Nữ sinh người Nùng là thủ khoa Đại học Sư phạm, mong thành chuyên gia tâm lý

27/09/2021 06:30
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng nữ sinh người dân tộc Nùng - Hoàng Thị Ngọc đã nỗ lực vươn lên, đạt thành tích cao trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp và chờ đợi kết quả, Hoàng Thị Ngọc (sinh năm 2002) - học sinh Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú N' Trang Lơng (Đắk Lắk) ngày ngày vẫn theo mẹ làm công việc nương rẫy.

Với tổng điểm 3 môn là 27 điểm (Ngữ văn 9,25 điểm; Lịch sử 9,25 điểm; Địa lý 8,5 điểm) cộng các điểm ưu tiên, Ngọc đạt 29,75 điểm, trở thành thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Ngày biết tin, cô nữ sinh trường nội trú vô cùng bất ngờ, vỡ òa trong niềm hạnh phúc.

Hoàng Thị Ngọc - thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Hoàng Thị Ngọc - thủ khoa đầu vào của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: NVCC)

Ngọc chia sẻ: “Đan xen giữa niềm vui là sự tự hào vì em đã khép lại hành trình phấn đấu miệt mài với kết quả trọn vẹn. Phía trước sẽ là một chặng đường mới nhiều thử thách nhưng em sẽ cố gắng với ước mơ của mình. Tuyệt vời hơn khi thành tích này chính là món quà ý nghĩa em dành tặng mẹ - người đã thầm lặng hi sinh cả cuộc đời vì em, vì gia đình”.

Khó khăn là cơ hội để rèn luyện bản thân

Quê gốc ở tỉnh Lạng Sơn nhưng từ năm 1999, gia đình Ngọc đã chuyển vào Đắk Lắk sinh sống. Sinh ra trong một gia đình đông con, có 7 chị em, bố lại mất khi Ngọc chỉ mới 5 tuổi, mọi gánh nặng lo toan đều dồn lên vai người mẹ.

Hiện tại, mẹ Ngọc vẫn phải lo cho ba chị em ăn học, chị của Ngọc đang học đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và một người em năm nay bắt đầu học lớp 12.

Từ năm lớp 6, Ngọc đã bắt đầu cuộc sống tự lập ở trường nội trú. Lên cấp 3, theo học tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú N' Trang Lơng, quãng đường từ nhà tới trường gần 100 cây số, thỉnh thoảng, Ngọc mới được về thăm nhà.

Có khi mỗi tháng, em chỉ về nhà một lần, tranh thủ những ngày được về, Ngọc phụ giúp mẹ công việc nương rẫy. Mặc dù bận rộn và lo toan nhiều việc nhưng mẹ luôn quan tâm, động viên ba chị em Ngọc học tập tốt.

Thấu hiểu những nỗi vất vả, nhọc nhằn của mẹ, Hoàng Thị Ngọc càng nỗ lực, quyết tâm và từng bước đạt được những mục tiêu mà bản thân đặt ra.

Với Hoàng Thị Ngọc, mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất trong mỗi chặng đường học tập của mình. (Ảnh: NVCC)

Với Hoàng Thị Ngọc, mẹ chính là nguồn động viên lớn nhất trong mỗi chặng đường học tập của mình. (Ảnh: NVCC)

Năm lớp 10, Ngọc giành huy chương vàng môn Lịch sử kỳ thi Olympic 10/3 của tỉnh Đắk Lắk và huy chương đồng môn Lịch sử kỳ thi Olympic truyền thống 30/4 do Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong (Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức cho học sinh các tỉnh miền Nam.

Năm lớp 12, Ngọc tiếp tục gặt hái thành tích với giải ba Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh môn Lịch Sử. Đặc biệt, cô nàng cũng khép lại chặng đường 12 năm học tập thành công khi trúng tuyển vào ngành Tâm lý học của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí thủ khoa đầu vào của trường.

“Em cảm thấy may mắn vì gia đình luôn ủng hộ và động viên em trên mỗi chặng đường học tập.

Học tập ở trường nội trú, mọi thứ vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng đây cũng chính là môi trường để em rèn luyện bản thân nhiều hơn.

Ở trường, các thầy cô luôn nhiệt tình giúp đỡ chúng em. Cô giáo dạy Ngữ văn Nguyễn Thị Mai Hương đã tận tình hỗ trợ em trong những ngày đầu bỡ ngỡ bước vào trường cấp 3. Bên cạnh Lịch sử thì Văn học cũng là lĩnh vực em yêu thích, cô thường xuyên gửi tài liệu để em học tập, ôn thi thật tốt. Nhờ vậy mà em đã đạt được kết quả cao trong kỳ thi vừa qua.

