Thuận lợi và khó khăn, thách thức
Năm 2020 vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp ở Hải Phòng phải đối mặt với những tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.
Cả hệ thống chính quyền và khu vực doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, PCI 2020 của thành phố Hải Phòng đã vượt lên xếp vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành phố và xếp vị trí thứ 2/11 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, đạt 69,27 điểm, tăng 0,54 điểm và tăng hạng 03 bậc so với năm 2019.
Cũng từ năm 2020, chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) Hải Phòng là một trong những yếu tố kết hợp để đưa PCI của thành phố thăng hạng.
Hải Phòng nằm trong nhóm 10 địa phương dẫn đầu cả nước và trong nhóm địa phương có chất lượng điều hành kinh tế tốt.
Đặc biệt, trong 10 tháng đầu năm 2021, Công ty TNHH LG Display Việt Nam Hải Phòng (LGD) liên tục điều chỉnh tăng vốn đầu tư với tổng số vốn tăng thêm lên đến 2,15 tỷ USD.
Theo đó, trong 5 năm 2021- 2025, đặt ra mục tiêu thu hút 12,5- 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Đây là mục tiêu rất cao, nhiệm vụ rất nặng nề đối với thành phố.
Mặc dù còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, Hải Phòng phấn đấu thu hút 12,5- 15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 5 năm 2021- 2025 (Ảnh:TN) |
Trên thực tế, diện tích đất tại đa số các khu công nghiệp ở Hải Phòng hiện còn có thể thu hút đầu tư là rất ít, phân bổ nhỏ lẻ trong các Khu công nghiệp (187,9 ha) và mặt biển chưa san lấp (trên 700 ha).
Với quy mô diện tích còn lại là tương đối khó khăn để có thể đạt được hiệu quả thu hút đầu tư.
Do vậy, trước mắt, thành phố sẽ phải đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các Khu công nghiệp.
Qua đó, thành phố sẵn sàng có nguồn đất sạch với kết cấu hạ tầng hiện đại, đồng bộ, góp phần đắc lực “đi trước một bước” đón đầu các nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Một khó khăn, thách thức đối với Hải Phòng nằm ở lực lượng lao động hiện tại trong các Khu công nghiệp.
Hiện, ở đây chủ yếu là lao động phổ thông với trên 30% là lao động ngoại tỉnh (trên 50.000 người).
Việc thu hút, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp còn tương đối khó khăn.
Ngoài ra, các địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình cũng đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng đồng bộ, hiện đại cũng đang tạo áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với thành phố Hải Phòng.
Thu hút dòng vốn FDI mới
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư trên địa bàn thành phố.
Để tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động và thu hút thêm dòng vốn FDI, Thành phố Hải Phòng chú trọng công tác xúc tiến đầu tư “tại chỗ”.
Xúc tiến các tập đoàn, nhà đầu tư lớn, mở rộng xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến.
Xây dựng hình ảnh, tuyên truyền quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư của thành phố qua kênh ngoại giao, thông qua các diễn đàn, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và các tổ chức xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hải Phòng ban hành bộ tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư kết cấu hạ tầng, các dự án đầu tư để chủ động lựa chọn nhà đầu tư, dự án có chất lượng.
Ban hành cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại Khu công nghiệp, Khu kinh tế. Tập trung phát triển công nghiệp mũi nhọn như: công nghiệp ô tô, chế tạo máy, điện tử - tin học và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao, logistics...
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng “một cửa tập trung”, đơn giản hóa, rút ngắn thời gian thực hiện, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới cơ bản giải quyết trực tuyến các thủ tục.
Trong đó, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001:2015 vào công tác quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa, tại chỗ”, “một cửa liên thông”.
Hải Phòng cũng sẽ mở rộng và nâng cao chất lượng của mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo các tiêu chí quốc tế.
Chú trọng đào tạo các ngành nghề: điện, điện tử - tin học, cơ khí, tự động hóa, công nghệ cao; gắn kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp, thực hiện đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp.
Kiện toàn hệ thống đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, hình thành một số trung tâm nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo theo hướng liên kết với các doanh nghiệp.
Hải Phòng ưu tiên ban hành chính sách đảm bảo quyền lợi cho người lao động (Ảnh: CĐ) |
Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cho cán bộ quản lý và chuyên gia khoa học công nghệ.
Chú trọng công tác đào tạo cán bộ khoa học, quản lý, ngoại ngữ, công nhân kỹ thuật bậc cao để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư.
Xây dựng các cơ chế, chính sách đồng bộ và khả thi liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần, tạo phúc lợi cho người lao động.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nhà ở công nhân, đảm bảo an sinh xã hội, quyền lợi cho người lao động, nâng cao mức độ cạnh tranh của thành phố trong thu hút lao động, đặc biệt đối với lao động nhập cư.
Ngoài ra, thành phố quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố nói chung và trong Khu công nghiệp, Khu kinh tế nói riêng.
Xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ, tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho chuyên gia, người lao động, công nhân.
Mục tiêu cuối cùng là hạn chế tối đa dịch bệnh và luôn đi trước một bước trong phòng, chống dịch Covid-19; tiếp tục phát triển, ổn định sản xuất kinh doanh, giữ gìn khu công nghiệp xanh, doanh nghiệp xanh và công nhân xanh.