Thầy Thanh với sáng kiến buồng khử khuẩn đa chức năng hỗ trợ phòng dịch Covid-19

22/11/2021 06:25
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thầy Nguyễn Trọng Thanh, việc sáng chế buồng khử khuẩn đa chức năng không những giúp ích cho phòng chống Covid-19 mà còn cả trong học tập.

Đầu tháng 11 vừa qua, tại Hội nghị biểu dương "sáng kiến - sáng tạo" trong công nhân viên chức lao động quận Cầu Giấy năm 2021, sáng kiến buồng khử khuẩn tự động đa chức năng sử dụng bộ điều khiển PLC ZEN và Arduino của thầy giáo Nguyễn Trọng Thanh (giảng viên trường Cao đẳng Điện tử, Điện lạnh Hà Nội) được nhiều người chúc mừng, tán thưởng.

Buồng khử khuẩn đa năng được đưa vào hoạt động thực tiễn đã giúp ích cho công tác phòng chống dịch Covid-19 trong trường học, và giúp các em học sinh, sinh viên tiếp cận được mô đun thực tế.

Thầy Nguyễn Trọng Thanh nhận giấy khen tại Hội nghị biểu dương "sáng kiến - sáng tạo" của quận Cầu Giấy. (ảnh: Mạnh Đoàn)Thầy Nguyễn Trọng Thanh nhận giấy khen tại Hội nghị biểu dương "sáng kiến - sáng tạo" của quận Cầu Giấy. (ảnh: Mạnh Đoàn)

Kỉ niệm khó quên

Tháng 4/2020, dịch bệnh Covid-19 lại tiếp tục xảy ra ở Hà Nội, công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đơn vị được đẩy mạnh với việc áp dụng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang - khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế).

Thời điểm này, các trường học tạm dừng hoạt động để thực hiện công tác phòng chống dịch. Trước thực tế này, lãnh đạo trường Cao đẳng Điện tử - Điện lạnh Hà Nội đã giao cho thầy Nguyễn Trọng Thanh làm chủ nhiệm nghiên cứu sáng chế buồng khử khuẩn.

Thầy Thanh cùng các thầy giáo trẻ sản xuất buồng khử khuẩn đa năng. (Ảnh: NVCC)Thầy Thanh cùng các thầy giáo trẻ sản xuất buồng khử khuẩn đa năng. (Ảnh: NVCC)

Hơn mười năm giảng dạy về tự động hóa, cái khó nhất với thầy Thanh không phải là khâu lắp ráp hay lập trình, mà đó chính là khâu lên ý tưởng.

Nhiều câu hỏi đặt ra đối với thầy Thanh như phải thiết kế làm sao để sản phẩm có thể tự động đo được thân nhiệt, phun khử khuẩn và sát khuẩn, nhằm hạn chế tối đa sự tiếp xúc giữa người với người trong công tác phòng chống dịch.

Thấy ông "thầy già" hí húi nghiên cứu sản xuất buồng khử khuẩn, một số giảng viên trẻ trong trường tò mò liền đến hỏi chuyện, rồi họ bị cuốn theo sự hăng say miệt mài cùng thầy Thanh.

"Qua quá trình tham gia làm việc với các giảng viên trẻ, tôi nhận thấy rằng nếu biết kích thích niềm đam mê cho đội ngũ này thì các em tham gia nghiên cứu rất hăng say. Qua đó, cũng giúp các giảng viên nâng cao được chuyên môn của bản thân, và cũng chính là giúp ích cho chính các học trò", thầy Thanh chia sẻ.

Tụ tay thiết kế, lắp đặt

Buồng khử khuẩn đa năng được thiết kế khi có người vào buồng thì hệ thống đo thân nhiệt sẽ hoạt động.

Nếu người vào đo có nhiệt độ 37,5 độ trở lên thì hệ thống sẽ báo động cho nhân viên y tế, cũng như ban chỉ đạo phòng chống dịch của nhà trường, để có biện pháp cách ly, giám sát người có dấu hiệu.

