghiệp phải có sự chủ động, bứt phá, sáng tạo trong thời gian tới để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong việc thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Cũng theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Giáo dục nghề nghiệp có sứ mệnh, vai trò quan trọng trong việc góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vai trò, vị trí này đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992, Hiến pháp 2013.

Xa hơn nữa, Giáo dục nghề nghiệp xuất hiện cùng quá trình hình thành phát triển của lực lượng lao động trực tiếp phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Theo đó, cùng với việc tồn tại, phát triển của nền văn minh lúa nước và các làng nghề truyền thống, từ phương thức truyền nghề cho các thế hệ nối tiếp đến sản xuất duy trì cuộc sống và cho tới những năm cuối thế kỷ 19, đã hình thành hệ thống tổ chức đào tạo chính quy tại một số trường nghề.

Gắn liền với quá trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đầu thế kỷ 20, chúng ta có sự ra đời, lớn mạnh của các trường nghề và giai cấp công nhân Việt Nam.

Đây là giai cấp đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, giai cấp tiên phong trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tại Việt Nam hiện nay, Giáo dục nghề nghiệp là một cấp học và trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.

Giáo dục nghề nghiệp có 5 bậc (từ bậc 1 đến bậc 5) trong 8 bậc của Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Còn trên phạm vi toàn thế giới, các quốc gia phát triển đều nhấn mạnh vai trò của Giáo dục nghề nghiệp và nhân lực có kỹ năng nghề.

Kinh nghiệm của các quốc gia thành công, đều có Giáo dục nghề nghiệp phát triển, có lực lượng kỹ năng tay nghề tốt, năng suất lao động, năng lực sáng tạo, năng lực cạnh tranh tốt, đóng góp vào sự phát triển của quốc gia.

Trần Ngọc Minh được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần XI năm 2020. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Trần Ngọc Minh được tuyên dương “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần XI năm 2020. Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp

Cũng theo ông Trương Anh Dũng, Diễn đàn Kinh tế thế giới mới đây đã công bố báo cáo chuyên sâu với chủ đề nâng cao kỹ năng vì sự thịnh vượng chung và những ảnh hưởng sâu sắc của phát triển công nghệ, toàn cầu hóa, đại dịch COVID-19.

Báo cáo cung cấp một phân tích định lượng tác động của việc nâng cao kỹ năng lao động, qua đó cho thấy, nhu cầu quan trọng và ngày càng cao của việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, phát triển Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời đưa ra khuyến cáo với Chính phủ các nước là cần ưu tiên phát triển Giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều thay đổi, và quốc gia đang xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid-19.

Giữ vai trò quan trọng, tuy nhiên theo Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng, không phải tất cả mọi người, các cấp ngành, các cơ quan, tổ chức và người dân đều đã nhận thức đúng vị thế, vai trò của phát triển Giáo dục nghề nghiệp.

Hệ sinh thái truyền thông Giáo dục nghề nghiệp lần đầu tiên được xây dựng với mong muốn đa dạng hóa hình thức truyền thông, thực hiện kết hợp các hình thức truyền thông, đảm bảo công tác truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp được thực hiện mọi nơi, mọi lúc mọi thời điểm, tiếp cận với mọi người.

Câu chuyện truyền thông theo đó sẽ được đẩy mạnh, gắn liền với các giai đoạn trước, trong và sau của các hoạt động Giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở đó tạo chuyển biến trong nhận thức về Giáo dục nghề nghiệp của các cơ quan, ban ngành, của xã hội, người dân về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống Giáo dục nghề nghiệp tham gia thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về Giáo dục nghề nghiệp với tinh thần cộng đồng trách nhiệm, đồng hành để triển khai xây dựng hệ sinh thái”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng thông tin.

Góp ý xây dựng hệ sinh thái truyền thông Giáo dục nghề nghiệp tại cuộc họp, các ý kiến đại diện Văn phòng Chính phủ, Sở Lao động, thương binh và xã hội các tỉnh, thành phố, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp … đều cho rằng, Giáo dục nghề nghiệp ở Việt Nam chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, đầy đủ theo đúng giá trị của Giáo dục nghề nghiệp.

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ban Tổ chức

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ. Ảnh: Ban Tổ chức

Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp, Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ nêu thực tế hiện nay tại nhiều gia đình, con em đỗ đại học thì mổ lợn ăn mừng, còn trúng tuyển vào Giáo dục nghề nghiệp thì lặng lẽ nhập học.

“Nhận thức của xã hội về Giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa đi vào chiều sâu. Do đó mỗi cơ sở Giáo dục nghề nghiệp, mỗi bộ, ngành, địa phương cần quan tâm đến công tác tuyên truyền, chủ động rà soát các vấn đề vướng mắc, tồn tại để có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lương, tránh tình trạng trông chờ, ỉ lại vào nhà nước.

Trong chiến lược phát triển Giáo dục nghề nghiệp sắp tới, cần chú trọng công tác truyền thông về Giáo dục nghề nghiệp”, ông Sơn cho biết.

Trong khuôn khổ hội thảo, đại diện các trường, các Sở Lao động, Thương binh và Xã hội các Tỉnh cũng đã bày tỏ quan điểm tầm quan trọng của việc xây dựng hệ sinh thái truyền thông giáo dục nghề nghiệp.

Trên cơ sở các ý kiến góp ý, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, thời gian tới sẽ tập trung xây dựng và phát triển không gian truyền thông Giáo dục nghề nghiệp.

Trong đó, giai đoạn 2021-2022 sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng số và phát triển các sản phẩm số; Triển khai xây dựng không gian truyền thông Giáo dục nghề nghiệp tại các nơi công cộng, địa điểm đông người qua lại bằng các gian hàng Giáo dục nghề nghiệp, các biển quảng bá về Giáo dục nghề nghiệp… tại các địa phương; Tiếp tục duy trì và đẩy mạnh mối quan hệ với các cơ quan thông tin đại chúng, thông tấn báo chí. Các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp xây dựng không gian truyền thông Giáo dục nghề nghiệp tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp…

Lại Cường