Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã trình Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập để Thủ tướng xem xét, phê duyệt; xây dựng định hướng kế hoạch xác minh về tài sản, thu nhập năm 2022, làm căn cứ để các bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện trong năm tới.
Dự thảo Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập được coi là một bước đi quan trọng trọng việc phòng, chống tham nhũng.
Cần làm và phải làm
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng: “Chủ trương này đã được Đảng, Nhà nước quan tâm từ lâu và đây là một bước cụ thể hóa cách làm để có những hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Khi đã có những định hướng cụ thể, xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập là phù hợp với xu hướng của thời đại. Kiểm soát này không phải là các cá nhân cán bộ tự giác nữa mà phải bằng các biện pháp cụ thể để đạt được sự liêm chính của cán bộ”.
Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương. (Ảnh Cao Kim Anh) |
Theo ông Vũ Quốc Hùng, thời gian qua chúng ta nâng cao tinh thần tự giác, tự giác kiểm điểm, tự giác kê khai tài sản. Thế nhưng vẫn tồn tại những sự vụ tham nhũng, sai phạm bị phát hiện trong thời gian gần đây, gây nhiều thiệt hại về kinh tế ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân. Điều đó chứng tỏ rằng, sự tự giác đó không cao và việc quản lý bằng các cơ sở dữ liệu là điều cần thiết và vô cùng quan trọng.
“Đất nước đang phát triển, kinh tế đa dạng, nếu không kiểm soát được tài sản thì nhầm lẫn giữa người tốt và người xấu. Câu chuyện ‘vàng thau lẫn lộn’ rất dễ xảy ra. Khi người tốt và người xấu bị nhầm lẫn thì rất khó quản lý xã hội tốt được.
Nếu anh tốt, anh kiếm tiền chân chính phát triển kinh tế cho đất nước, đồng tiền của anh làm ra minh bạch thì rõ ràng, nhà nước phải có chính sách khuyến khích anh làm việc.
Ngược lại, nếu anh lợi dụng quyền lực, tham ô, tham nhũng, vơ vét của cải của nhân dân vào túi riêng của mình. Con cái anh vừa trưởng thành, cha mẹ anh già yếu nhưng lại là chủ sở hữu của những khối tài sản khổng lồ thì phải đặt ra câu hỏi? Tài sản đó ở đâu mà có, có bằng cách nào? Đó là quản lý xã hội thông qua kiểm soát tài sản cá nhân”, ông Hùng bày tỏ.
Ông Vũ Quốc Hùng cho rằng, kiểm soát tài sản cán bộ là tốt nhưng song song với đó phải luôn củng cố những cơ quan, cá nhân có trách nhiệm giám sát, thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát.
“Điều này có nghĩa, đã thực hiện phải được đồng bộ, hệ thống. Còn nếu thực hiện không đến nơi, đến chốn, nửa vời và thiếu thống nhất sẽ không những không có hiệu quả mà dẫn đến tình trạng ‘nhờn thuốc’ ”, ông Hùng nhấn mạnh.
Xa hơn phải kiểm soát, minh bạch được nguồn gốc tài sản
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII cho biết: “Đây là việc cần làm và phải làm nhưng phải nếu kiểm soát được thu nhập toàn xã hội thì hiệu quả sẽ tốt hơn.
Trên thực tế, rất nhiều vụ việc tham ô, tham nhũng, sai phạm sau khi được điều tra thì họ tuồn tài sản cho những người khác đứng tên. Vì vậy, nếu chỉ kiểm soát mỗi mình tài sản của cán bộ thì không thể đạt hiệu quả cao được”.
Ông Nguyễn Bá Thuyền, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII. (Ảnh quochoi.vn) |
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền, nếu quản lý tài sản toàn xã hội, ai có tài sản bất thường phải chứng minh nguồn gốc ở đây mà có số tiền lớn đó. Lộ trình thực hiện việc thu nhập và sử dụng tài sản, thu nhập của một cá nhân phải được lấy từ dữ liệu của các cơ quan công an đang quản lý. Tránh tình trạng mỗi ngành lại xây dựng cơ sở dữ liệu riêng thì sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước nhưng không đem lại hiệu quả.
Ông Nguyễn Bá Thuyền cho rằng: “Có một thực tế là qua các vụ án tham nhũng được phát hiện thời gian qua cho thấy, nhiều cán bộ có sai phạm khi đang nắm giữ các vị trí quan trọng, thậm chí sai phạm xảy ra từ trước đó rất lâu. Như vậy, chúng ta phải xem lại việc thực hiện quy trình bổ nhiệm cán bộ.
Quy trình đúng thì phải có những cán bộ tốt, thế nếu cán bộ sai phạm thì phải có xử lý đối với người làm quy trình. Tôi theo dõi thì thấy chưa xử lý được những người thực hiện quy trình và để lọt cán bộ thoái hóa biến chất và nếu chưa xử lý gốc rễ thì tham nhũng và sai phạm vẫn còn tồn tại”.
Một thí dụ được ông Nguyễn Bá Thuyền nhắc tới là sai phạm của nguyên Bí thư tỉnh Bình Dương Trần Văn Nam "ưu ái" cho doanh nghiệp gây thiệt hại hơn một ngàn tỉ đồng.
“Đây là vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo cho thấy sự quyết tâm xử lý, làm trong sạch đội ngũ cán bộ. Rõ ràng, các hành vi "ưu ái" cho doanh nghiệp của ô Nam có thời gian để xảy ra sai phạm dài, kinh qua nhiều vị trí quan trọng trước đó. Tuy nhiên trách nhiệm của những người thực hiện công tác cán bộ trong vụ việc này chưa được đề cập đến. Điều đó chính là những lỗ hổng lớn trong công tác cán bộ hiện nay”, ông Thuyền nhận định.