Khi có người bước vào buồng khử khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt sẽ hoạt động, tiếp đó là phun khử khuẩn toàn thân và cuối cùng là sát khuẩn tay với hệ thống tự động. Thời điểm sản xuất được chiếc máy đầu tiên, cũng có đơn vị chế tạo ra buồng khử khuẩn, nhưng nó không có 3 chức năng như sản phẩm của nhóm thầy Thanh. (Ảnh: NVCC)Khi có người bước vào buồng khử khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt sẽ hoạt động, tiếp đó là phun khử khuẩn toàn thân và cuối cùng là sát khuẩn tay với hệ thống tự động. Thời điểm sản xuất được chiếc máy đầu tiên, cũng có đơn vị chế tạo ra buồng khử khuẩn, nhưng nó không có 3 chức năng như sản phẩm của nhóm thầy Thanh. (Ảnh: NVCC)

Tiếp đó chủ thể sẽ đi qua hệ thống phun khử khuẩn toàn thân và cuối cùng khi đi ra khỏi buồng sẽ thực hiện việc sát khuẩn tay tự động.

"Nếu đo thân nhiệt bằng tay trong khoảng cách 1 mét thì nguy cơ lây nhiễm Covid-19 vẫn có thể xảy ra, hay như cả đối với việc phun khử khuẩn và sát khuẩn cũng vậy. Tuy nhiên, với buồng khử khuẩn thì nó thực hiện tự động hoàn toàn cả 3 bước trên, hạn chế tiếp xúc người với người", thầy Thanh chia sẻ.

Theo thầy Thanh, việc sản xuất buồng khử khuẩn đa năng là để áp dụng cho nhà trường chứ không phải kinh doanh nên tất cả những thiết bị, vật tư để thiết kế thì đều được cơ quan khác kiểm định.

Với thế mạnh về kĩ thuật, các khâu chế tạo từ cơ khí cho đến thiết kế mạch, lập trình hệ thống đều được các giảng viên tự làm. Vì vậy, chi phí vật tư để sản xuất một buồng khử khuẩn đa năng chỉ hết trên 10 triệu đồng.

Đối với dung dịch khử khuẩn toàn thân thì nhóm của thầy Thanh đi đặt hàng ở các đơn vị chuyên môn nhằm đảm bảo chất lượng.

Tháng 5/2020, sau một tháng nghiên cứu thì buồng khử khuẩn đa năng đã đi vào hoạt động. Sản phẩm không chỉ phục vụ cho công tác phòng chống dịch của nhà trường, mà còn hữu ích cho các em học sinh, sinh viên trong trường nghiên cứu với những mô đun có sẵn.

Thầy Thanh cho hay, đến nay nhóm của thầy đã sản xuất được 3 chiếc buồng khử khuẩn đa năng để phục vụ cho nhà trường phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Mạnh Đoàn)Thầy Thanh cho hay, đến nay nhóm của thầy đã sản xuất được 3 chiếc buồng khử khuẩn đa năng để phục vụ cho nhà trường phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Mạnh Đoàn)

Mặt khác, sau khi hết dịch bệnh, hệ thống này hoàn toàn có thể đưa vào ứng dụng trong giảng dạy các học phần (mô đun) có liên quan đến lập trình điều khiển hệ thống bằng PLC và Arduino,... để giúp các em có thể tiếp cận với những ứng dụng trong thực tế đời sống hàng ngày.

Từ đây, các em có thể sẽ phát huy được năng lực sáng tạo của mình, để vận dụng những kiến thức từ bài học trên lớp sang thiết kế ra được những ứng dụng thực tế phục vụ cho xã hội thực tế.

Ngành kỹ thuật, cần chịu khó

Tốt nghiệp trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và sau đó về trường giảng dạy đến nay cũng đã 15 năm, thầy Thanh hiện đảm nhiệm giảng dạy 2 môn chính là lý thuyết điều khiển tự động và lập trình điều khiển tự động PLC, lập trình điều khiển vi điều khiển.

Chia sẻ về nghề, thầy Thanh cho hay, đối với nghề kĩ thuật trong nhà trường thì các em chỉ cần chịu khó thì sẽ thành công.

Nhiều em có hoàn cảnh khó khăn nhưng bằng nghị lực vươn lên thì các em đã thành công. Một trong những tấm gương luôn được thầy Thanh chia sẻ với các em sinh viên là một chàng sinh viên dân tộc thiểu số Bùi Huy Vọng, quê ở Hòa Bình học khóa 2006.

"Khi đó nam sinh này học khóa đầu tiên của nhà trường về nghành tự động hóa. Gia đình bạn này rất khó khăn nhưng bạn ấy vẫn cố gắng vươn lên. Sau khi ra trường, thì đến nay em ấy đã học đến Thạc sỹ và hiện đang làm quản lý cho một doanh nghiệp Hàn Quốc về kĩ thuật thang máy ở Hà Nội", thầy Thanh chia sẻ.

Mạnh Đoàn