Lãnh đạo trường đại học ủng hộ phương án siết chặt xét tuyển học bạ từ năm 2025

04/12/2024 06:17
Thu Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN-Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến xét tuyển học bạ phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Trong đó, có nội dung “siết” chặt quy định xét học bạ được các cơ sở giáo dục đại học, trung học phổ thông, phụ huynh và học sinh quan tâm. Cụ thể, đối với trường hợp sử dụng kết quả học tập cấp trung học phổ thông để xét tuyển, thì phải dùng kết quả học tập cả năm lớp 12 của thí sinh.

Khắc phục tình trạng “làm đẹp học bạ”

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên) nhận định, một trong những điểm mới trong dự thảo thông tư là yêu cầu xét tuyển dựa trên kết quả học tập cả năm lớp 12, thay vì dùng 3-5 kỳ/bậc trung học phổ thông như hiện nay. Quy định này được xem là bước tiến quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.

444487160-1239217617285760-3939839020783535224-n-4321.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên). Ảnh: Website nhà trường.

Theo thầy Khoa, trước đây, khi chỉ tính điểm đến học kỳ I của lớp 12 dẫn tới nhiều học sinh không còn chú trọng học tập trong học kỳ II, điều này mất cân đối trong rèn luyện và tiếp thu kiến thức. Việc xét kết quả học tập cả năm lớp 12 sẽ giúp học sinh duy trì động lực học đều đặn, đồng thời tạo áp lực tích cực để các em nghiêm túc hơn trong suốt năm học. Nhờ đó, kiến thức nền tảng được củng cố tốt hơn, giúp các em chuẩn bị sẵn sàng khi bước vào môi trường đại học.

Phó Giáo sư Ngô Như Khoa cũng cho biết thêm: “Để thích nghi với quy định mới trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh, nhà trường sẽ cần thực hiện điều chỉnh một số nội dung trong phương án tuyển sinh, đặc biệt là việc phân nhóm ngành, tổ hợp xét tuyển và chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Trước tiên, việc phân nhóm ngành và tổ hợp xét tuyển cần được xây dựng hợp lý hơn. Trong thời gian qua, nhiều ngành học cho phép sử dụng đa dạng tổ hợp môn xét tuyển, dẫn đến tình trạng học sinh chỉ tập trung vào các tổ hợp dễ, thay vì chú trọng học đều các môn.

Bởi, một trong những vấn đề tồn tại lâu nay, đâu đó trong hệ thống giáo dục vẫn còn mối lo về hiện tượng ‘làm đẹp học bạ’, khi điểm số chưa phản ánh đúng năng lực thực tế của học sinh. Do đó, quy định mới sẽ đưa ra yêu cầu xét tuyển nghiêm túc hơn, không chỉ tập trung vào các môn cốt lõi mà còn đánh giá toàn diện kết quả học tập cả năm lớp 12. Điều này không chỉ tạo cơ hội để các trường đại học lựa chọn được những thí sinh có năng lực thực chất, mà còn thúc đẩy học sinh phổ thông học tập nghiêm túc và đồng đều hơn ở tất cả các môn học.

Với những em chưa có định hướng rõ ràng hoặc lực học yếu, đây là một thách thức lớn, đòi hỏi sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía nhà trường trong việc xây dựng lộ trình học tập cá nhân hóa. Đồng thời, việc coi trọng điểm số cả năm học cũng giúp nâng cao giá trị của các kỳ thi đánh giá định kỳ, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh nhận thức đúng hơn về vai trò của học tập toàn diện”.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh với quy định sử dụng toàn bộ kết quả học tập của cả năm lớp 12, nhằm khắc phục tình trạng học sinh lơ là học tập trong kỳ II năm lớp 12 sau khi đã đạt đủ điều kiện xét tuyển học bạ, đồng thời nâng cao chất lượng đầu vào của các trường đại học.

Đây là một thay đổi không chỉ góp phần điều chỉnh hành vi học tập của học sinh, mà còn đặt ra yêu cầu về sự thống nhất trong tổ chức và đánh giá của các trường phổ thông.

IMG_3266 (1).jpeg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải. Ảnh: Website nhà trường.

Theo thầy Chương, trước đây, nhiều trường quy định chỉ sử dụng kết quả của 3-5 học kỳ để xét tuyển khiến kỳ II lớp 12 thường bị học sinh xem nhẹ. Nhiều học sinh sau khi đạt điểm số đủ điều kiện xét tuyển, thường lơ là học tập, không chú trọng vào việc hoàn thành năm học một cách nghiêm túc. Điều này không chỉ làm giảm chất lượng học tập, mà còn ảnh hưởng đến kết quả thi tốt nghiệp, dẫn đến tình trạng đầu vào đại học thiếu sự đồng đều. Do đó, điểm mới trong dự thảo này được kỳ vọng sẽ giúp học sinh tập trung học tập hơn, đảm bảo một quá trình học tập liền mạch và nghiêm túc.

