Những năm gần đây, nhiều trường đại học công lập hướng tới đào tạo đa ngành, nhưng điều mà dư luận xã hội quan tâm là chất lượng đào tạo thì vẫn luôn là một dấu hỏi lớn.
Theo thống kê, từ đầu năm 2020 đến 30/7/2021, có 562 ngành đào tạo đã được mở mới, trong đó 413 ngành do cơ sở giáo dục đại học tự chủ mở, 149 ngành do Bộ Giáo dục và Đào tạo mở. [1]
Năm 2021, nhiều trường đã mở thêm nhiều ngành mới để tuyển sinh, thậm chí trường dự định tuyển trên 10 ngành và chuyên ngành mới.
Sự nở rộ này đặc biệt thấy rõ ở khối các trường công lập tự chủ và trường ngoài công lập.
Việc ồ ạt mở các ngành mới đào tạo bậc đại học trong năm học này thực ra đã được dự báo trước.
Tâm lý chạy theo ngành "nóng" có thể khiến cơ cấu nhân lực bị méo mó. Ảnh minh họa, nguồn: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. |
Bởi theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực từ 1/7/2019, các trường đại học được tự chủ trong việc mở ngành đào tạo nếu đảm bảo điều kiện theo quy định.
Tuy nhiên, việc các trường đại học liên tục mở các chuyên ngành mới đang dấy lên nhiều lo ngại về chất lượng đào tạo cũng như việc sứ mệnh đào tạo nhân lực chất lượng cao theo chuyên ngành bị mai một và gây thiếu hụt chất lượng cao ở các chuyên ngành đặc thù.
Ở nhiều trường đại học những ngày truyền thống rất khó tuyển được thí sinh. Ví dụ như ngành địa chất học tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) chỉ tuyển được 29 sinh viên so với 100 chỉ tiêu; ngành hải dương học 24 sinh viên/50 chỉ tiêu.
Trường Đại học Nha Trang vốn là trường thủy sản duy nhất của cả nước trước năm 2006 nên có năm ngành truyền thống, đặc thù về thủy sản. Nhưng giờ thì có đến ba ngành rất khó tuyển. [2]
Điểm chuẩn của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội theo xu hướng chung đều tăng ở hầu hết các ngành.
Tuy nhiên, tại nhóm ngành khoa học cơ bản như khí tượng và khí hậu học, hải dương học, địa chất học... điểm chuẩn vẫn “giậm chân tại chỗ”, ở mức chỉ khoảng 6 điểm/ môn.
Hay tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, điểm chuẩn cho các ngành địa chất học, địa tin học, khoa học dữ liệu… cũng chỉ ở mức 5 – 6 điểm/ môn, thấp hơn nhiều so với các ngành vốn không phải thế mạnh đào tạo của trường như công nghệ thông tin, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa,…[3]
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức. Ảnh: Đỗ Thơm |
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dù quy định hiện hành không ngăn cấm bất cứ cơ sở đại học nào mở ngành học mới nếu đủ tiêu chuẩn nhưng việc nhiều trường lâu nay chỉ đào tạo ngành kỹ thuật, công nghệ mà mở thêm mã ngành kinh tế; nhiều trường chuyên đào tạo kinh tế lại lấn sân sang khối ngành y tế gây ra những lo ngại là có cơ sở.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức phụ huynh, học sinh đang thiếu thông tin về nguồn nhân lực nên chỉ chạy theo những chuyên ngành được gọi là nóng, thời thượng… điều này rất nguy hiểm bởi nó có thể làm biến dạng cơ cấu về nhân lực của xã hội. Chỗ thừa thì thừa mà chỗ thiếu thì rất thiếu.
Các trường cứ chạy theo nhu cầu để thu hút thí sinh đào tạo cũng chỉ được cái lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ không bền vững. Bởi đào tạo ra nhiều nhưng các em không có việc sau đào tạo thì ngành đó sẽ không còn hấp dẫn nữa, thí sinh lại bỏ đi.
Nói về việc dự báo nguồn nhân lực, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức nói đến vai trò của các bộ ngành cần có sự phối hợp để dự báo về nguồn nhân lực, nhu cầu thật của nền kinh tế về nhân lực. Cần có sự thống kê về nhu cầu thật, để có thông tin đầy đủ cho phụ huynh, học sinh trong cả nước để có sự lựa chọn phù hợp.
Hiện tại, chúng ta vẫn nói là đào tạo nhân lực theo nhu cầu của xã hội, đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội mà cứ đào tạo tràn lan, đào tạo theo ý thích, thiếu định hướng như vậy sẽ gây ra lãng phí rất lớn.
Bên cạnh đó việc đào tạo những ngành mới như vậy mà thiếu kinh nghiệm, thiếu cơ cở vật chất, giảng viên… liệu chất lượng đào tạo có đảm bảo?
Điều này quyết định chất lượng của nguồn nhân lực, nếu khâu chuẩn bị không tốt thì nguồn đào tạo ra không tốt sẽ ảnh hưởng đến chất lượng lao động
Về vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những chấn chỉnh, tính toán sao cho hợp lý, Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức cho biết.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung. Ảnh: Zing.vn |
Cũng bày tỏ quan điểm với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về hiện tượng các trường đại học mở rộng chuyên ngành mới, các ngành truyền thống thì khó tuyển sinh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, ai thì cũng thích cái mới. Cái gì mới cũng thích, cái cũ không thay đổi cũng khó. Đó là xu hướng lựa chọn của người học.
Tuy nhiên, Giáo sư Dung cho rằng những trường mở ngành mới không phải lợi thế của mình thì việc đào tạo cũng chỉ là sự chắp vá, cóp nhặt, mới cái mới thì làm sao có truyền thống.
Mỗi trường đại học có một số ngành học có thế mạnh nhất định. Và đó cũng là truyền thống của trường. Ví dụ trường Luật, Bách khoa…Không có truyền thống thì không thể có 1 khoa học hoàn chỉnh để giảng dạy, nghiên cứu.
Việc cóp nhặt mỗi thứ 1 chút, dạy đi dạy lại thì khó có thể có được chất lượng trong đào tạo.
Nói về việc nhiều trường, các khoa phi truyền thống lại chính là những khoa thu hút nhiều sinh viên và đó chính là nguồn nuôi sống nhiều trường Đại học, Giáo sư Nguyễn Đăng Dung cho rằng việc này chỉ là “ăn xổi ở thì”.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, hướng nghiệp, tuyển sinh ở các trường đang thiếu sự định hướng, thiếu sự phát triển nên đã ảnh hưởng đến sự lựa chọn của học sinh, phụ huynh.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tu-nam-2020-den-nay-mo-562-nganh-dao-tao-moi-post220573.gd
[2]https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/nhung-nganh-hoc-la-tiep-tuc-e-thi-sinh-267431.html
[3]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nhung-nganh-hoc-tiem-nang-nhung-co-diem-chuan-thap-778170.html