Có những thời điểm khó khăn, em không tự tin để tham dự kỳ thi học sinh giỏi, các thầy cô lại động viên để em vượt qua nỗi lo sợ đó. Chính các thầy cô đã dạy cho em bài học về niềm tin, niềm tin ở chính mình và tự tin vào những nỗ lực của bản thân, giúp em trưởng thành từng ngày”, Ngọc tâm sự.

Không có điều kiện để học thêm ở bên ngoài, nữ thủ khoa cho biết, sau những tiết học ở trường, phương pháp học tập tốt nhất chính là tự học.

Đối với các môn khoa học xã hội, Ngọc thường bắt đầu từ việc nắm chắc những kiến thức cơ bản trong sách vở, từ đó liên hệ mở rộng để nâng cao hiểu biết của mình.

Trong quá trình ôn tập môn Ngữ văn, Hoàng Thị Ngọc chú trọng đọc và viết thật nhiều để vừa nắm được kiến thức bài học, vừa làm giàu vốn từ cho bản thân, rèn luyện cảm xúc, khả năng năng phân tích, bình luận.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, Ngọc luôn ghi chép lại những kiến thức trọng tâm, tìm tòi và đọc thêm những tài liệu khác để rèn luyện khả năng ghi nhớ và mở rộng kiến thức cho mình.

Tân thủ khoa cũng cho rằng, luyện đề thi là một trong những phương pháp hiệu quả để làm quen với các dạng bài thi, khắc phục được những lỗi sai thường gặp phải.

Mơ ước trở thành chuyên gia tâm lý

Nói về lựa chọn theo học ngành Tâm lý học, tân thủ khoa trường sư phạm cho biết: “Em là một người sống tình cảm, hướng nhiều về cảm xúc, thích gần gũi và chia sẻ với mọi người xung quanh, vì vậy em nghĩ ngành Tâm lý học sẽ phù hợp với mình.

Cuộc sống hiện đại càng xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, ở một phương diện nào đó, tâm lý là ngành học có liên quan đến sức khỏe con người. Em nhận thấy, đây là một lĩnh vực quan trọng trong xã hội ngày nay, một ngành học ý nghĩa để mình theo đuổi. Em ước mơ sau này sẽ trở thành chuyên gia tâm lý giỏi để có nhiều đóng góp cho cuộc sống và xã hội”.

Ngọc (bên phải) cùng bạn thân lưu giữ kỷ niệm thời áo trắng. (Ảnh: NVCC)

Ngọc (bên phải) cùng bạn thân lưu giữ kỷ niệm thời áo trắng. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, Ngọc cho biết bản thân vẫn cần phải học hỏi nhiều về kiến thức và kỹ năng. Bước vào môi trường đại học, em có dự định sẽ học thêm tiếng Anh để mở rộng cơ hội học tập và tiếp cận với thế giới tri thức.

Ngọc cũng kỳ vọng trường đại học sẽ là nơi để em tiếp tục rèn luyện các kỹ năng như kỹ năng giao tiếp, tư duy phản biện, thuyết trình,... bởi đây là những kỹ năng quan trọng đối với ngành học mà em đã lựa chọn.

Đến thời điểm hiện tại, Ngọc và các tân sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành thủ tục nhập học online và chuẩn bị cho một chặng đường học tập mới.

“Vì tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp nên chúng em chưa được tới trường và phải nhập học trực tuyến. Tuy nhiên, nhà trường đã tạo điều kiện để chúng em tham gia vào các nhóm sinh viên, em đã được giao lưu, trò chuyện với các anh chị khóa trên và tìm hiểu về các hoạt động của trường.

Dịch bệnh có thể sẽ còn gây ra những khó khăn nhưng em cũng đã chuẩn bị các phương án học tập cho mình. Hi vọng thời gian tới, cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới, chúng em sẽ được đến trường, gặp gỡ bạn bè, thầy cô. Em sẽ tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa để rèn luyện thêm về kỹ năng và học tập ở mọi người xung quanh nhiều hơn nữa”, tân thủ khoa cho biết.

Lựa chọn ngành học ngoài sư phạm nên không được miễn học phí, đó là một trong những nỗi lo của Hoàng Thị Ngọc về hành trình học tập phía trước. Hiện tại, Ngọc đang làm thủ tục miễn giảm học phí theo diện sinh viên người dân tộc thiểu số và gia đình thuộc hộ cận nghèo với hi vọng giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Bên cạnh đó, Ngọc cũng chia sẻ về quyết tâm học tập, nỗ lực đạt thành tích cao và giành được học bổng để trang trải cho chi phí học tập tại thành phố, từng bước chinh phục ước mơ của mình.

Phạm Minh