“Trên thực tế, nhà trường đã áp dụng việc sử dụng kết quả học tập của cả năm lớp 12 được nhiều năm, coi đó là phương pháp đảm bảo tính toàn diện và chính xác trong việc đánh giá năng lực của học sinh. Việc xét tuyển như vậy giúp đảm bảo học sinh hoàn thành trọn vẹn chương trình học lớp 12, đồng thời, khắc phục tình trạng ‘học đối phó’ hoặc chỉ tập trung vào một số môn thi tốt nghiệp. Hơn nữa, cách làm này cũng góp phần tạo động lực học tập ổn định cho học sinh trong suốt 3 năm trung học phổ thông, thay vì chỉ tập trung vào các kỳ học được tính điểm xét tuyển.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định mới này cũng đặt ra những thách thức. Đầu tiên, các trường phổ thông cần phải đảm bảo tính chính xác và minh bạch trong việc đánh giá kết quả học tập. Việc này đòi hỏi một hệ thống quản lý chặt chẽ, cùng sự thống nhất giữa các trường để tránh tình trạng làm đẹp học bạ hoặc chênh lệch trong tiêu chí đánh giá.

Thứ hai, sự thay đổi này có thể gây áp lực lớn hơn cho học sinh lớp 12 khi phải tập trung học tập trong cả hai học kỳ.

Do đó, các trường và giáo viên phải có sự hỗ trợ, hướng dẫn phù hợp để học sinh không rơi vào tình trạng căng thẳng hoặc quá tải”, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương phân tích.

Bước tiến trong cải cách giáo dục, hướng đến sự bền vững, công bằng và chất lượng

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh tuyển sinh đại học ngày càng đa dạng về phương thức, việc đảm bảo chất lượng đầu vào và đáp ứng yêu cầu đào tạo là thách thức không nhỏ đối với các trường đại học.

giao-su-chu-duc-trinh-8265.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ảnh: Website nhà trường.

“Thứ nhất, về phương thức tuyển sinh, tôi không phủ nhận giá trị của học bạ trong việc phản ánh một phần quá trình học tập của học sinh ở bậc phổ thông. Nếu được kiểm soát chặt chẽ, việc sử dụng học bạ có thể góp phần vào việc đánh giá toàn diện hơn năng lực của thí sinh.

Thứ hai, việc xét tuyển học bạ sử dụng cả năm lớp 12 giúp đảm bảo đánh giá toàn diện quá trình học tập của học sinh. Kết quả học bạ phản ánh nỗ lực học tập và sự ổn định trong suốt năm cuối cấp, thay vì chỉ tập trung vào một giai đoạn hoặc một số môn cụ thể. Điều này tránh tình trạng học lệch, học tủ, khuyến khích học sinh học đều các môn để xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, hỗ trợ tốt hơn cho việc học tập ở bậc đại học và phát triển trong tương lai.

Thứ ba, phương thức này còn giúp tăng tính công bằng trong tuyển sinh, giảm thiểu những ảnh hưởng ngẫu nhiên từ kết quả một kỳ học hoặc bài kiểm tra cụ thể. Đồng thời, điều này cũng phù hợp với định hướng cải thiện chất lượng giáo dục phổ thông, khuyến khích học sinh học tập nghiêm túc trong suốt cả năm lớp 12. Việc xét tuyển này cũng thúc đẩy các trường phổ thông chú trọng giảng dạy thực chất và nâng cao chất lượng đánh giá, thay vì chạy theo thành tích ngắn hạn”, thầy Trình nêu quan điểm.

456975671_966691228591690_3605010550613466741_n.jpg
Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đồng tình với điểm mới của dự thảo nhằm tránh tình trạng học sinh học lơ là vào kỳ cuối năm lớp 12. Ảnh: Website nhà trường.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp (Đại học Thái Nguyên), trong dài hạn, khi đầu vào đại học được chọn lọc kỹ càng, sinh viên sẽ có nền tảng kiến thức vững chắc, giảm áp lực trong quá trình học tập, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo đại học, tiết kiệm thời gian và nguồn lực cho cả nhà trường và sinh viên. Do đó, việc “siết chặt” quy định xét tuyển bằng học bạ cả năm lớp 12 không chỉ mang lại lợi ích cho hệ thống giáo dục, mà còn góp phần hình thành thế hệ học sinh có thói quen học tập trách nhiệm hơn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

“Tôi cho rằng, dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một bước đi đúng hướng, vừa đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong tuyển sinh, vừa là tiền đề để xây dựng một nền giáo dục chất lượng cao”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Như Khoa bày tỏ.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng bày tỏ, các điều chỉnh trong dự thảo được đánh giá là hợp lý và cần thiết. Việc xét tuyển dựa trên kết quả cả năm học lớp 12 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng học tập và thi cử, mà còn đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong quá trình tuyển sinh.

Tuy nhiên, để quy chế này thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường phổ thông và cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ban hành các hướng dẫn chi tiết, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát việc thực hiện. Song song với đó, các trường phổ thông cần nâng cao trách nhiệm trong việc đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính khách quan và minh bạch. Đồng thời, các trường đại học cũng cần xây dựng tiêu chí xét tuyển rõ ràng, đảm bảo tính nhất quán và công bằng trong quá trình tuyển sinh.

“Những điều chỉnh trong dự thảo thông tư về quy chế tuyển sinh mới không chỉ là một bước tiến trong đổi mới giáo dục, mà còn đặt nền móng cho một hệ thống giáo dục bền vững, công bằng và chất lượng. Trong tương lai, tôi hy vọng, những thay đổi này sẽ tạo điều kiện tốt hơn để học sinh phát triển toàn diện, đồng thời nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước”, thầy Chương chia sẻ.

Thu Thuỷ